Những gam màu sáng, tối

31/12/2008 01:02 GMT+7

Tờ lịch hôm nay rơi xuống sẽ chính thức khép lại năm 2008 với nhiều bộn bề khó khăn mà cả nước vừa trải qua. Nhìn lại năm cũ để bước vào năm 2009 với nỗ lực cao hơn.

Những mảng sáng

Tăng trưởng kinh tế đạt 6,23%, thấp hơn các năm trước và không đạt mục tiêu đề ra. Có chuyên gia coi đây là mặt tối, thậm chí coi là cái mất lớn nhất trong năm 2008 - mất đà tăng trưởng. Nhưng vẫn có thể coi là gam màu sáng, khi xét theo bốn nghĩa.

(1) Không bị rơi vào vòng xoáy của cuộc khủng hoảng, kinh tế không bị suy thoái, mà vẫn tăng trưởng, thậm chí với tốc độ cao so với nhiều nước trong khu vực, ở châu Á và trên thế giới.

(2) Đạt được trong điều kiện có những khó khăn, thách thức hiếm thấy.

(3) GDP bình quân đầu người tính bằng USD theo tỷ giá hối đoái đạt trên 1.000 USD, ra khỏi nhóm nước có thu nhập thấp sớm hai năm so với mục tiêu.

(4) Bản thân việc chuyển đổi mục tiêu từ ưu tiên tăng trưởng cao sang ưu tiên kiềm chế lạm phát, và từ ưu tiên kiềm chế lạm phát sang ưu tiên ngăn chặn nguy cơ suy thoái kinh tế là một bài học kinh nghiệm quý cho việc dự báo tình hình, xác định mục tiêu và các giải pháp phù hợp.

Nhóm ngành nông, lâm nghiệp - thủy sản là nhóm ngành duy nhất có tốc độ tăng cao hơn tốc độ của năm trước; góp phần quan trọng vào việc hạ nhiệt vấn đề nóng nhất (lạm phát) từ tháng 7; đóng góp gần một nửa số thành viên trong “câu lạc bộ” đạt kim ngạch từ 1 tỉ USD trở lên, lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu gạo đạt gần 3 tỉ USD... góp phần quan trọng vào việc ổn định kinh tế - xã hội.

Đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt kỷ lục về số vốn đăng ký (đăng ký mới và bổ sung đạt trên 64 tỉ USD, cao gấp 3 lần năm trước), cả về vốn thực hiện (đạt 11,5 tỉ USD, tăng 43,2%), thể hiện niềm tin vào triển vọng trong dài hạn của Việt Nam với ý nghĩa “trông giỏ bỏ thóc”. Một số địa bàn nghèo mới xuất hiện trong “câu lạc bộ có vốn ĐTNN đạt từ 1 tỉ USD trở lên” và nhanh chóng đứng thứ hạng cao như Ninh Thuận, Hà Tĩnh, Thanh Hóa...

Lạm phát từ cuối năm trước và tăng cao vào đầu năm nay, đến mức có tổ chức và chuyên gia quốc tế cảnh báo cả năm có thể vượt qua mốc 30%, nhưng đã được kiềm chế từ tháng 7, giảm liền trong 3 tháng cuối năm và cả năm là 19,89%. Đạt được kết quả này là nhờ chuyển đổi mục tiêu với 8 nhóm giải pháp, trong đó nổi bật là thắt chặt tiền tệ, cộng hưởng với việc giảm giá nhanh của dầu, lương thực, thực phẩm trên thế giới.

