NSƯT - đạo diễn Lê Hùng: Quá lửa còn hơn là thiếu lửa!

31/12/2005 15:06 GMT+7

Tóc tai dựng ngược, quát tháo đến lạc giọng, Lê Hùng giống như đang lên đồng chứ không phải đang chỉ đạo diễn xuất. Thi thoảng, thấy anh thì thào từng lời thoại như một... người điên. Rồi chốc chốc lại bật ra một mảng, miếng nào đó hoàn toàn ngẫu hứng hay lao phắt lên sân khấu “thị phạm”. Suốt gần 3 tiếng đồng hồ, dàn diễn viên Nhà hát Tuổi trẻ bị “quay” như chong chóng mà xem chừng, ông đạo diễn vẫn chưa mấy hài lòng. Xong việc Lê Hùng lại ung dung ngồi nhâm nhi chén chè nóng và thao thao về Hàn Mặc Tử (Vở diễn sắp ra mắt của Nhà hát Tuổi trẻ) như không hề biết đến sự mệt mỏi.

* Người ta bảo gần đây Lê Hùng hơi lạm dụng ma, quỷ...

- Hàn Mặc Tử sẽ không có cả thiên thần lẫn quỷ sứ, mặc dù trong kịch bản thì có. Thay vào đó, tôi dùng con bệnh và linh hồn.

* Anh tính giải mã nhà thơ - con bệnh Hàn Mạc Tử theo hướng nào?

- Điều kỳ diệu ở Hàn Mặc Tử là sự thoát ly của linh hồn khỏi thân xác ngay trong những cơn điên loạn và đau đớn tột cùng. Có lẽ, chính cái thống khổ "thiên mệnh" ấy đã đẩy người nghệ sĩ thăng hoa cũng như biết nâng niu từng ngày sống một, không như những con người khỏe mạnh chúng ta, lắm khi phung phí cuộc sống! Tôi đã đọc rất nhiều, nghiên cứu rất kỹ về Hàn Mặc Tử, để cứ mỗi một mảng kịch là tung ra một bài thơ thật "đắt" của ông và phải làm đến 4 cái "mở" khác nhau mới chọn được một cái ưng ý nhất.

Hình như, cả trên sân khấu lẫn ngoài đời, cái  khó nhất với Lê Hùng là sự tiết chế. Vậy nên, các sản phẩm của anh, bi kịch đã dữ dội mà hài kịch thì cười phát nghẹn. Hỏi Lê Hùng "Sao ác với khán giả thế?". Anh bỗng trầm tư: "Nhìn thấy một người bị đâm xe máy, có khi ai nấy cười ha hả. Nhưng nếu người ấy chết, có ai cười nổi nữa không? Tự dưng, họ day dứt: giá như, mình chạy đến đỡ người ta lấy một cái thôi. Vậy đấy, cười rất dễ nhưng học khóc rất khó. Với tôi, quan trọng không phải là khóc hay cười mà là cái đằng sau nụ cười và nước mắt".

* Anh đang tham vọng tạo nên một "Ê-dốp" của Việt Nam?

- Tôi hy vọng sẽ dựng một vở như vở cổ điển của châu u. Ê-dốp trên sân khấu Nhà hát Tuổi Trẻ từng được gọi là "Thánh đường đích thực", là "Khúc hoan ca của sân khấu". Nhưng Hàn Mặc Tử  phải nhắm đến một mục tiêu thứ hai: khán giả. Bởi sân khấu hình thành từ 3 nhóm yếu tố: tác giả - đạo diễn, diễn viên và khán giả. Thiếu đi một thì không còn là sân khấu nữa.

* Vậy nên Hàn Mặc Tử mới cùng lúc mang dáng dấp của một vở kịch thơ lẫn kịch hình thể, hai thể loại đang dễ gợi tò mò. Hình như anh cực kỳ chú trọng đến yếu tố mới lạ?

- Mỗi vở tôi có một cách xử lý riêng. Chủ yếu vì không muốn lặp lại. Lặp lại là chết! Trong lúc dựng tôi luôn hỏi, chi tiết này đã có ở đâu chưa? Chỉ cần ai đó nói "hình như..." là tôi lập tức bỏ.

* Tại Hội diễn sân khấu kịch nói toàn quốc 2004, anh đã tỏ ra rất bức xúc khi giải đạo diễn được trao cho  Thông điệp từ Điện Biên chứ không phải Ngoại phạm (cũng do anh đạo diễn), một vở được xem là có nhiều thử nghiệm táo bạo. Nhưng khi chuyện tương tự xảy ra ở một vài hội diễn sau đó thì thấy anh khá bình tĩnh. Lê Hùng rốt cuộc cũng đã chịu thỏa hiệp với "công thức an toàn"?

-  Hôm nhận giải đạo diễn cho Thông điệp từ Điện Biên, tôi đã tính trả lại. Bởi giải đạo diễn phải thuộc về Ngoại phạm mới chính xác, vì đấy mới là sự tìm tòi. Ngoại phạm "rớt", có người nói, ai bảo anh cứ thích "nhâm nhi" cái xấu, cái ác làm gì? Nhưng ca ngợi và lên án, giá trị của nó phải được coi trọng như nhau chứ. Có thế nước mình mới tiến lên được. Sân khấu mình cũng vậy, cũng phải chấp nhận những vở vạch trần thói hư tật xấu thì mới khởi sắc được. Trong hội diễn ấy, một quan chức của Hội đã nói với tôi: "Ngoại phạm là đỉnh cao, không phải trong một năm nay mà nhiều năm về sau. Nhưng tới lúc trao giải người ta lại trao cho vở khác thì tôi biết làm sao?".

