Chương trình cho vay đánh bắt xa bờ tại Tiền Giang: Vay nợ tiền tỉ, trả nợ... lai rai, nhỏ giọt!

26/11/2004 00:14 GMT+7

Đang là tài công và làm thuê cho một chủ tàu đánh cá, đùng một cái anh ta trở thành... tỉ phú và cũng nghiễm nhiên thành “chủ doanh nghiệp” vì được vay trên một tỉ đồng từ nguồn tín dụng ưu đãi của nhà nước theo chương trình phát triển tàu đánh bắt xa bờ. Có nhiều hoàn cảnh được “đổi đời” rất khác nhau, nhưng không ít trường hợp đều giống nhau ở chỗ dây dưa trong việc trả nợ. Thậm chí, có người sau hơn 5 năm cầm tiền tỉ của nhà nước, họ đã trả vốn chưa tới... 1 triệu đồng!

Theo Chi nhánh Quỹ Hỗ trợ phát triển Tiền Giang, toàn tỉnh chỉ có 11 hộ ngư dân được xét cho vay theo chương trình trên với mức trung bình từ 1,3 đến 1,6 tỉ đồng cho mỗi dự án. Nhưng cho đến nay đã có 9 dự án được xác định là không hiệu quả. Trong số đó riêng phường Tân Long, TP Mỹ Tho có tới 7 hộ được vay và trong 7 hộ đó thì có 2 hộ là anh em ruột và 1 hộ là cháu ruột của bà Võ Thị Hớn, trước là bí thư và hiện là phó bí thư phường! Ở đây chúng tôi chưa đặt vấn đề việc bình xét cho vay như vậy liệu có công bằng và đúng đối tượng chưa? Chỉ biết rằng cả 3 hộ trên hiện nay đều được xếp diện "chây ỳ, dây dưa" không muốn trả nợ, mặc dù tàu đánh cá của họ vẫn hoạt động liên tục, bình thường. Cũng có dư luận cho rằng, nhiều người hiện đang muốn kéo dài với hy vọng rồi đây nhà nước sẽ... xóa nợ!

Là một chương trình kinh tế của Chính phủ, lúc đầu lãi suất cho vay được quy định là 9,72%/năm, thời hạn trả nợ trong 7 năm. Nhưng để hỗ trợ tốt hơn cho ngư dân, lãi suất sau đó lần lượt được điều chỉnh giảm xuống còn 7%/năm rồi 5,4%/năm, trong khi thời hạn trả nợ thì kéo dài thêm từ 7 năm lên 10 năm. Vậy mà sau hơn 5 năm vay vốn, các hộ ngư dân (còn gọi là chủ đầu tư) tại phường Tân Long đều không trả nợ nhà nước theo đúng hợp đồng tín dụng nên tổng số nợ của họ đã lên tới 11,4 tỉ đồng, trong đó có hơn một nửa là nợ gốc quá hạn và nợ lãi. Đặc biệt có hộ liên tục 2 năm liền không trả nợ, như hộ ông Võ Văn Pha (em ruột bà phó bí thư phường) chỉ mới trả được... 1 triệu đồng trên 1,4 tỉ đồng nợ gốc. Hộ Lai Thị Huệ chỉ trả được 750 ngàn trên 1,36 tỉ đồng nợ gốc. Riêng hộ Huỳnh Văn Ngoan sau hơn 5 năm chỉ trả được 22 triệu đồng tiền lãi, còn 1,437 tỉ đồng nợ gốc thì chưa trả đồng nào... Theo hợp đồng tín dụng thì trừ thời gian được ân hạn, việc trả nợ gốc và lãi được chia đều cho từng năm và người vay phải trả đều đặn mỗi tháng.

Một ngư dân có nhiều năm kinh nghiệm cho biết việc ngư trường đánh bắt ngày càng khó khăn, nhiều chuyến ra khơi bị thua lỗ là chuyện có thật. Nhưng theo ông thì làm ăn có khi thắng khi thua, vấn đề là số ngư dân trên đã không có thiện chí trả nợ, thậm chí cũng không thèm nộp thuế. Điều này gây bất bình trong giới ngư dân tại địa phương. Theo cách tính của ông thì một chuyến ra khơi trung bình thu được chừng 20 tấn cá nục. Nếu tính giá cá nục là 5.000đ/kg thì mỗi chuyến thu về chừng 100 triệu đồng, đó là mức trung bình. Hơn nữa, toàn phường Tân Long có khoảng 89 tàu đánh bắt trên biển, trong đó đa số họ đều là vốn cá nhân hoặc vay ngân hàng với lãi suất cao hơn, thời hạn ngắn hơn, định mức vay thấp hơn, nhưng hầu hết đều hoạt động bình thường và nộp thuế đầy đủ.

Theo Quyết định 89/2003/QĐ-TTg của Chính phủ và Thông tư hướng dẫn liên bộ về xử lý nợ vay vốn đầu tư phát triển tàu đánh bắt xa bờ thì đối với các chủ đầu tư có khả năng trả được nợ nhưng lại cố tình chây ỳ, không trả nợ thì không gia hạn hoặc giãn nợ. Và nếu trong vòng 6 tháng kể từ ngày kiểm tra mà hộ ngư dân vẫn không trả đủ nợ theo hợp đồng tín dụng thì chính quyền địa phương có trách nhiệm phối hợp cùng với tổ chức cho vay lập biên bản, thu hồi tàu để bán đấu giá trả nợ cho nhà nước. Trong khi đó thì được biết tỉnh Tiền Giang đã lập đoàn kiểm tra, phân loại và xác định những dự án không hiệu quả từ lâu, nhưng việc xử lý cho đến nay vẫn chưa cương quyết và dứt khoát, gây thiệt hại cho nhà nước.

Hoàng Phương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.