Cần cái bắt tay về đào tạo

30/10/2008 11:03 GMT+7

Có một nghịch lý: hàng năm, số sinh viên (SV) ngành CNTT viễn thông ra trường không nhỏ, nhưng các nhà tuyển dụng vẫn than phiền về tình trạng thiếu nhân lực.

"Học không đi đôi với hành"

Không chỉ DN, ngay cả những người làm việc trong ngành giáo dục VN đều có chung một nhận xét, đó là SV VN nói chung và SV ngành CNTT viễn thông  tuy được trang bị lý thuyết đầy đủ nhưng lại thiếu kỹ năng làm việc. Hầu hết các SV ra trường thiếu các kỹ năng bổ trợ như: Ngoại ngữ, khả năng làm việc độc lập hoặc theo nhóm, giao tiếp, phân tích vấn đề... trong khi những kỹ năng này được các nhà tuyển dụng đánh giá rất cao.

Đối với ngành kỹ thuật đặc thù như công nghệ viễn thông, việc được kết hợp thực hành với học kiến thức là hết sức quan trọng. Thế nhưng, theo một cuộc điều tra trong các trường ĐH thì thời gian đào tạo, SV rất ít được thực hành những lý thuyết đang được học.

Chính sự thiếu kinh nghiệm làm việc với các thiết bị máy móc chuyên ngành đã dẫn đến tình trạng những cái được học thì không dùng đến, những cái cần dùng thì lại không được học. Nếu cứ tiếp tục việc "học không đi đôi với hành", khả năng nhân lực CNVT VN bị tụt hậu là nhỡn tiền.

Bắt tay đào tạo

Ý tưởng về cái bắt tay đào tạo giữa các trường và DN đã được định hình từ lâu, đơn vị tích cực  chính là France Telecom - tập đoàn viễn thông hàng đầu của Pháp và Châu u.

Năm 2007, Orange France Telecom đã ký kết với Trường ĐHQG Hà Nội và TPHCM để triển khai chương trình hợp tác nghiên cứu Orange và chương trình học bổng tài năng viễn thông Orange. Chương trình Hợp tác nghiên cứu Orange, 6 nghiên cứu sinh hệ thạc sĩ có kết quả học tập xuất sắc đã được France Telecom và Trung tâm các trường ĐH Pháp (PUF) tuyển chọn để thực tập 6 tháng tại Orange labs (các trung tâm nghiên cứu của Orange).

Với những chủ đề phong phú trong  thực tập như công nghệ di động cao cấp, kỹ sư viễn thông và CNTT, đây là một cơ hội tốt cho các SV VN tiếp cận với công nghệ hiện đại.

Sử Tâm Nguyên, 25 tuổi, tốt nghiệp ĐH Bách khoa TPHCM,  đang thực tập 5 tháng ở phòng nghiên cứu Orange tại Lannion, nhận xét "Orange Labs tại Lannion có lẽ là một trong những trung tâm R&D (nghiên cứu và phát triển) lớn nhất của France Telecom toàn cầu. Các trang thiết bị, cơ sở hạ tầng rất hiện đại. Các nhà khoa học được trang bị nhiều thiết bị tối tân và điều kiện làm việc lý tưởng". 

Với Hải Hà, tốt nghiệp ĐH Công nghệ thuộc ĐH Quốc gia HN, chuyên ngành điện tử viễn thông (hiện đang theo học Thạc sĩ tại PUF HN) thì quãng thời gian thực tập tại Orange đã mang đến những trải nghiệm giá trị trong công việc và cuộc sống. Với khóa thực tập tại phòng nghiên cứu Orange tại Rennes, Pháp, cô cho rằng: "Những kỳ thực tập đã giúp tôi nâng cao khả năng làm việc độc lập và thái độ làm việc chuyên nghiệp."

Ngoài việc tiếp nhận SV đến thực tập tại Orange Labs, France Telecom cung cấp nhiều cơ hội cho các SVVN tiếp cận kiến thức thực tế, môi trường làm việc hiện đại và chuyên nghiệp.

France Telecom và ĐH Bách Khoa Hà Nội triển khai từ năm học 2008- 2009 việc liên kết kỹ sư viễn thông Orange, nhằm phát triển chuyên môn và xây dựng năng lực cho SV đang theo học chương trình đào tạo kỹ sư chất lượng cao (PFIEV) và các SV của Khoa CNTT thông qua một kỳ thực tập 3 - 6 tháng tại một số cơ sở của Orange được chọn lựa.

France Telecom cũng cấp học bổng tài năng Orange Telecom nhằm hỗ trợ tài chính cho những SV giỏi có hoàn cảnh khó khăn đang tham gia chương trình đào tạo thạc sỹ  2 năm tại Khoa CNTT và cùng với ĐH BKHN tổ chức những hội thảo nghiên cứu Orange nơi các nhà nghiên cứu khoa học VN có cơ hội chia sẻ và học hỏi với những chuyên gia hàng đầu của France Telecom về các công nghệ và ứng dụng mới nhất trong lĩnh vực viễn thông và CNTT.

Theo Vĩnh Lộc / Lao Động
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.