Rộng cửa hơn cho thí sinh

25/12/2010 23:11 GMT+7

Sáng 25.12, tại Hội nghị Kế hoạch tài chính ngân sách năm 2011, Bộ GD-ĐT đã chính thức công bố: chỉ tiêu (CT) tuyển mới ĐH, CĐ chính quy của các trường công lập tăng 6,5% so với năm 2010.

Cụ thể tổng CT tuyển sinh ĐH, CĐ chính quy là 150.000 CT, trong đó bậc ĐH là 132.000 CT (năm 2010 là 123.750, đã tuyển được 118.570 CT), bậc CĐ là 18.000 CT (năm 2010 là 14.550, tuyển được 138.300 CT). Bên cạnh đó, CT tuyển mới trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) năm 2011 cũng tăng 10% so với năm 2010, với tổng số CT là 19.000, chủ yếu đào tạo sư phạm mẫu giáo, đào tạo trung cấp điều dưỡng, trung cấp dược, trung cấp luật, trung cấp nông lâm nghiệp. CT đối với hệ vừa làm vừa học, liên thông, văn bằng 2 là khoảng 100.000. Hệ dự bị ĐH, CĐ có 4.150 CT (tăng khoảng 10% so với năm 2010), phân bổ cho 5 trường dự bị T.Ư và 3 khoa dự bị ở 3 trường ĐH Tây Bắc, ĐH Tây Nguyên và ĐH Cần Thơ.

Đối với đào tạo sau ĐH, Bộ GD-ĐT xác định năm 2011 sẽ đẩy mạnh đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ để nâng cao trình độ đội ngũ giảng viên các trường ĐH, CĐ. Bộ GD-ĐT dự kiến tuyển mới đào tạo 1.050 tiến sĩ, đào tạo thạc sĩ 22.000, tăng 20% so với năm 2010; đào tạo chuyên khoa cấp 1, cấp 2, bác sĩ nội trú khoảng 1.250 CT, tăng 10% so với năm 2010.

Đào tạo phổ thông dân tộc nội trú năm học tới được giao 90 CT cho 3 trường phổ thông vùng cao Việt Bắc, Hữu nghị T80 và Hữu nghị T78. CT đào tạo học sinh phổ thông năng khiếu là 1.100 cho 4 trường: ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH Vinh, ĐH Huế và ĐH Sư phạm TP.HCM. Đào tạo từ xa cũng sẽ tăng 10% với 74.000 CT. Bộ GD-ĐT lý giải: do một số trường được Bộ cho phép mở thêm ngành mới trong đào tạo từ xa như trường ĐH Cần Thơ.

Ông Nguyễn Văn Ngữ - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ GD-ĐT) cho biết: CT tăng thêm dành đào tạo nguồn nhân lực theo địa chỉ cho các khu công nghiệp, khu kinh tế trọng điểm; đào tạo bác sĩ, dược sĩ cho các địa phương; đào tạo giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học và những giáo viên bộ môn còn thiếu cho các vùng khó khăn, vùng dân tộc, 3 vùng Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ; đào tạo cán bộ nông - lâm - ngư, theo hợp đồng của địa phương, doanh nghiệp. Cũng theo ông Ngữ, trong tổng số 132.00 CT ĐH chính quy, dự kiến dành 13.200 CT (10%) đào tạo theo địa chỉ và đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội. Các trường ĐH lớn sẽ tiếp tục giữ ổn định quy mô đào tạo ĐH chính quy, chỉ tăng CT đào tạo sau ĐH. CT vừa học vừa làm, liên thông, văn bằng hai được xác định theo tỷ lệ chung bằng 60% so với CT chính quy; một số ngành nghề, một số trường tự chủ tài chính, CT có thể được tăng hơn.

Ông Phạm Vũ Luận, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, cho hay 10 năm liền CT kế hoạch tuyển sinh ĐH tăng khoảng 12%. Tốc độ này vượt quá tốc độ tăng trưởng kinh tế, xã hội. Ông Luận cũng thẳng thắn thừa nhận thực tế: “Chỗ này chỗ kia còn có việc chạy theo số lượng, chưa chú ý đến các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo”.

Liên quan đến CT hệ tại chức, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết: “Từ năm trước, chúng tôi đã quyết định giảm CT vừa học vừa làm. Gần đây Báo Thanh Niên có loạt bài về chất lượng đào tạo hệ tại chức sau việc UBND thành phố Đà Nẵng không tuyển cử nhân tại chức vào các cơ quan nhà nước. Điều này làm tăng thêm quyết tâm cho chúng tôi, đồng thời giảm sức ép đối với các trường trong việc sẽ tiếp tục giảm CT hệ vừa học vừa làm”. Theo ông Luận: “Tôi đang chỉ đạo các vụ chức năng nghiên cứu xem xét việc các trường ở Hà Nội mang CT vào TP.HCM để đào tạo tại chức và ngược lại; hay việc các trường ở miền núi mang CT về Hà Nội đào tạo... sẽ phải làm thế nào để đảm bảo thực chất”.

Tuệ Nguyễn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.