Người dân đang ăn uống kiểu… tích chất độc!

10/12/2009 23:56 GMT+7

Hôm qua, kỳ họp thứ 19 HĐND TP Hà Nội bước vào phiên chất vấn với 2 nhóm vấn đề nóng bỏng: vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) và chống ùn tắc giao thông.

Sẽ hại cho đời con cháu chúng ta

Phó chủ tịch UBND TP Đào Văn Bình cho biết, hiện toàn TP mới có 60% cơ sở kinh doanh, chế biến thực phẩm được cấp giấy VSATTP. Ông Bình thừa nhận: “Thức ăn đường phố không thể kiểm soát nổi. Ngay cả các cửa hàng có GCN cũng chưa chấp hành nghiêm túc. Rau, củ, quả cũng tương tự. Chỉ kiểm soát được ở những nơi đã cấp GCN, còn rau trôi nổi đưa từ tỉnh khác vào thì chịu...”.

Đại biểu Nguyễn Hoài Nam chất vấn: “Các vụ mất VSATTP vừa qua không phải được phát hiện từ cơ quan chuyên môn của TP mà từ cơ quan công an, vậy trách nhiệm của chính quyền cơ sở thế nào, của cơ quan chuyên ngành ở đâu?". Về tình hình VSATTP ngày càng xấu đi, đại biểu Nguyễn Việt Hưng bày tỏ lo lắng: “Qua ăn uống hằng ngày, chúng ta đang tích lũy chất độc vào cơ thể, dầu cặn mỡ bẩn, thực phẩm ôi thiu được đưa vào chế biến". Đồng cảm với những ý kiến trên, đại biểu Phạm Thị Thành "bồi thêm": “Chúng ta quá coi thường, ăn độc vào người thành quen rồi, nhưng như thế sẽ hại cho đời con cháu chúng ta”. Bà Thành đặt câu hỏi: “Tại sao biết một số hộ kinh doanh chế biến thực phẩm, mỡ bẩn mà thôn không báo cáo cáo với xã, xã không báo cáo với huyện, trách nhiệm của các cơ quan này đến đâu?".

Phó chủ tịch Đào Văn Bình cho rằng, việc công an môi trường phát hiện ra các vụ mất VSATTP cũng là chuyện bình thường vì công an cũng là thành viên của Ban chỉ đạo VSATTP thành phố. Ông Đào Văn Bình cũng phân trần: “Theo phân cấp, vi phạm ở chợ, ban quản lý chợ chịu trách nhiệm. Ở xã, chủ tịch UBND xã chịu. Bộ máy rải khắp các cấp nhưng còn mỏng, không quản lý xuể. Cấp thành phố chỉ có 4 thanh tra chuyên ngành VSATTP, cấp huyện cũng chỉ có 3-5 người... Dù vậy, lực lượng chức năng đã kiểm tra liên tục, phát hiện nhiều vụ vi phạm. Chúng tôi đã đề nghị cơ quan công an thụ lý hồ sơ, truy tố nhưng không xử lý hình sự được vì chưa xảy ra hậu quả nghiêm trọng!”.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Vũ Đức Tân về việc chưa lập quy hoạch các vùng rau an toàn, ông Bình cho rằng: TP chưa phê duyệt được quy hoạch là do quy hoạch chung của TP chưa được Chính phủ phê duyệt.

5 năm nữa ùn tắc khó mà tháo gỡ!

Hội trường thực sự nóng lên bởi những chất vấn về vấn đề ùn tắc giao thông đô thị. Quá bức xúc về "vấn nạn ảnh hưởng đến mọi người", đại biểu Phạm Thị Loan mở đầu: “Trước đây, tôi đi họp HĐND TP hết 30 phút, nay hết 1 giờ. Tôi thấy các giải pháp của UBND TP là tình thế, thiếu thuyết phục vì chẳng có thành phố nào trên thế giới lại ngăn bịt các ngã ba, ngã tư để giải quyết ùn tắc giao thông. Tại sao lại cứ cho nâng tầng tại các chung cư trong nội thành?". Kiến trúc sư Trần Trọng Hanh thì cho rằng, quy hoạch của Hà Nội đang đi chệch hướng khi định hướng thủ đô phát triển sẽ có tới 10-15 triệu dân, trong khi theo tính toán, sự chất tải của Hà Nội chỉ có thể là 5 triệu dân. Ông hỏi: "UBND TP có cương quyết kéo các trung tâm hành chính ra ngoài không, có quyết tâm chống bệnh đô thị “đầu to”, siêu đô thị không?". 

Phó chủ tịch UBND TP, ông Nguyễn Văn Khôi thừa nhận: Đúng là các giải pháp chống ùn tắc vừa qua là tình thế và tạm thời, TP đã chỉ đạo các ngành chuẩn bị phương án điều chỉnh, tháng 12 sẽ họp bàn để triển khai. Tuy nhiên, ông Khôi khẳng định, TP cũng quyết tâm giảm tải nội thành và có ngưỡng để hạn chế tăng dân số cơ học. Ông Khôi cũng thừa nhận, trong khu đô thị mới việc xây dựng trường học là chậm, do vậy học sinh phải vào nội thành để học, điều này tác động tới giao thông. "Giải pháp của TP là mở thêm một số tuyến xe buýt tới các trường, đồng thời mở theo tuyến cơ quan đi làm việc, hiện đã có 6 tuyến buýt và cũng góp phần giảm ùn tắc", ông Khôi nói.

Nhận xét về tốc độ tăng trưởng phương tiện giao thông hiện nay (10-15%), ông Khôi thừa nhận: “Với tốc độ này, đúng là 5 năm nữa, tình trạng  ùn tắc khó tháo gỡ được". Một số đại biểu đề nghị thành phố sớm tính toán và đưa ra trưng cầu ý kiến về chuyện hạn chế xe máy để giảm tải hạ tầng giao thông. Ông Khôi cho biết, đây là một trong những giải pháp mà thành phố đang tính toán cùng với tăng cường hệ thống giao thông đường sắt đô thị, đường giao thông trên cao, giao thông ngầm và hệ thống cầu vượt...

Việt Chiến

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.