Lênh đênh đời ở trọ

10/12/2005 22:05 GMT+7

Nhiều người bảo nhau: Thời buổi này có được ít đất ở Sài Gòn tốt nhất nên đầu tư vào nhà trọ, không bao giờ ế, thậm chí... đuổi không hết khách tìm thuê. Không ít dãy nhà trọ chưa kịp xây xong đã có người đến thuê hết veo, đã thế chủ còn kén khách... Thế nhưng chất lượng những căn nhà trọ ấy ra sao? Câu trả lời thường là những lời than: tệ quá hoặc đắt quá. Ở trọ là nỗi ám ảnh của những người tỉnh xa lập nghiệp tại các thành phố lớn.

“Ấn tượng” về những căn nhà

Hà, một người họ hàng xa của tôi, vừa mới chân ướt chân ráo từ Phú Thọ vào Sài Gòn tìm việc. Sau một thời gian ở nhờ nhà người quen và đã tìm được một công việc ổn định, Hà bắt đầu tìm thuê nhà để ra ngoài ở. Ban đầu, cô rất hăng hái vì sắp thực sự bắt đầu cuộc sống mới.

Hà làm ở đường Ba Tháng Hai nên chúng tôi dạt ra những khu "vệ tinh" như quận Phú Nhuận, Bình Thạnh, quận 10 để tìm nhà cho tiện đi lại. Hà bảo: Lương của em 1,3 triệu đồng, em chỉ dám bỏ ra từ 300-400 ngàn để chi phí vào chỗ ở thôi". Cả tuần quần khắp nẻo ngõ ngách, chúng tôi vô cùng ngao ngán vì kiếm không ra căn nhà trọ với giá khiêm tốn như trên. Các cò nhà đất xua tay: phòng riêng giá đó thì qua "pó tay!". Một chủ cho thuê nhà bật cười vẻ thương hại: "Giá "bèo" như thế chỉ có thể ở ghép thôi em ơi!". Thấy chúng tôi ngơ ngác, ông giải thích: "Nghĩa là phải ghép thêm người vào ở chung để chia sẻ bớt tiền nhà".

Thông thường, những dịp sau Tết và vào dịp tháng 9-10, nhà thuê trở nên khan hiếm. Lý do: Sau Tết người dân đổ về thành phố tìm việc, tháng 9-10 là dịp sinh viên ra trường cũng muốn tìm việc tại các thành phố lớn, đồng thời lại đón một lượng sinh viên mới vào các trường đại học, cao đẳng... Một số người có sáng kiến: bỏ vốn ra thuê một căn nhà rộng với giá từ 2-3 triệu đồng rồi cho thuê lại, vừa ở vừa kinh doanh. Muốn vậy, cũng phải chuẩn bị từ 3-6 tháng tiền cọc nhà, trả tiền nhà trước 2-3 tháng.

Chúng tôi đã theo chân hàng chục cò nhà trọ, càng tìm càng thấy thất vọng, thậm chí... kinh hãi vì chất lượng nhà trọ quá tồi tệ. Nhà trọ để lại những ấn tượng "khó phai": những căn nhà tồi tàn, xe đạp chất thành đống ở hiên; có nơi nhà "nổi" trên dòng kênh đen hôi thối. Tìm đến một căn nhà trọ dành cho sinh viên tại khu cư xá B., quận 10, cả hai giật mình: căn nhà hai tầng dạng lắp ghép bằng khung sắt... quây lưới. Để mở rộng diện tích, chủ nhà có "sáng kiến" làm một gác suốt tại lầu trệt thành 2 lầu, nhìn vào thấy các sinh viên như đang bị nhốt trong một chiếc cũi chật chội, đầu lúc nào cũng trong tư thế sắp đụng trần. Nhà này còn có “ý tưởng sáng tạo” độc đáo: làm những chiếc móc để treo xe đạp lên cao. Bà chủ nhà còn cho biết: "Chỉ có 2 toilet nên bác phải cắt đặt việc tắm rửa theo ca. Một nhóm chỉ được tắm buổi sáng, nhóm khác tắm ca chiều, nhóm nữa tắm tối". Bà chủ dẫn chúng tôi lên xem phòng, một căn phòng lầu 2, được chia ra làm 3 khoang, bếp dầu đặt ở mỗi cửa phòng. Mỗi khoang có 2 dãy giường 3 tầng cao chót vót, mỗi người được "một khoảng trời riêng" khiêm tốn.

