Dạy trẻ biết ý thức thực hành tiết kiệm

02/12/2006 23:36 GMT+7

Tại diễn đàn Quốc hội, vấn đề phòng chống tham nhũng đang được nhiều đại biểu và cử tri cả nước quan tâm với sự bức xúc cao. Tuy nhiên, nếu tham nhũng, hối lộ còn phải chờ điều tra, chứng minh, quy trách nhiệm thì bệnh lãng phí tương đối dễ phát hiện, chứng minh. Ở đây xin không bàn đến các giải pháp để chứng minh và các chế tài thưởng phạt. Tôi chỉ xin nhắc lại một chuyện nhỏ có liên quan đến việc tạo dựng thói quen tiết kiệm và chống lãng phí, từng tồn tại cách đây nhiều năm.

Đó là sau ngày thống nhất đất nước, khi ấy tôi ở độ tuổi học cấp II tham gia sinh hoạt Đội thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh ở địa phương và trường học. Bọn trẻ chúng tôi lúc đầu thì bị "bắt buộc" nhưng sau đó đã nhanh chóng hào hứng hưởng ứng phong trào tiết kiệm "Đội em làm kế hoạch nhỏ", về nhà gom nào là giấy báo, lon sữa bò, mảnh đồng, sắt vụn... để nộp cho lớp (nhưng tuyệt đối không xin tiền bố mẹ để "mua" nộp), lúc nào cũng chú ý, tâm niệm cái "kế hoạch nhỏ" trong đầu, cố tiết kiệm từng "cây kim, sợi chỉ" chỉ với mong ước "giang tay xây dựng cơ đồ" - như lời một bài thơ bọn trẻ chúng tôi đã được học. Bây giờ nghĩ lại thấy tuy gọi là "kế hoạch nhỏ" nhưng kết quả thì rất lớn. Ngẫm ra giá trị của nó chính là ở tính giáo dục, nó đã tạo cho bọn trẻ chúng tôi thói quen, ý thức tiết kiệm một cách "hữu hình" chớ không chỉ là khẩu hiệu suông.

Gắn với phong trào này là phong trào "Lao động là vinh quang": trong lớp học, học sinh được giao nhiệm vụ quét lớp, tham gia lao động dọn vệ sinh trường hằng tuần, được tập thói quen không xả rác, bỏ rác đúng nơi quy định... Ý thức chấp hành những quy tắc tiết kiệm và tôn trọng công sức, của cải của xã hội đã bắt đầu như vậy. Nhưng không biết các phong trào ấy "tắt ngấm" tự bao giờ. Bây giờ, các em học sinh ở cấp tiểu học, trung học hình như đã không còn thói quen trực vệ sinh lớp, nhiều chi hội phụ huynh lớp đề xuất giải pháp góp tiền nhờ trường thuê người hằng ngày quét lớp (với lý do bụi bặm, mồ hôi dính áo các em, không thoải mái khi vào tiết học!). Rồi thì có việc gì khó là phụ huynh góp tiền để "giải quyết", các em khỏi bận tâm "tiết kiệm", "lao động" làm gì (!).

Thiết nghĩ, bên cạnh việc điều chỉnh, giám sát những vụ việc có thể gây lãng phí lớn ở cấp độ "quốc gia", cũng cần giáo dục chu đáo hơn cho trẻ thói quen tiết kiệm, không lãng phí, bằng những hoạt động mang tính giáo dục như "Đội em làm kế hoạch nhỏ" (chưa kể nếu xét kỹ, thì đây còn là một cách giáo dục để trẻ ý thức "thân thiện với môi trường"). Đồng thời, hãy tập cho các em thói quen lao động để các em có ý thức quý giá sức lao động của mình và của mọi người; từ đó, ý thức tiết kiệm, không lãng phí cũng sẽ hình thành vững chắc trong các em về sau...

Huỳnh Tài (32A2 khu Sao Mai, Lý Thường Kiệt, P.5, TP Mỹ Tho)

Bài tham gia trang này xin gửi về: Hoàng Hải Vân, Báo Thanh Niên, 248 Cống Quỳnh, Q.1, TP.HCM hoặc e-mail: hoanghaivan@thanhnien.com.vn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.