Xuất khẩu đạt được sự vượt trội cả về quy mô (62,9 tỉ USD), cả về tỷ lệ so với GDP (khoảng 70,9%), cả về mức bình quân đầu người (730 USD), cả về tốc độ tăng (29,5%), cả về hệ số giữa tốc độ tăng xuất khẩu so với tốc độ tăng GDP (trên 4,7 lần so với năm trước là 2,6 lần), cả về số thành viên trong “câu lạc bộ” đạt kim ngạch 1 tỉ USD trở lên (11, tăng 1 so với năm trước)... Nhập siêu theo dự báo của tổ chức và chuyên gia quốc tế cả năm có thể vượt 30 tỉ USD, nhưng từ tháng 6 đã được kiềm chế ở mức dưới 1 tỉ USD và cả năm ở mức 17 tỉ USD.

Cán cân thanh toán tổng thể được bù đắp bằng việc tăng lên của vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện, của lượng kiều hối (ước 8 tỉ USD, tăng 2,5 tỉ USD so với năm trước). Nhờ đó dự trữ ngoại tệ tiếp tục tăng lên chút ít so với cuối năm trước, bảo đảm được tính thanh khoản của quốc gia.

Thu ngân sách vừa tăng khá so với năm trước, vừa vượt dự toán, nhờ vậy vẫn bảo đảm được chi ngân sách theo dự toán và những khoản mới phát sinh, đồng thời tỷ lệ bội chi so với GDP thấp hơn năm trước.

Những mảng tối

Chất lượng tăng trưởng kinh tế vẫn còn thấp. Hiệu quả đầu tư vốn đã thấp, năm nay còn bị giảm. Hệ số giữa tỷ lệ vốn đầu tư so với GDP và tốc độ tăng trưởng GDP năm nay đã lên đến gần 6,3 lần, cao hơn hệ số tương ứng 5,4 lần của năm trước, đồng nghĩa với việc tốn kém vốn đầu tư hơn, hay hiệu quả đầu tư thấp hơn.

Khoảng cách giữa tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp và tăng trưởng GDP do công nghiệp tạo ra cao hơn các năm trước do các ngành có tỷ lệ chi phí trung gian thấp tăng thấp, thậm chí còn bị giảm, trong khi những ngành có tỷ lệ chi phí trung gian cao lại tăng cao hơn, do tính gia công còn lớn; do chi phí tăng... Số lao động đang làm việc tăng với tốc độ tương đương năm trước, nhưng do tốc độ tăng GDP năm nay thấp hơn, nên tốc độ tăng năng suất lao động cũng bị thấp hơn, số người bị thất nghiệp và thiếu việc tăng.

Lạm phát tuy thấp hơn vào những tháng cuối năm, nhưng do những tháng đầu năm tăng cao, nên tính chung cả năm vẫn còn cao gần gấp rưỡi tốc độ tăng của năm 2007 (trong khi năm 2007 cũng đã cao gấp đôi năm 2006). Do phải kiềm chế lạm phát, thắt chặt tiền tệ, nên nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa rất khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn ngân hàng, chi phí vốn vay tăng cao, khiến một tỷ lệ không nhỏ doanh nghiệp đứng trước nguy cơ tạm thời dừng sản xuất, thậm chí bị phá sản.

 
Giá xăng có thời điểm lên đến 19.000 đồng/lít, gây khó khăn cho đời sống người dân -Ảnh: D.Đ.M

Nhập siêu tuy đã giảm trong mấy tháng gần đây, nhưng tính chung cả năm vẫn cao hơn so với năm trước (14,12 triệu USD). Cơ cấu hàng xuất khẩu không có nhiều thay đổi, những mặt hàng chủ lực vẫn là khoáng sản ở dạng thô, hàng nông sản sơ chế hoặc hàng gia công lắp ráp có giá trị gia tăng thấp. Tốc độ tăng xuất khẩu khá cao, nhưng nếu loại trừ yếu tố tăng giá, thì chỉ còn tăng trên 10%. Xuất khẩu trong những tháng qua đã có xu hướng tháng sau giảm so với tháng trước do gặp khó khăn về thị trường, về giá cả, về thanh toán.

