Căng-tin trường học bán gì?

12/12/2006 21:52 GMT+7

Do phải chăm lo đến chuyên môn và cũng không có nhiều biên chế cho công việc này nên một số trường đã cho tư nhân đấu thầu kinh doanh căng-tin. Vì vậy, tình trạng kinh doanh không phù hợp với môi trường giáo dục thường xuyên xảy ra.

Một đồng nghiệp than phiền không hiểu sao thời gian gần đây, thỉnh thoảng cậu con trai của anh đang học tiểu học tại TP.HCM lại mang về nhà những món đồ chơi khác nhau, cho dù gia đình không cho mang tiền đến trường. Gặng hỏi mãi, cháu mới hé ra rằng được bạn học chung lớp tặng. Đó là những đồ chơi như máy bay, ô tô... có được nhờ vào việc mua thẻ cào trong căng-tin của trường. Cứ mỗi 2.000 đồng, học sinh có thể mua được từ 2-3 thẻ cào, nếu may mắn thì trong số thẻ cào đã mua đó sẽ có thẻ trúng thưởng một món đồ chơi...

Kể lại câu chuyện trên, cho dù không lên án việc kinh doanh trong căng-tin bởi đây là nơi được phụ huynh tin tưởng hơn là những xe hàng rong, quán ăn vỉa hè mất vệ sinh trước cổng trường nhưng phụ huynh trên lại đặt vấn đề rất nhạy cảm: phải chăng đó là cách người lớn tập cho trẻ trò chơi may rủi?

Mô hình kinh doanh căng-tin hầu như đều có ở tất cả các trường tiểu học, THCS và THPT... Nếu chỉ tính sơ sơ ở 3 bậc học trên thì con số căng-tin trường học cũng lên đến gần 1.000 điểm. Đây là nơi bán quà bánh, nước uống giải khát, có thể là một số hàng tiêu dùng trong trường học, chỉ đơn giản là viết, tập, gôm tẩy, mực... Hoạt động kinh doanh này sẽ đơn giản khi trường học là chủ thể thực hiện, bản thân thầy cô giáo sẽ biết mặt hàng nào có tính giáo dục phù hợp với học sinh. Nhưng do phải chăm lo đến chuyên môn và cũng không có nhiều biên chế cho công việc này nên một số trường đã cho tư nhân đấu thầu kinh doanh căng-tin. Vì vậy tình trạng kinh doanh không phù hợp với môi trường giáo dục thường xuyên xảy ra. Ở một số căng-tin ở các trường học, bậc tiểu học có hình thức vé cào trúng thưởng đồ chơi máy bay, súng đạn, tranh ảnh đấm đá, mang tính bạo lực...; ở bậc THCS, THPT có... "bom thối" (một loại đồ chơi do Trung Quốc sản xuất khi ném mạnh hoặc để vỡ ra sẽ có mùi thối), những cuốn truyện tranh có nội dung dành cho lứa tuổi trên 18 vẫn được bày bán công khai trong trường...

Theo ông Lê Ngọc Điệp, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học, Sở GD-ĐT TP.HCM thì "ngoài việc quản lý chuyên môn thì hằng năm Sở đều có văn bản hướng dẫn và yêu cầu các trường bán trú có bếp ăn hoặc sử dụng suất ăn công nghiệp hay hoạt động căng-tin phải thực hiện tốt an toàn thực phẩm, sử dụng thực phẩm rõ nguồn gốc... chứ không có quy định hành chính về căng-tin như được hay không được kinh doanh những mặt hàng nào... Vì vậy, chính các đơn vị trường học phải tự nhận thức và quản lý hoạt động trên, không nên vì lợi nhuận các nhà thầu đem lại mà quên đi mục đích giáo dục".

Chung quan điểm trên, cô Vũ Thị Mỹ Hạnh, Hiệu trưởng Trường tiểu học Lương Định Của (Q.3) cho biết: ngay khi nhà trường cho đấu thầu căng-tin từ năm 1999 đã đưa ra những quy định cụ thể, nhà thầu nào chấp nhận đầy đủ các quy định mới được phép tham gia. Hay như Trường tiểu học Minh Đạo (Q.5), để tránh việc học sinh trực tiếp tiêu tiền, cô Võ Hồng Thu, Hiệu trưởng nhà trường đã khuyến khích phụ huynh đăng ký với căng-tin và nhận phiếu theo dõi. Hằng ngày, khi có nhu cầu, học sinh chỉ việc mang phiếu xuống lấy thức ăn hoặc đồ uống... phụ huynh sẽ trực tiếp thanh toán với căng-tin vào cuối tháng... Để thực hiện được mô hình căng-tin trường học đảm bảo môi trường giáo dục thì những hiệu trưởng trên đều kiên quyết "Chỉ cần nhà trường phát hiện một lần căng-tin kinh doanh sai quy định, chúng tôi sẽ tiến hành cắt hợp đồng".

Quả thật, để căng-tin trường học hoạt động hiệu quả, thiết thực, đòi hỏi phải có sự kết hợp từ nhiều phía. Bên cạnh việc giáo dục, tuyên truyền, giải thích cho học sinh, sinh viên thuộc trách nhiệm của gia đình và nhà trường thì còn đòi hỏi cái tâm của người kinh doanh không nên vì lợi nhuận mà quên đi môi trường và đối tượng mà mình đang thực hiện hoạt động này.

B.T

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.