Công nhân còn nhiều bức xúc

30/10/2009 14:26 GMT+7

Sau loạt phóng sự Tôi làm công nhân vệ sinh bệnh viện (Báo Thanh Niên số ra ngày 22 - 23.9.2009), chúng tôi trở lại nơi những công nhân thuộc Công ty kỹ thuật làm sạch và thương mại quốc tế ICT đang làm việc (theo hợp đồng thầu công trình vệ sinh).

Tại đây (Bệnh viện cấp cứu Trưng Vương TP.HCM), nhiều công nhân phản ánh: Sau khi báo đăng, Công ty ICT đã ký hợp đồng lao động cho công nhân. Bên cạnh đó, công ty này còn cấp thêm cho mỗi công nhân 1 bộ áo quần; còn găng tay thì bình quân 2 cặp/ngày/người (trước đây chỉ phát 1 cặp mỏng dính và dùng... vô thời hạn).

Mặc dù có cải thiện phần nào, song công nhân vẫn bức xúc. Nhiều người cho biết, tuy đã được ký hợp đồng lao động nhưng họ không được giữ lại một bản hợp đồng mà phải nộp hết cho Công ty ICT. Hơn nữa, chế độ lương bổng vẫn còn bất cập. Một chị phản ánh: “Lúc phỏng vấn, người của công ty khẳng định nếu làm 26 ngày/tháng, ngày 8 tiếng thì được lương ít nhất 1,4 triệu đồng. Thực tế, tháng 9 vừa rồi nhận lương thì chỉ có 1,3 triệu đồng. Trong đó, lương cơ bản là 800 ngàn đồng, còn lại là trợ cấp độc hại (150 ngàn đồng); tiền trách nhiệm, sinh hoạt, chuyên cần - chuyên môn”. Đã thế, cuối tháng mỗi người còn bị trừ 8 ngàn đồng gọi là “phí công đoàn”. Thế nhưng, trong bảng lương cá nhân, công ty lại ghi đó là khoản tiền trừ cho “bảo hiểm xã hội - y tế”.

 
Điều dưỡng Bệnh viện cấp cứu Trưng Vương phàn nàn về nhân công, chất lượng
Theo tìm hiểu của chúng tôi, khi công nhân làm tăng ca, công ty này áp một mức giá chung cho ngày thường cũng như ngày nghỉ hằng tuần là 7 ngàn đồng/giờ. Trong cuộc họp diễn ra vào sáng 27.10.2009, giám sát của ICT thông báo: dự kiến công ty sẽ tăng tiền làm thêm lên 8 ngàn đồng/giờ, áp dụng từ tháng 10.2009. Có điều, cách phân định tính giờ làm thêm trong ngày thường, ngày nghỉ hằng tuần hay ngày lễ vẫn không được đề cập.

Đặc biệt, do số nhân công thiếu hụt trầm trọng nên những người còn lại phải “oằn mình” gánh gồng thêm nhiều việc. Nhiều hôm, nhất là những ngày cuối tuần, chỉ một công nhân nhưng phải lau dọn đến 25 - 30 phòng. Điều dưỡng Đoàn Minh Liên, người được phân công coi sóc, nhận xét về khâu vệ sinh một số lầu thuộc khu D, Bệnh viện cấp cứu Trưng Vương đã nhiều lần thẳng thắn phê bình ở sổ nghiệm thu công trình trong tháng 10.2009: “Bệnh nhân không hài lòng; làm không kịp; không sạch... Chỉ có một người thì không thể làm nhanh kịp cả dãy lầu mấy chục buồng bệnh. Yêu cầu Công ty ICT phải tăng cường nhân viên...”. Điều đáng nói, dù một mình phải “ôm” cả việc của những người khác, song công nhân đó không được tính thêm công và không được hưởng bất cứ thứ gì!

Không giao hợp đồng cho công nhân là sai luật

Luật sư Lê Bình An - Đoàn Luật sư TP.HCM, nguyên Thanh tra giải quyết khiếu tố và là Chủ nhiệm Văn phòng tư vấn pháp luật của Liên đoàn Lao động TP.HCM cho biết:

"Khi giao kết bất kỳ loại hợp đồng nào thì mỗi bên có quyền được giữ một bản. Ở đây, chủ sử dụng lao động của Công ty ICT không giao một bản hợp đồng lao động cho công nhân là sai luật. Điều 28 Bộ luật Lao động hiện hành đã quy định rõ: Hợp đồng lao động được ký kết bằng văn bản và phải được làm thành hai bản, mỗi bên giữ một bản. Như vậy, trong trường hợp trên, nếu có tranh chấp xảy ra thì công nhân sẽ chịu thiệt thòi vì không có chứng cứ pháp lý trong tay.

Áp dụng cách tiền tăng ca theo hướng có lợi cho người lao động cần được khuyến khích. Tuy nhiên, không nên "cào bằng" mà cần phân định cách tính giờ làm thêm rõ ràng để tránh sự mập mờ về lợi ích. Điều 61 Bộ luật Lao động quy định người lao động làm thêm giờ được trả lương theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương của công việc đang làm như sau: a) Vào ngày thường, ít nhất bằng 150%; b) Vào ngày nghỉ hằng tuần, ít nhất bằng 200%; c) Vào ngày lễ, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300%".

Như Lịch

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.