Học sử ở Côn Đảo

01/05/2014 03:00 GMT+7

Ông Hai Viên là một trong 6 cựu tù chính trị còn trụ lại với Côn Đảo từ sau ngày giải phóng. Ông bị đày ra nơi từng mang tên “địa ngục trần gian” này sau lần quân Mỹ khui hầm Việt cộng năm 1970 tại Quế Sơn, Quảng Nam quê ông. Năm đó Hai Viên 20 tuổi, “ăn khỏe, ngủ khỏe”, như lời ông thổ lộ khi tôi hỏi về thể trạng ông lúc bị bắt.

Ông Hai Viên là một trong 6 cựu tù chính trị còn trụ lại với Côn Đảo từ sau ngày giải phóng. Ông bị đày ra nơi từng mang tên “địa ngục trần gian” này sau lần quân Mỹ khui hầm Việt cộng năm 1970 tại Quế Sơn, Quảng Nam quê ông. Năm đó Hai Viên 20 tuổi, “ăn khỏe, ngủ khỏe”, như lời ông thổ lộ khi tôi hỏi về thể trạng ông lúc bị bắt.

Nghe cha con tôi nói giọng chân quê, ông hỏi: “Hình như tụi bây dân Quảng Ngãi?”. Tôi gật đầu xác nhận. Ông nói luôn: “Chú dân Quảng Nam đây. Quảng mô cũng Quảng hỉ, cũng đồng hương hỉ”.

Miệng vừa “hỉ hỉ”, chân bước thoăn thoắt qua các dãy chuồng cọp, những nơi mà ông từng nếm trải trong suốt 5 năm trời. Hình như những trận đòn từ 45 năm trước vẫn còn “lưu trú” trong ông, để người ông bây giờ mỏng manh như một thân cò. Thật khó hình dung “thân cò” ấy đã từng bay qua những cơn bão đòn roi nơi ngục thất từ gần 40 năm trước để đáp xuống cánh đồng hòa bình rồi trụ lại đến hôm nay. Ông đang dẫn chúng tôi trôi ngược về quá khứ, một quá khứ đầy bi thương nhưng với những cựu tù như Hai Viên, nó như một thứ hành trang của số phận, không thể khác được.

Sở dĩ ông Hai Viên chọn đưa cha con tôi đến chuồng cọp trước vì chiều theo lời đề nghị của con trai tôi. Hóa ra chàng trai này từng bị những trang sách về Côn Đảo ám ảnh.

Sau một hồi thuyết minh về chuồng cọp, ông Hai Viên lại đưa chúng tôi qua các dãy xà lim. Những dấu vết của một thời đấu tranh vẫn còn loang lổ trên các bức vách. Chỉ vào một góc nhà, ông nói: “Những hạt cơm khô từng được dán vào chỗ này”. Hỏi dán cơm khô làm chi, ông nói: “Lúc chú mới ra Côn Đảo, thấy mấy bác tù nhân lớn tuổi, cứ sau mỗi bữa cơm tù luôn luôn thiếu đói, họ vẫn dành vài hạt cơm khô dán lên vách mà không hiểu để làm gì. Mãi đến khi nổ ra các cuộc tuyệt thực, những hạt cơm khô ấy được trưng dụng. Dùi cui còn có thể nghiến răng chịu đựng chứ nhịn đói “tự nguyện” luôn là một thử thách cam go, nhất là những người tù tuổi ăn tuổi ngủ như chú hồi đó. Sau 3 - 4 ngày nhịn ăn đòi yêu sách, “tác giả” của những hạt cơm khô ấy bắt đầu gỡ cơm xuống ngâm vào nước, quấy thành hồ rồi nhỏ vào miệng của những chàng thanh niên như chú. Cuộc sống lại tiếp diễn, cuộc đấu tranh lại trường kỳ”.

Hai Viên ngừng kể, vỗ vào vai chàng thanh niên con tôi: “Cháu thấy thế nào?”. Con tôi im lặng. Chỉ thấy sau cặp kính cận của nó, đôi mắt cháu bắt đầu hoe đỏ.

Đừng vội “chụp” cho lớp trẻ bây giờ, bảo rằng tất cả đều “né” môn sử. Lịch sử như một chiếc chuông, sẵn sàng vang ngân nếu như chúng ta biết gõ đúng vào nơi nó sẽ vang.

Trần Đăng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.