Nhức nhối nạn đa thê

01/11/2008 10:24 GMT+7

Phụ nữ ở nông thôn tỉnh Tiền Giang vốn xem lễ cưới là quan trọng nhất, ít quan tâm đến việc đăng ký kết hôn. Đó là kẽ hở để không ít ông chồng cưới thêm vợ mà không bị pháp luật xử lý

Một ngày cuối tháng 10-2008 chị N.T.T.L (ngụ xã Lương Hòa Lạc, huyện Chợ Gạo - Tiền Giang) ôm con nhỏ đến văn phòng luật sư S.H (TP Mỹ Tho - Tiền Giang) nhờ tư vấn để ngăn chặn chồng cưới vợ hai.

Mất chồng, lại thiệt thân

Chị L. kể: “Tôi cứ tưởng cưới nhau, sống chung rồi sinh con thì xem như là vợ chồng chính thức nên không quan tâm đến việc đăng ký kết hôn (ĐKKH), để rồi giờ phải khóc hận”.

L. và N. cưới nhau từ năm 2005, chung sống được một năm thì N. lên TP Mỹ Tho làm ăn, phó thác việc nuôi con, nuôi mẹ chồng bệnh tật cho vợ. Cực khổ bao nhiêu L. cũng chịu được, nhưng không chấp nhận việc N. đòi cưới vợ hai. Mặc L. phản đối, N. vẫn tiến hành cưới vợ, thậm chí còn mời L. đến chung vui. Một hôm, L. dắt con trai ba tuổi tìm đến chính quyền địa phương nơi cô gái mà N. định cưới đang cư trú, đề nghị ngăn chặn cuộc hôn nhân. Tuy nhiên, đề nghị của L. không được trợ giúp vì chị không có giấy ĐKKH. Quá bức xúc, hai ngày sau, L. dắt con xông vào đám cưới của chồng, tuyên bố mình là vợ chính thức của N., đồng thời xô xát với cô vợ mới. Kết cục, không những L. không nhận được sự chia sẻ của mọi người mà còn bị hành hung vì bị cho là mạo nhận, gây rối.

Thực tế cho thấy trong hầu hết những cuộc hôn nhân không giá thú bị đổ vỡ, người phụ nữ luôn chịu thua thiệt. Ngay cả đứa con chung, người chồng cũng có thể tìm cách từ chối, người vợ phải lầm lũi nuôi con mà không được người chồng cấp dưỡng.

Hoàn cảnh chị L.T.D ở xã Thân Cửu Nghĩa, huyện Châu Thành cũng bi đát không kém. Cách nay khoảng hai tháng, chồng D. là T.T.H đến huyện Gò Công Đông làm thuê cho một trại nuôi nghêu. Tháng đầu, H. có đem tiền về nuôi con, nhưng tháng sau đó thì dắt về một phụ nữ và giới thiệu... là vợ mới cưới của mình! H. còn bảo rằng nếu D. “biết chị, biết em” thì hằng tháng anh ta sẽ về thăm D. từ một đến hai lần; còn không thì cắt tiền nuôi con, đuổi D. ra khỏi nhà. D. đem chuyện báo cho chính quyền địa phương biết. Một cán bộ khuyên chị phải tìm được bằng chứng để nhờ cơ quan pháp luật xử lý H. về hành vi vi phạm chế độ một vợ một chồng. D. bèn đến huyện Gò Công Đông thuê nhà trọ “phục kích” chồng. Một lần, nhìn thấy cửa nhà tình địch chưa khóa, D. xông thẳng vào và bắt gặp chồng mình đang nằm chung giường với tình địch. Hờn ghen tích tụ lâu ngày, D. đập phá đồ đạc và đánh nhau với tình địch. Khi chính quyền địa phương tới can thiệp, D. bị cáo buộc xâm nhập gia cư bất hợp pháp vì không chứng minh được mình là vợ của H.

Bị thiệt vì xem nhẹ đăng ký kết hôn

Luật sư Cao Minh Triết (Văn phòng Luật sư Cao Minh Triết, TP Mỹ Tho) cho biết mỗi năm, văn phòng của ông tiếp nhận hàng chục trường hợp phụ nữ trẻ, có chồng nhưng không có giấy ĐKKH đến nhờ tư vấn, tìm giải pháp pháp lý để ngăn chặn chồng cưới thêm vợ hai, vợ ba. Tuy nhiên, ông và các đồng nghiệp bó tay. “Điều này cho thấy Luật Hôn nhân Gia đình chưa được tuyên truyền, giáo dục sâu rộng trong nhân dân, nhất là giới trẻ. Người phụ nữ ở nông thôn lâu nay vẫn xem lễ cưới là quan trọng nhất mà không quan tâm đến việc ĐKKH. Đây là kẽ hở để mấy ông chồng cưới thêm vợ mà không bị pháp luật xử lý” - luật sư Triết nhận định.

Chị D.T.B (ở xã Long An, huyện Châu Thành - Tiền Giang) làm đám cưới với anh N.V.T đã hơn 10 năm, có tới ba mặt con. Đùng một cái, anh T. cưới thêm vợ. Không chịu cảnh chồng chung, chị B. đâm đơn ra tòa xin ly hôn. Song, do chưa ĐKKH nên tòa án không thể giải quyết ly hôn, chia đôi tài sản, giải quyết nuôi con như những vụ ly hôn khác mà chỉ xử hủy hôn; còn tài sản ai chứng minh được mình làm ra thì là của người đó. Sau lần ra tòa, chị B. bị chồng đuổi ra khỏi nhà với hai bàn tay trắng. Trước cảnh sống quá thiếu thốn và nhớ con, chị B. đành quay trở về với T., chấp nhận sống cảnh chồng chung.

Chị N.T.Th, ở xã Lương Hòa Lạc, huyện Chợ Gạo, tâm sự: “Chồng tôi cưới vợ hai đã ba tháng nay. Không chấp nhận sống cảnh chồng chung, tôi phải ly hôn. Trước tòa, anh ấy không nhận con. Tòa yêu cầu tôi đi giám định gien nhưng tốn tiền nhiều quá, tôi không lo xuể”.

Theo Hoàng Hùng / Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.