* Trước đây, có lần anh tuyên bố: Lê Hùng dù chạy sô cũng không chấp nhận "cào bằng". Nhưng gần đây, thấy anh không được "đều tay" như trước, thậm chí có những vở dưới sức. Một dấu hiệu của sự quá tải?

- Không phải. Đó là do kịch bản. Chứ tôi mới chỉ làm hết 60% sức lực. Còn 40% để dự phòng. Khi dàn dựng tôi không dựa hết vào kịch bản, toàn tự "phóng" ra thôi, nhưng có những trường hợp chịu không "xoay" được.

* Khi đã có một thương hiệu thì mình cũng có quyền từ chối chứ?

- Nhiều khi thương bạn lắm. Có một ông già tôi giấu tên. Ông ấy bảo tôi là mãi mới viết được một kịch bản. Đoàn nhận "làm" với điều kiện phải thuyết phục Lê Hùng dựng vở. Nếu tôi từ chối, ông ấy sẽ mất khoảng 30 triệu đồng. Mà 30 triệu với một thân già như thế! Vậy là nhận. Cố gắng xoay xở. Nhưng vấn đề nó chỉ đến thế thôi. Hiện tại tôi cũng đang "nợ" 8 đoàn...

* Trên một bài báo thấy anh than thở: Nếu tôi sang Tây Ban Nha thì tôi đã là triệu phú! Sân khấu Việt Nam chưa đãi ngộ Lê Hùng đúng mức?

- Thực ra đấy là lời nói vui của bạn tôi. Nó bảo: "Mày sang Tây Ban Nha làm với bố tao 3 năm, mày mua được máy bay". Nhưng tôi không đi được vì không biết tiếng Tây Ban Nha. Nếu sang đó sẽ phải "làm" bằng tiếng Nga, rồi từ tiếng Nga mới phiên dịch sang tiếng Tây Ban Nha, nên khó mà hiểu được tường tận công việc. Nếu đã có chút gì lấn cấn thì tốt nhất là không đi. Chứ làm không tốt bị đuổi về có phải là... dơ không! Còn triệu phú à, diễn viên nước ngoài, cát-sê 1 triệu đô la một vai diễn là bình thường thôi.

* Có ai nói với anh rằng, Lê Hùng là đạo diễn máu nóng, khó tính, dữ tợn, lắm lời và ngoa ngoắt với diễn viên nhất chưa?

 

- Kể cả với NSND, NSƯT, mắng chửi là chuyện... bình thường. Thế nhưng diễn viên vẫn chấp nhận. Vì họ diễn không bằng tôi. Có nhiều người mời tôi diễn đấy chứ. Cát-sê rất cao. 8 triệu đồng cho 10 phút xuất hiện. Tiền thì ai chả thích nhưng không tham được. Làm thế thì còn gì là uy với diễn viên nữa.

* Làm việc với anh, chắc diễn viên đừng mong có ý kiến này kia!

-  Khi tập, tôi cấm. Không ai được nói điều mình muốn. Vì lúc ấy tôi đang sáng tạo. Tự dưng một ý kiến chêm vào, mất hứng ngay, đứt luôn cái tuyến của mình. Còn sau đó, tôi có thể hỏi từ cái anh phụ trách âm thanh, ánh sáng rằng: chỗ này, chỗ kia, bọn em thấy hay không, được không?

* Sao lúc nào anh cũng giống như một người... quá lửa vậy?

- Còn hơn là thiếu lửa! Thà rằng quá lửa rồi bớt đi là vừa.  Đạo diễn hay diễn viên cũng vậy, chỉ lên đến đỉnh điểm của cảm xúc, mới bật ra những sáng tạo. Sân khấu khác với điện ảnh ở chỗ có hơi ấm truyền đến khán giả. Sân khấu sống được cũng nhờ điều đó.

* Thử hình dung một sân khấu lý tưởng cho Việt Nam?

- Là phải kéo khán giả chạy theo mình. Cho nên ngay những vở  dựng với mục tiêu "ăn khách" tôi cũng không chạy theo khán giả. Tôi chỉ xem khán giả thích gì thì tôi chiều thôi chứ không theo. Chiều và theo là hai cái khác nhau nhé. Nhà hát Tuổi Trẻ mỗi năm làm một vở cổ điển là ý của tôi. Hiện tại, chúng tôi phải đi bằng cả hai "chân". Một "chân" là những vở ăn khách, còn một "chân" là nâng tầm khán giả và diễn viên lên. Đó là cách để vẫn "vị" nghệ thuật mà không bị chết đói. Rồi dần dà, những vở nghệ thuật sẽ chiếm lĩnh. Lúc ấy khán giả sẽ theo chúng ta. Còn bây giờ thì chúng ta đang chạy cùng khán giả!

Hương Lan (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.