Giấc mơ điện ở bản Thay

23/05/2014 11:18 GMT+7

Người dân bản Thay, xã Chí Viễn, H.Trùng Khánh, Cao Bằng từ nhiều đời sống với ánh sáng ngọn đèn dầu và điện là ước mơ của đồng bào.

 Ông Nông Văn Hiếu: Chúng tôi mong có điện lưới quốc gia - Ảnh: Hoài Đan
Ông Nông Văn Hiếu: Chúng tôi mong có điện lưới quốc gia - Ảnh: Hoài Đan

Ông Nông Văn Hiếu, Phó Chủ tịch UBND xã Chí Viễn cho biết: không có điện nên đời sống của bà con trong bản gặp vô vàn khó khăn. Từ phát triển kinh tế đến đời sống tinh thần, mọi thứ đều bị hạn chế rất nhiều. Đại đa số con em trong bản không học quá lớp 5.

Con gái ông Hiếu là trường hợp duy nhất trong bản học tới trình độ cao đẳng. Ông Hiếu tâm sự: “Bản Thay cách trung tâm xã Chí Viễn 9 km, nhưng nằm sâu trong khe núi, địa hình hiểm trở, việc đi lại vô cùng vất vả. Để đến trường, bọn trẻ ở đây phải dậy từ 4 giờ sáng, đốt đuốc đi học. Tối về lại phải học dưới ngọn đèn dầu, khi học xong thì muội đèn bám đen hết mặt”. Ông Hiếu nói rằng để con gái theo học được đến ngày hôm nay, ông phải gửi con cho một người họ hàng nhà ở trung tâm xã từ khi cháu còn học cấp 1.

Một người dân khác là anh Nông Văn Chiến, 30 tuổi, cùng ở bản Thay cho biết vì không chịu được vất vả nên đã nghỉ học từ năm lớp 2, ở nhà làm nương rồi cưới vợ sinh con.

Ở bản Thay có 3 chiếc máy xay xát do người dân trong bản góp tiền mua để phục vụ sinh hoạt và chăn nuôi cũng chạy hoàn toàn bằng dầu. Diện tích đất sản xuất chưa đầy 5 ha, thường xuyên trong tình trạng thiếu nước vì chỉ trông chờ vào trời mưa hoặc sức người. Do quá vất vả, nhiều hộ đã bỏ bản đi biệt xứ.

Để có điện, người bản Thay góp tiền mua máy phát điện bằng sức nước, khoảng hơn 1 triệu đồng, chia cho 2-3 hộ. Nhưng máy chỉ phát điện vào mùa mưa và cũng chỉ đủ để mỗi nhà thắp một bóng đèn. "Nhiều khi đèn đang sáng bỗng tắt phụt vì nước chảy yếu, còn muốn nghe đài thì phải tắt bóng điện đi”, anh Chiến cho biết.

Tháng 8.2009, từ chương trình 135 của Chính phủ, 10 hộ được cấp miễn phí mỗi hộ một bộ năng lượng mặt trời. Ánh điện sáng khắp bản, người dân rất khấn khởi, nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang, chỉ một thời gian, bộ ắc quy trong các hệ thống này lần lượt bị hỏng. Hạn bảo hành đã hết, muốn sửa chữa hoặc thay mới thì phải chi ra 2 triệu đồng, 9/10 hộ nghèo và cận nghèo đành bó tay, các bộ phát điện mặt trời bỏ xó.

Phó chủ tịch Hiếu bày tỏ: “Từ khi bình ắc quy hỏng, dân bản Thay lại về với đèn dầu và tiếp tục mơ ước một ngày kia điện lưới sẽ đến thắp sáng nơi này”.

Hoài Đan

>> Bí quyết điện khí hóa nông thôn thành công
>> Gần 200 triệu USD phát triển điện khí hóa nông thôn
>> 300 triệu USD cho Chương trình 135, điện khí hóa nông thôn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.