Nên tăng lương để kích cầu!

22/12/2008 23:19 GMT+7

Tại hội thảo "Kịch bản kinh tế Việt Nam 2009, các giải pháp ổn định và phát triển" do Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức hôm qua ở TP.HCM, nhiều chuyên gia có uy tín đã đưa ra những ý kiến đáng chú ý.

Nhanh chóng tăng lương...

Trước nhiều ý kiến cho rằng gói kích cầu 6 tỉ USD chỉ như "muối bỏ bể", ông Trương Đình Tuyển, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách Kinh tế quốc gia, cho rằng, tính đến nay, nguồn vốn kích cầu toàn thế giới khoảng 3.000 tỉ USD, tương đương với 7% GDP của thế giới. Gói kích cầu 6 tỉ USD của VN tương đương với 7% GDP quốc gia. Như vậy có thể thấy, gói kích cầu này không hề ít. Ông Tuyển thẳng thắn: "Đã là gói kích cầu thì có nghĩa là ưu đãi, và ưu đãi thì doanh nghiệp (DN) nào cũng muốn xin tiền. Tuy nhiên, DN cần phải từ bỏ ngay tư duy này. Phải coi gói kích cầu như một bộ khuếch đại để tạo ra đầu tư, tạo ra thị trường cho toàn xã hội. Các DN dựa vào đó để làm ăn".

So sánh gói kích cầu của Chính phủ như một "mồi bơm nước", không cần nhiều nhưng bắt buộc phải có để máy bơm hoạt động, ông Lê Đức Thúy, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng, tình trạng các DN hiện nay và trong thời gian tới là an toàn, họ không muốn đầu tư. Lượng nước mồi này là rất cần thiết để "chiếc máy bơm DN" vận hành trong thời gian tới.

Ông Trần Đình Thiên, quyền Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, đặt câu hỏi: Kích cầu vào đâu, kích cầu như thế nào để không rơi vào tình trạng rót sai, rót nhầm nguồn vốn quý giá này? Theo ông Thiên, các dự án được ưu tiên kích cầu của Chính phủ phải bảo đảm 3 điều kiện gồm: Giúp tháo gỡ nhanh các nút thắt tăng trưởng, gây ách tắc lâu nay như cảng biển, cầu đường, năng lượng...; Có sức lan tỏa mạnh trong đó định hướng ưu tiên những dự án thu hút đầu vào, tạo nhiều việc làm; gỡ khó cho xuất khẩu, đặc biệt là hỗ trợ cho các DN sử dụng nhiều lao động (dệt may, da giày, thủ công mỹ nghệ...) để giảm thâm hụt thương mại.

Ông Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc nghiên cứu Chương trình giảng dạy Fulbright, đặc biệt nhấn mạnh nên sử dụng gói kích cầu vào các dự án thâm dụng lao động thay vì thâm dụng vốn bởi với 1,7 triệu lao động mới hằng năm hiện nay thì yếu tố này là ưu tiên hàng đầu.

Tại hội thảo, ông Lê Đức Thúy đưa ra 3 kịch bản kinh tế Việt Nam 2009. Kịch bản 1, GDP tăng trưởng 6,5%, lạm phát 10%. Nền kinh tế sẽ chấm dứt đà suy thoái và bắt đầu tăng trưởng vào năm 2010. Kịch bản 2 là GDP tăng trưởng 5%, lạm phát từ 6%-8%. Tăng trưởng kinh tế có bước đột phá để phát triển bền vững vào năm 2011. Kịch bản 3 là GDP tăng trưởng 5%, lạm phát trên 10%. Khả năng kéo dài tình trạng hiện nay và khó khắc phục. Nhưng ông Thúy nói: "kịch bản 1 khó đạt được, chúng ta nên theo đuổi kịch bản 2 mà mục tiêu là ổn định vĩ mô, tập trung nguồn lực để gia cố các nền tảng mà lâu nay chúng ta chưa làm được".

Các đại biểu cũng nhấn mạnh việc nhanh chóng tăng lương để tăng tiêu dùng, từ đó kích thích DN sản xuất.

Hạ lãi suất là đúng

Ông Bùi Kiến Thành, chuyên gia tài chính độc lập phân tích, cho rằng: Lãi suất (LS) cho vay trần hiện nay ở mức 12,75%/năm là quá cao, điều này khiến các DN rất khó cạnh tranh trên thị trường thế giới bởi DN nhiều nước hưởng mức LS thấp hơn rất nhiều. Thế nhưng làm sao để các ngân hàng không lỗ khi cho vay với LS thấp trong khi đã huy động với LS rất cao trước đó? Theo ông Thành, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nên cung cấp vốn cho ngân hàng thương mại với LS 1% -  2%/năm để các ngân hàng cho vay với LS 5%- 7%/năm và đem hợp đồng vay chiết khấu lại cho NHNN. Một giải pháp mà nhiều nước vẫn làm là LS tín dụng DN thấp nhưng LS tiêu dùng cao để "bù qua, sớt lại". Tại Mỹ, hơn 60% GDP là thuộc về lĩnh vực tiêu dùng, phần lớn được tài trợ bằng tín dụng tiêu dùng với LS từ 15% - 20%/năm. Đây là cách mà các ngân hàng trong nước nên áp dụng.

Đứng từ góc độ khác, ông Lê Đức Thúy cho rằng, hạ LS là đúng nhưng không phải hạ bao nhiêu cũng được vì lạm phát trong nước còn cao. Không thể "ào một cái" hạ LS xuống 1%- 2% được mà LS sẽ giảm theo lạm phát. Nếu hạ quá nhanh thì sẽ có những tác động không tốt sau này. Ông Thúy chứng minh, nếu LS đồng Việt Nam hạ xuống quá thấp thì người dân sẽ không gửi tiền vào ngân hàng, thậm chí đổi sang giữ các loại tiền khác. Hậu quả sẽ cao hơn nhiều.

Nguyên Hằng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.