Hạ mức tín nhiệm

26/12/2010 00:44 GMT+7

Bên ngoài, các tổ chức nước ngoài liên tiếp hạ bậc tín nhiệm; bên trong, hàng loạt các vụ thụt két, chi khống... xảy ra tại nhiều ngân hàng. Chưa bao giờ bức tranh tài chính trong nước rơi vào tình trạng ảm đạm như hiện nay. Việc này gây ảnh hưởng lớn tới việc huy động vốn quốc tế của cả Chính phủ và doanh nghiệp.

Cuối tháng 7, lo ngại về chính sách kinh tế, dự trữ ngoại hối và sức khỏe của hệ thống ngân hàng là lý do Hãng định mức tín nhiệm Fitch quyết định hạ xếp hạng tín dụng dài hạn của Việt Nam từ BB- xuống B+. Đến giữa tháng 10, Moody's cũng quyết định hạ một bậc tín nhiệm của trái phiếu Chính phủ Việt Nam từ Ba3 xuống B1. Nguyên nhân là do những quan ngại liên quan đến cán cân thanh toán, lạm phát trong năm 2010 khiến Việt Nam bị liệt vào nhóm các nền kinh tế “có rủi ro tín dụng cao”. Chưa kịp nguôi ngoai thì cách đây vài ngày, Hãng xếp hạng tín nhiệm Standard & Poor’s (S&P) tiếp tục hạ xếp hạng đối với các khoản vay ở cấp độ chính phủ. Cụ thể, xếp hạng tín nhiệm dài hạn đối với các khoản vay dài hạn (bao gồm cả nội và ngoại tệ) đều bị hạ một bậc, xuống BB và BB-, với triển vọng tiêu cực. Cùng với việc hạ bậc xếp hạng tín nhiệm quốc gia. S&P cũng điều chỉnh xếp hạng của 3 ngân hàng thương mại lớn là BIDV, Techcombank và Vietcombank.

Việc liên tiếp bị hạ bậc tín nhiệm trong bảng xếp hạng của các tổ chức quốc tế sẽ khiến chi phí huy động vốn của Chính phủ, các ngân hàng, các doanh nghiệp Việt Nam đội lên. Nói một cách đơn giản, khi bị đánh giá là rủi ro cao hơn thì mức lợi tức chi ra để vay vốn cũng tỷ lệ thuận. Nghĩa là Việt Nam sẽ phải trả lãi nhiều hơn khi phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế. Theo một chuyên gia tài chính tại TP.HCM, các vụ hạ mức tín nhiệm nói trên đều do chất lượng tín dụng. Mặc dù các tổ chức này không nói đến tình trạng rủi ro hệ thống tài chính ngân hàng sau hàng loạt những vụ xảy ra tại nhiều ngân hàng trong nước nhưng qua đó họ cũng mạnh tay hạ mức tín nhiệm của các ngân hàng và cả nền kinh tế.

Trong bối cảnh ngày càng nhiều doanh nghiệp đang coi phát hành trái phiếu quốc tế là kênh huy động vốn, các ngân hàng, các công ty lớn cũng lên kế hoạch tìm đối tác chiến lược nước ngoài thì việc này lại càng ảnh hưởng nghiêm trọng hơn. Tóm lại, con đường ra nước ngoài huy động vốn để tránh phụ thuộc duy nhất vào các ngân hàng thương mại trong nước của các doanh nghiệp, tập đoàn trong nước đang bị kéo dài ra với nhiều khó khăn hơn.

Nguyên Khanh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.