Bóng đen trong các hợp đồng vũ khí của Mỹ

21/12/2007 23:17 GMT+7

Chiến tranh Iraq và Afghanistan đã đẩy chi phí quốc phòng của Mỹ lên mức cao kỷ lục. Và trong dòng thác tài chính cuồn cuộn đó, hàng loạt vụ bê bối đã xảy ra.

Tiền chảy vào túi ông nghị

Hãng tin BBC trong một chuyên đề gần đây cho biết có rất nhiều vấn đề đã nảy sinh trong mối quan hệ giữa Lầu Năm Góc - các chính trị gia có nhiệm vụ thông qua ngân sách - các nhà thầu quốc phòng, mối quan hệ thường được gọi nôm na là "tam giác sắt". Tình hình nghiêm trọng tới mức nghị sĩ Henry Waxman, một người thuộc đảng Dân chủ đang giữ chức Chủ tịch Ủy ban Giám sát và cải tổ chính quyền của Hạ viện, đã hối thúc thực hiện một cuộc cải cách lớn.

"Chúng tôi cần phải lập lại tính minh bạch, tính hiệu quả trong các hợp đồng của chính phủ. Và không lĩnh vực nào quan trọng bằng quốc phòng", BBC dẫn lời Chủ tịch Waxman. Giữ trọng trách giám sát các hợp đồng mua bán của chính phủ liên bang, ông Waxman đã sốc thực sự trước những vấn đề được phát hiện trong quá trình điều tra, trong đó có tới 75% các vụ bê bối hoặc sai sót liên quan tới lĩnh vực quân sự. "Khi xem lại các hợp đồng có giá trị lớn, chúng tôi thực sự ngạc nhiên trước sự quản lý lỏng lẻo và việc coi nhẹ nhiệm vụ thống kê", ông cho biết.


Sau thời gian "sung sướng", ông nghị Cunningham đã vào tù - Ảnh: Wik

Theo BBC thì ủy ban của ông Waxman giám sát một khối lượng hợp đồng có tổng trị giá lên tới 762 tỉ USD và đã phát hiện hàng loạt vấn đề như quản lý kém, chất lượng thấp và gian lận. "Đôi khi cách thức mà chúng ta thực hiện các hợp đồng này chẳng khác gì việc kích thích cho các hành vi tham nhũng và lạm dụng", ông Waxman phát biểu với BBC. Và khi liên quan tới các khoản tiền ngồn ngộn này, nhiều chính trị gia đã không thể cưỡng lại.

Hồi tháng 10.2007, một tòa án tại California đã đưa ra xét xử nhà thầu quốc phòng Brent Wilkes và kết luận ông này đã toa rập với dân biểu Randy "Duke" Cunningham thuộc đảng Cộng hòa để trục lợi. Theo tài liệu của tòa án thì Wilkes đã thắng thầu các hợp đồng quân sự với tổng trị giá tới 90 triệu USD nhờ sự dàn xếp của dân biểu Cunningham, một thành viên của Tiểu ban Phân bổ ngân sách quốc phòng Hạ viện. Đổi lại, vị quan tham kia được "lại quả" bằng những kỳ du hí xả láng ở Hawaii hoặc một nơi nào đó. Nhà báo Seth Hettana, người góp phần đưa vụ Wilkes ra ánh sáng, cho biết: "Wilkes đã mời ân nhân Cunningham tới Hawaii và nghỉ tại phòng khách sạn với giá 6.600 USD mỗi đêm. Còn tính nguyên kỳ nghỉ thì hấp dẫn vô cùng. Wilkes đã điều tay chân gọi em út tới cho ngài dân biểu thư giãn. Thậm chí hắn còn ra lệnh cho tay chân chịu thua Cunningham trong các ván bài xì phé. Bất kỳ thứ gì mà ngài dân biểu cần đều được Wilkes lo hết".

Nhưng giờ thì những ngày tươi đẹp đã hết. Cựu dân biểu Cunningham, từng là phi công của hải quân Mỹ trong chiến tranh Việt Nam, đã phải vào tù. Doanh nhân Wilkes cũng đang chờ bản án, dự kiến sẽ được tuyên vào tháng sau.

Lỗ hổng to tướng

Sở dĩ dân biểu Cunningham có thể dễ dàng "trao" hợp đồng cho một doanh nghiệp nào đó là bởi theo Hiến pháp Mỹ, cơ quan của ông ta được sử dụng công cụ gọi là "earmarking" (chỉ định đầu tư). Earmarking là quy định cho phép cơ quan dân biểu địa phương hoặc liên bang được chỉ định đầu tư các nguồn công quỹ vào một dự án cụ thể nào đó. Hành động này chỉ bị coi là phạm pháp khi dân biểu đứng ra quyết định việc phân bổ ngân sách nhận hối lộ trực tiếp từ các nhà thầu được chỉ định. Có thể thấy cơ chế "earmarking" này có một lỗ hổng to tướng cho các ông nghị tham lam và các nhà thầu móc ngoặc với nhau để trục lợi. Thế nên nhiều hợp đồng quốc phòng được người ta mua bán một cách dễ dàng. Hãng tin BBC dẫn lời cựu quan chức lập pháp Mỹ Winslow Wheeler cho biết cùng với chi phí quốc phòng tăng cao sau sự kiện khủng bố 11.9.2001, số trường hợp thực hiện hợp đồng bằng hình thức chỉ định cũng tăng cao.

"Tình trạng này bắt đầu nảy mầm ngay sau vụ 11.9. Trong năm tài chính 2001, số tiền chi theo hình thức chỉ định vào khoảng 2 tỉ USD, nhưng năm kế tiếp đã tăng tới mức 4 tỉ. Sau đó thì lên 6 tỉ rồi 8 tỉ. Riêng năm tài chính 2007 là 10 tỉ USD", ông Wheeler tiết lộ với BBC. Hãng tin này còn dẫn số liệu của tổ chức giám sát Taxpayers for Comon Sense cho biết dân biểu John Murtha, người đứng đầu Tiểu ban Phân bổ ngân sách quốc phòng Hạ viện, là một trong những người sử dụng quyền chỉ định ngân sách nhiệt tình nhất. Từ giai đoạn sau 11.9.2001 đến nay, ông đã chỉ định tới 2 tỉ USD. Không ai phát hiện ra sai phạm trong các quyết định của dân biểu Murtha, nhưng việc chi quá nhiều theo dạng này đã khiến thiên hạ xôn xao. Theo BBC thì mỗi năm, tại một quận ở tiểu bang Pennsylvania, nơi ông Murtha làm đại biểu, các nhà sản xuất thiết bị quốc phòng thường tổ chức một sự kiện gọi là Murtha Fest (Lễ hội Murtha). Họ đưa tới đây trưng bày các sản phẩm mà họ muốn ngài dân biểu giúp đỡ.

Quả thực số tiền chi cho quốc phòng cứ cuồn cuộn như thác đổ này đã làm nhiều dân biểu, vốn nắm trong tay quyền phân bổ ngân sách, xúc động thực sự. Và thực tế cho thấy ông Cunningham không phải là trường hợp duy nhất thấy tiền lóa mắt.

C.M.L

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.