Xi măng, cung vượt xa cầu

26/10/2009 22:48 GMT+7

Sau thép, ngành xi măng đang đứng trước khó khăn lớn do cung sẽ vượt xa cầu trong thời gian tới.

Khuyến mãi ồ ạt

Công ty xi măng Hà Tiên 1 khuyến mãi tặng thêm 2 bao xi măng cho khách hàng mua 100 bao từ đầu tháng 9 đến nay. Bên cạnh đó, nhiều khu vực, đại lý còn tổ chức khuyến mãi thêm, tổng cộng tặng đến 5 bao. Nhiều công ty khác như Holcim, Lavilla, Fico... cũng khuyến mãi cho khách hàng mua 100 bao được tặng thêm từ 4-6 bao, thậm chí có nơi còn tặng lên đến 8 bao.

Ông Đào Đức Toàn - Giám đốc Công ty cổ phần TM-DV Đức Toàn (chuyên phân phối xi măng các loại) - cho biết mặc dù khuyến mãi nhiều nhưng sức mua vẫn rất yếu. Nguyên nhân chính là do tại TP.HCM và các tỉnh lân cận mưa lớn kéo dài liên tục trong thời gian qua nên nhiều công trình không thể thi công. Vì vậy nhiều đại lý, nhà phân phối hiện nay phải cạnh tranh quyết liệt để có thể bán được hàng. Hiện giá bán lẻ xi măng Hà Tiên 1, Holcim, Nghi Sơn... đứng ở mức 65.000 - 68.000 đồng/bao, giá của các thương hiệu khác thấp hơn từ 7.000 - 10.000 đồng/bao.

Hơn 2 tháng qua, lượng sản phẩm bán ra khá chậm nên Hà Tiên 1 còn dự kiến sẽ chuyển sang khuyến mãi trực tiếp cho người tiêu dùng trong tháng 11 bao gồm nhiều quà tặng thông qua thẻ cào may mắn.

Những thương hiệu mới xuất hiện tại thị trường phía Nam như xi măng Thăng Long, Hạ Long,... đều rất khó tiêu thụ. Ông Mai Anh Tài - Giám đốc chi nhánh TP.HCM Công ty xi măng Thăng Long - cho biết do chi phí vận chuyển sản phẩm từ nhà máy ở phía Bắc vào đây khá cao nên giá thành công ty không thể giảm xuống cũng như khó thực hiện khuyến mãi như các công ty khác. Vì vậy mức tiêu thụ của Thăng Long tại khu vực TP.HCM khá chậm, chỉ khoảng 20.000 tấn xi măng và 40.000 tấn clinker mỗi tháng.

Thừa vài chục triệu tấn/năm

Công ty xi măng Thăng Long hiện có nhà máy sản xuất chính ở  phía Bắc với công suất 2,3 triệu tấn clinker và 1,5 triệu tấn xi măng mỗi năm. Đồng thời, công ty đang triển khai dự án nhà máy mới ở Khu công nghiệp Hiệp Phước (Nhà Bè, TP.HCM) với công suất dây chuyền 1 là 1,5 triệu tấn xi măng/năm và dự kiến cuối năm 2010 đi vào hoạt động. Sau đó 2 năm, dây chuyền 2 với công suất tương đương sẽ hoạt động tiếp. Đây không phải là dự án xi măng duy nhất mà trong thời gian tới sẽ có khá nhiều nhà máy xi măng đưa vào hoạt động.

Theo ông Nguyễn Ngọc Anh - Tổng giám đốc Tổng công ty xi măng Việt Nam - ngành xi măng sẽ dư thừa trầm trọng từ năm 2012. "Hiện các dự án xi măng đã được cấp phép từ nay đến năm 2015 có tổng công suất lên hơn 115 triệu tấn xi măng. Trong khi dự báo nhu cầu của thị trường chỉ tăng từ 5 - 7%/năm thì đến lúc đó, tổng mức tiêu thụ của thị trường cũng chưa được 70 triệu tấn/năm. Như vậy ngành xi măng sẽ dư thừa vài chục triệu tấn mỗi năm", ông Anh nói.

Ông Anh cũng nhận định từ năm 2010 nhiều dự án xi măng mới đã đi vào hoạt động nhưng vì chỉ mới khai thác 50% công suất nên mức dư thừa chưa trầm trọng. Một cái khó khác là các công ty xi măng không thể đem sản phẩm xuất khẩu được vì hầu như nước nào cũng tự sản xuất được. Hơn nữa, xuất khẩu xi măng sẽ bị lỗ vì chi phí vận chuyển cao sẽ khiến cho giá thành tăng cao nên khó cạnh tranh với sản phẩm nội địa.

Dự báo mức tiêu thụ cả nước trong năm nay chỉ đạt 44 - 45 triệu tấn trong khi tổng công suất của các nhà máy hiện nay đã khoảng 50 triệu tấn.

Bộ Xây dựng vừa có công văn trao đổi với Bộ Công thương về việc cân đối cung cầu và các giải pháp bình ổn thị trường xi măng năm 2010. Theo tính toán của Bộ Xây dựng, nhu cầu tiêu thụ xi măng năm 2010 khoảng 50-51 triệu tấn, trong đó TCT công nghiệp xi măng Việt Nam sản xuất được 18,5 triệu tấn, các đơn vị liên doanh sản xuất được 15,5 triệu tấn, các lò đứng và trạm nghiền của các nhà máy xi măng địa phương khoảng 17,5 triệu tấn. Bộ Xây dựng cho rằng năm 2010 dự kiến thừa khoảng 2 triệu tấn xi măng.

Mai Phương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.