Theo địa chỉ rao vặt trên một tờ báo "M. cần một nữ ở ghép", chúng tôi tìm đến một căn nhà gần khu công viên nước Đầm Sen. Thoạt nhìn bên ngoài có vẻ khang trang, Hà và tôi khấp khởi mừng thầm. Mở cửa cho tôi là chị D., người đăng tin rao vặt. Sau vài giây quan sát "đối tượng", chị dẫn chúng tôi xem nhà. Lúc này là 7 giờ tối, một đám thợ làm khuôn dép ở tầng trệt. Một cầu thang gỗ dẫn lên tầng 2, ngay tại chiếu nghỉ cũng được quây lại một nửa để làm nơi cư ngụ của một cặp vợ chồng. Căn phòng trên tầng 2 được chia làm rất nhiều ô nhỏ, chừng 4m2/ô, quây lại bằng những tấm ván ép mỏng te. Sàn gỗ run lên theo bước chân. Chị chỉ vào một chiếc hộp và bảo: "Phòng này có 4 người, nhưng 3 người làm ca đêm. Ở đây mọi người đều rất trật tự, ngăn nắp. Giá là 200.000 đồng/người, bao điện nước". "Ở đây có tất cả bao nhiêu người?". Chị nhẩm tính: "Khoảng ba, bốn chục gì đó". "Đông thế kia à?". Cả hai đứa chúng tôi đồng thanh buột miệng. Thỉnh thoảng có tiếng trẻ con từ một chiếc "hộp" nào đó khóc ré lên. Những tiếng rì rầm, rì rầm không ngớt. Mùi thức ăn, mùi bếp dầu càng làm không khí thêm ngột ngạt. Mấy chục con người dùng chung 2 nhà vệ sinh...

Theo lời người quen, Hà đành phải dạt về Q.Gò Vấp. Hà tìm được một phòng trọ 400 ngàn đồng, diện tích 1,6m x 3m, được Hà miêu tả là "dài như một cái quan tài", ở phường 11. Hằng ngày cô "bơi" bằng xe đạp khoảng 15 km đến chỗ làm.

Tất cả bếp, toilet, chỗ tiếp khách... gói gọn trong một căn phòng bé tí như thế này

Cuộc đời muôn mặt...

Hằng tháng, có một lượng lao động đáng kể từ khắp các miền đất nước đổ về thành phố kiếm việc. Vì thế, vấn đề ăn ở của những người di cư này rất bức thiết. Hầu như ai đi kiếm việc ở Sài Gòn cũng phải đối mặt với những khó khăn về chỗ ở. Đa số người thu nhập thấp phải ở trong những dãy nhà trọ dài lê thê, mái lợp tôn nóng hầm hập, ồn ào, luôn nơm nớp lo mất cắp. Nhà vệ sinh nhếch nhác, mốc meo. Tôi có một người bạn làm nghề tự do, đã 6 năm nay 3 chị em cô phải sống ở chiếc giường tầng kê ở chiếu nghỉ cầu thang với giá 450.000 đồng/tháng...

