Đừng để sai một li…

21/11/2008 13:55 GMT+7

9 tháng năm 2008, theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, TPHCM có 63 công nhân chết do tai nạn lao động (TNLĐ). Trong đó có đến 28 trường hợp chết do điện giật, chiếm 45,2% so với tổng số vụ TNLĐ chết người, tăng gần 34% so với cùng kỳ năm trước. Điều đau lòng là hầu hết các nạn nhân bị điện giật đều chết ngay tại chỗ hoặc chết trên đường đi cấp cứu.

Sai một li, “đi” một đời   

Như thường lệ, 19 giờ ngày 16-8-2008, công nhân (CN) cơ sở V.V.T (quận 12, TPHCM) bắt đầu vào ca 2. Hơn 1 tiếng sau, mọi người nghe tiếng kêu “Á! Á!” của Nguyễn Văn T. (19 tuổi) ở khu vực máy trộn hồ. Ai cũng tưởng T. đùa giỡn. Khi T. thét lên lần thứ hai, vài CN gần đó chạy lại thì thấy T. bị điện giật. Mọi người nhanh chóng hô hấp, sơ cứu cho T. rồi dùng xe tải của cơ sở chuyển T. đi cấp cứu nhưng T. đã chết trên đường đến bệnh viện.

Sáng 17-5-2008, Công ty TNHH V.T.A khai trương gian hàng điện thoại di động tại quận 2. Sau lễ khai trương, anh M.Q.H (sinh năm 1986) được giao lắp thêm 1 bóng đèn neon 1,2m lên tường phía sân sau. Sau khi gắn đèn lên tường, anh H. đã dùng thang tre leo lên tường phía ngoài, khom người vào trong để đấu nối dây điện bóng đèn với đường dây điện có sẵn trên la-phông của gian hàng. Khi đang đấu nối thì H. bị điện giật chết. Nguyên nhân là do H. làm việc trong điều kiện chật hẹp để câu móc điện nhưng không ngắt nguồn điện.

Khoảng 8 giờ sáng 20-6-2008, CN Công ty cổ phần thuộc da H.D (KCN Hiệp Phước. Huyện Nhà Bè) di chuyển 1 máy bơm nặng 200 kg xuống bể lắng để hút nước đưa về bồn lọc than hoạt tính. Bên dưới máy bơm có 1 sợi dây điện 3 pha loại 2 vỏ bọc cách điện của một máy bơm khác. Khi di chuyển, các CN đã vô tình làm tróc phần vỏ bọc của dây điện gây rò điện. CN Đ.T.T (sinh năm 1981) đang đứng ở gần đó bị điện giật té xuống bể nước. T. được đưa đi cấp cứu nhưng đã chết tại Bệnh viện Nhà Bè lúc 8 giờ 15 phút.

Tương tự, nhân dịp ngày Quốc tế Thiếu nhi năm 2008, Công ty Maso tổ chức khu vui chơi cho thiếu nhi tại Thảo Cầm viên và thuê cửa hàng N.B (quận 9) căng bạt che. Khi chương trình kết thúc, CN của cửa hàng đến thu dọn bạt, dù. Trong lúc tháo dây cáp thép căng bạt, anh M.V.Đ đã bất cẩn kéo dây cáp cọ xát vào dây điện hạ thế làm dây bị bào mòn, tróc vỏ bọc ngoài, gây nhiễm điện sợi dây cáp thép. Anh Đ. bị điện giật chết.

Nếu như thời gian trước, TNLĐ dẫn đến chết người do ngã cao tại các công trình xây dựng ở TPHCM luôn chiếm tỷ lệ cao thì 9 tháng đầu năm 2008, số vụ TNLĐ chết người do té ngã từ các công trình xây dựng không tăng (vẫn giữ mức 10 vụ, làm chết 10 người), trong khi tai nạn về điện lại tăng đột biến. Điểm lại các vụ TNLĐ gây chết người do điện giật, nguyên nhân chủ yếu là do người lao động (NLĐ) vi phạm các nguyên tắc an toàn khi sử dụng thiết bị điện: di chuyển máy, làm việc với thiết bị điện nhưng không ngắt nguồn điện, sử dụng thiết bị tự chế (như kìm hàn điện…), máy móc cũ, không an toàn.

Chủ doanh nghiệp: Thiếu trách nhiệm

Những vụ tai nạn chết người do sử dụng máy móc, thiết bị điện di động không đảm bảo an toàn đã liên tục xảy ra trong nhiều năm. Sở LĐTB-XH TPHCM đã nhiều lần thông báo, nhắc nhở các DN nhưng vấn đề này vẫn chưa được các DN quan tâm, nhất là những DN vừa và nhỏ. Tại những DN này, do thường xuyên tuyển chọn lao động phổ thông, tay nghề, trình độ thấp, lại là lao động thời vụ nên hầu như DN không quan tâm đến việc phổ biến kiến thức về an toàn lao động cho CN.

Mặt khác, do chỉ quan tâm đến lợi nhuận nên nhiều DN không đầu tư thay mới những thiết bị đã cũ, kém an toàn. Công tác bảo hộ lao động, an toàn lao động, ngay cả việc thống kê báo cáo định kỳ về TNLĐ cũng bị các DN “phớt lờ”ø. Trong báo cáo 6 tháng đầu năm 2008, chỉ có khoảng 200/10.000 DN, cơ sở trên địa bàn TP báo cáo cho Sở LĐTB-XH số liệu thống kê TNLĐ theo quy định của Nhà nước.

Trước tình trạng TNLĐ vẫn không ngừng gia tăng, Phó Giám đốc Thường trực Sở LĐTB-XH TPHCM Trần Trung Dũng cho biết trong thời gian sắp tới sẽ chú trọng huấn luyện an toàn - vệ sinh lao động cho người sử dụng lao động và NLĐ, tập trung vào lĩnh vực xây dựng, các cơ sở sản xuất cơ khí, ép nhựa, các cơ sở có sử dụng hàn điện hoặc các thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động như nồi hơi, chai chứa khí nén, bình chịu áp lực… Bên cạnh đó, đề nghị các sở, ngành chức năng, UBND các quận, huyện, tổng công ty, cơ quan quản lý cấp trên DN phải tăng cường hoạt động kiểm tra an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ tại các DN thuộc phạm vi quản lý, đặc biệt kiên quyết xử lý nghiêm các đơn vị không trang bị dụng cụ bảo hộ lao động cho CN, không báo cáo định kỳ về bảo hộ lao động, TNLĐ.

Theo Mai Hương / SGGP

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.