Bí kíp sống thọ của động vật

18/04/2014 03:15 GMT+7

Sau thời gian nghiên cứu, giới chuyên gia phát hiện động vật có nhiều cách để kéo dài sự sống trong môi trường khốc liệt của tự nhiên.

Loài hồng hạc thuộc dạng sống lâu trong thế giới chim chóc - Ảnh: unh.edu
Loài hồng hạc thuộc dạng sống lâu trong thế giới chim chóc - Ảnh: unh.edu 

Báo cáo trên chuyên san Proceedings of the Royal Society B - thực hiện ở chim chóc và động vật hữu nhũ - cho thấy động vật kích thước lớn thường sống lâu hơn vì 2 lý do. Nhà động vật học Kevin Healy thuộc Đại học Trinity ở Dublin (Ireland) diễn giải rằng trước hết thân thể to lớn cần có thời gian và nguồn lực để tăng trưởng. Và khi đạt kích thước trưởng thành, chúng thường tránh được những mối đe dọa từ bên ngoài, chẳng hạn bị dã thú ăn thịt (trừ phi gặp kẻ mạnh hơn) hoặc thiếu nguồn thực phẩm (do cơ thể to có thể dự trữ mỡ tốt). Trong khi đó, những động vật cần nhiều thời gian để đạt đến độ trưởng thành sinh lý có khuynh hướng sống lâu. Chẳng hạn, cá voi đầu cong trưởng thành một cách chậm rãi và có thể sống đến 221 tuổi. Cá voi đầu bò lùn kích thước nhỏ hơn và trưởng thành nhanh có tuổi thọ ngắn hơn loài đầu cong.

Những loài sống trong hang dưới lòng đất cũng có khuynh hướng sống lâu hơn những loài khác. Chuyên gia Healy giải thích rằng hang hốc là biện pháp cực kỳ hiệu quả để tránh kẻ thù, đồng thời là nơi phòng tránh tốt trong thời tiết xấu, như tránh đông, tránh lạnh, và có thể trữ thực phẩm an toàn để tránh thiếu lương thực trong ngắn hạn. Cũng tương tự, hoạt động lưu trú và kiếm ăn trên cây giúp các loài tránh được sự tấn công của thú dữ. Thực phẩm như trái cây lại rất dễ kiếm, trong khi những loài kiếm ăn trên mặt đất cần tốn nhiều công sức hơn để săn tìm. Dù không thể bắt chước động vật sống trên cây, con người có thể phần nào học theo cách hòa hợp với thiên nhiên của những loài khác. Dù di truyền, môi trường sống, khí hậu và những yếu tố khác nằm ngoài tầm kiểm soát của các cá nhân, nhưng theo chuyên gia Healy, mỗi loài đều có mức kiểm soát nhất định đối với tuổi thọ của mình. Chẳng hạn, dành ít thời gian với cây cối có thể giúp giải tỏa áp lực, từ đó giảm nguy cơ mắc bệnh tật.

Kết quả nghiên cứu cho thấy loài chuyên kiếm ăn ban ngày hoặc ban đêm dường như tăng cơ hội kéo dài cuộc sống, ví dụ như loài dơi yêu thích cuộc sống về đêm, và có thể sống đến 40 tuổi, trong khi hầu hết loài thú có vú kích thước nhỏ khác thường chết sớm. Còn những động vật hoạt động vào lúc hừng đông và hoàng hôn thường có tuổi thọ ngắn hơn. Điều này có thể là do quãng thời gian kiếm ăn ngắn ngủi, ảnh hưởng đến chất lượng bữa ăn của chúng. Ngoài ra, khả năng bay hoặc lượn của loài có cánh là yếu tố quan trọng số 1 đối với khả năng trường thọ của chim chóc. Bay lượn trên bầu trời mở rộng cơ hội tìm kiếm thức ăn, tránh thoát kẻ săn mồi và giúp chúng có nhiều sự lựa chọn hơn về mặt định cư. Đại diện sống lâu trong nhóm này là thiên nga, hồng hạc và các loài chim biển lớn. Một con hồng hạc ở vườn thú Adelaide ở Úc có thể sống ít nhất 83 tuổi.

Về phần con người, chúng ta cũng có kích thước tương đối lớn và có thể bay nhờ các cỗ máy. Người sống thọ nhất thế giới phải trên dưới 120 tuổi. Tuy nhiên, nếu so với toàn bộ thế giới động vật, nhân loại vẫn còn thua xa các loài không xương sống, chẳng hạn như một số loài bọt biển và sò thừa sức vượt ngưỡng 250 năm.

Phi Yến

>> Vì sao phụ nữ có thể sống thọ hơn nam giới?
>> Bí quyết sống thọ
>> Sống thọ hơn nhờ bi quan?
>> Bộc lộ cảm xúc giúp sống thọ hơn
>> Ăn rau củ đúng cách để sống thọ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.