Xu hướng này có thể còn tiếp tục do tăng trưởng kinh tế thế giới gặp khó khăn, làm giảm nhu cầu nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam. Nhập siêu tiếp tục với 2 đặc điểm đáng lưu ý là nhập siêu chủ yếu là của khu vực kinh tế trong nước và nhập siêu là của khu vực châu Á, Đông Nam Á.

Thu ngân sách tăng khá, nhưng chủ yếu là 5 tháng đầu năm (tăng 44%), còn từ tháng 6 tới nay, khi giá dầu thô, giá nhà đất giảm, thì tốc độ tăng thu cũng chậm lại (16%).

Nhìn tổng quát, trong điều kiện trong nước và quốc tế có những diễn biến mới thì những gam màu sáng nhiều hơn những gam màu tối; nhưng với những diễn biến phức tạp, khó lường, thì kinh tế Việt Nam vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức trong năm 2009.

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế cao cấp: Bài học lớn nhất là tính dự báo

 
Cái được lớn nhất trong năm 2008 là chúng ta đã kiểm soát được lạm phát. Đã kiềm chế được mức độ nhập siêu phát hiện ra trong những tháng đầu năm và cân bằng cán cân thương mại. Nói một cách khác là Chính phủ đã ứng phó khá linh hoạt trước những vấn đề căng thẳng của nền kinh tế và đưa kinh tế Việt Nam "hạ cánh mềm" sau những diễn biến gay gắt như nói trên.

Bài học lớn nhất mà chúng ta phải rút kinh nghiệm trong năm 2008 theo tôi là tính dự báo. Chúng ta đã nắm tình hình chậm. Còn nhớ thời điểm đầu năm, khi lạm phát lên cao thì Ngân hàng Nhà nước vẫn khăng khăng dự báo tốc độ tăng trưởng tín dụng chỉ 30%, nhưng đến cuối năm, con số này là 54%, mức chênh lệch quá cao.

Tương tự, tỷ lệ tín dụng vào bất động sản theo Ngân hàng Nhà nước là 9% nhưng thực tế con số này cao hơn nhiều... Bài học kinh nghiệm tiếp theo là gói ngăn chặn suy giảm nền kinh tế còn chậm. Thời gian là hiệu quả, chậm là thiệt hại. Vì vậy, phải nhanh chóng khắc phục ngay những vấn đề này làm bài học kinh nghiệm cho năm 2009. Tôi khẳng định, năm 2009 nhất thiết phải cải cách (thủ tục hành chính, pháp luật, cải cách các tập đoàn, ngân hàng...) để phù hợp với xu hướng phát triển trên thế giới và đưa Việt Nam phát triển bền vững.

Ông Trần Đình Thiên, quyền Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam: Cái được nhất là việc chuyển hướng mục tiêu

 
Cái được nhất trong năm 2008 theo tôi chính là việc chuyển hướng mục tiêu của Chính phủ. Mục tiêu đầu năm 2008 là ưu tiên cho tăng trưởng. Vì ưu tiên tăng trưởng nên có tình trạng đầu tư nóng và dẫn đến lạm phát. Nhưng đến tháng 3 - 4 khi lạm phát bắt đầu bùng lên, Chính phủ đã có cuộc họp và chuyển hướng ưu tiên sang kiềm chế lạm phát với giải pháp rõ ràng và đạt kết quả là nền kinh tế của chúng ta đi vào ổn định.
Cái chưa được trong năm 2008 là việc phối hợp giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa. Chúng ta đã để cho chính sách tiền tệ giải quyết vấn đề lạm phát khiến cho gánh nặng lãi suất đè lên doanh nghiệp, làm yếu các doanh nghiệp. Đáng lẽ ra chính sách tài khóa phải chia sẻ điều này, phải cắt giảm chi tiêu công, Nhà nước gánh một phần, doanh nghiệp gánh một phần thì doanh nghiệp sẽ đỡ hơn, sẽ không bị khó khăn như trong thời gian vừa qua.

Nguyên Hằng (ghi)

Ngọc Minh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.