Ngọc, bạn tôi, một nhân viên designer quê ở Bắc Giang, nhận xét: "Ở trọ là một trong những nỗi ám ảnh của những người lên thành phố tìm việc làm. Làm sao để kiếm được một chỗ ở phù hợp với đồng lương của mình, chỗ ở an ninh, không quá xa nơi làm việc và phải lâu dài, là rất khó". 5 năm sống ở Sài Gòn, Ngọc không dưới 10 lần chuyển chỗ ở. Khi thì chủ đòi nhà lại để bán, khi thì chủ nhà đòi tăng tiền nhà lên quá cao, có chỗ vừa dọn đến đã gặp ngay bọn "xin đểu" quấy nhiễu. Ban đầu Ngọc ở trọ với giá 100 ngàn đồng/tháng, sống ở khu Dương Quảng Hàm, Q.Gò Vấp. 11 người nhét trong căn phòng khoảng 35m2, chưa kể một gác xép bé xíu có hai cặp vợ chồng sinh sống. Có lúc dân số tăng gấp rưỡi, phải xếp xe chất đống lên nhau để lấy chỗ ngủ. Ngọc tâm sự: "Những khu trọ bình dân sểnh ra thứ gì là mất thứ đó. Có khi trộm bẻ khóa vào khoắng đồ giữa ban ngày". Có nơi một phòng 14m2 có tới hơn chục thanh niên nam nữ sống chung, trải đệm ra sàn nằm như cá khô xếp lớp. Cuộc sống tập thể rất nhiều kỷ niệm khó quên. Một bận, đám con trai nghịch ngợm khoét lỗ cửa nhà vệ sinh dòm chị em tắm trộm, bị phát giác, Ngọc vừa về đến nhà cũng bị các cô quây lại đánh túi bụi... Nay thu nhập 4 triệu đồng/tháng, Ngọc bỏ ra 1/4 để thuê một phòng nhỏ khoảng 10m2, ở quận 3, sống cùng chủ, khá an toàn và tiện nghi.

Một “hẻm cho thuê” với nhiều căn phòng trọ

Không phải ai cũng có thể bỏ ra 1 triệu đồng cho việc ở, nhất là các lao động phổ thông và những sinh viên mới ra trường. Mức lương trung bình của họ khoảng 1 triệu - 2 triệu đồng, nếu bỏ ra 200 - 400 ngàn đồng thuê nhà trọ cũng đã mất đứt 1/3 thu nhập!
N.A.T, một kỹ sư người Kiên Giang làm việc tại quận Tân Bình kể về kỷ niệm ở trọ thời hàn vi của mình ở khu K300 Tân Bình: căn nhà trọ của vợ chồng anh dùng chung nhà tắm với nhà trọ của mấy cô công nhân phòng bên. Chủ nhà đã có ý tưởng thiết kế một nhà tắm có hai cửa - một cửa thông sang phòng nữ, một cửa thông sang phòng anh. Ai dùng nhà vệ sinh thì phải cài then 2 cửa lại. Chuyện dở khóc dở cười cũng sinh ra từ công trình phụ này. Nếu một bên vắng nhà mà quên không mở cửa nhà tắm cho bên kia thì bên đó chỉ có nước... khóc. Cũng có khi quên gài then "bên địch", - T. đang trong bộ dạng Adam thì một cô đẩy cửa vào... Không ít lần vì mấy cô gái tắm táp quá lâu mà bên này vợ anh suýt... vãi ra quần. Đôi bữa đi làm về anh thấy nhà mình như vừa qua một trận lụt: chăn đệm, nồi niêu ướt sũng, sàn nhà lênh láng nước. Nguyên do là các cô gái bên kia tắm giặt nhiều, nước tràn theo đường cửa sang nhà anh... Từ những cực khổ trong ở trọ như vậy mà T. đã quyết tâm dành dụm, được đồng nào anh đầu tư cả vào đất ở vùng ven. Đến giờ anh là chủ của 3 dãy nhà trọ ven các khu công nghiệp Biên Hòa, Củ Chi.
Nhiều bạn trẻ kết luận chắc nịch: ở trọ thực chất là sự tồn tại tạm thời song để mua lấy sự tạm bợ ấy cũng mất 1/4 thu nhập. Chưa có một tổ chức nào có thể hỗ trợ được về chỗ ở cho người làm thuê, cũng chưa có một dự án nào dài hơi về nhà cho thuê. Một chỗ ở tiện nghi vẫn là "giấc mơ xa" hao tài tốn của đối với những người trẻ tuổi lập nghiệp ở các thành phố lớn.

Mai Chí

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.