Bắt tạm giam nguyên Giám đốc Sở TN-MT Bình Dương

30/10/2009 00:37 GMT+7

Ngày 29.10, Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng (C37) - Bộ Công an đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 tháng đối với ông Cao Minh Huệ (nguyên Giám đốc Sở TM-MT tỉnh Bình Dương) cùng 3 người khác.

3 người đó là các ông: Đỗ Văn Sâm (cán bộ Phòng TN-MT huyện Bến Cát), Phan Văn Trung (nguyên Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn H.Bến Cát, hiện là Bí thư xã Trừ Văn Thố, H.Bến Cát) và Nguyễn Thanh Hải (nguyên Giám đốc Công ty chế biến cây công nông nghiệp xuất khẩu tỉnh Sông Bé cũ, nay là tỉnh Bình Dương - gọi tắt là Sobexco, riêng ông Hải được tại ngoại), để điều tra nhằm làm rõ hành vi "lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ".

Từ sáng sớm, C37 đã chuẩn bị lực lượng, chia làm hai mũi. Một đoàn lặng lẽ đến H.Bến Cát, Bình Dương, một đoàn đến Q.Bình Thạnh, TP.HCM. Công việc được tiến hành nhanh chóng đến 9 giờ sáng việc tống đạt quyết định khởi tố, khám xét, thu thập tài liệu của bốn bị can nói trên đã hoàn tất và đưa về trụ sở Bộ Công an phía Nam. Điểm đặc biệt là hầu như người dân xung quanh nơi các bị can cư ngụ và một số vị lãnh đạo địa phương đều không hay biết gì. Nhà của ông Huệ và ông Hải đóng cửa im ỉm.

Công việc khám xét nhà riêng ông Huệ tại địa chỉ 8/6 Nguyễn Thiện Thuật, tổ 73, P.24, Q.Bình Thạnh, TP.HCM được tiến hành trong gần 2 giờ đồng hồ. Các cán bộ C37 Bộ Công an đã thu giữ rất nhiều tài liệu liên quan đến hành vi sai phạm của ông Huệ. Ngoài ra C37 còn tiến hành niêm phong 600 triệu đồng trong két sắt tại nhà riêng của bị can này. Trong khoảng thời gian này, ông Huệ đã chuẩn bị một số tư trang để chuẩn bị cho những ngày tạm giam với thái độ khá bình thản, không chút lo lắng.

Một cán bộ trong Ban Tổ chức Tỉnh ủy Bình Dương cho hay, sau khi thôi giữ chức Giám đốc Sở TN-MT Bình Dương và được điều động về Ban Tổ chức Tỉnh ủy (tháng 10.2007), ông Huệ rất ít đến cơ quan, mà chuyển hẳn về TP.HCM sinh sống.  Trao đổi với Thanh Niên, ông Mai Thế Trung, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương nói: "Sau khi xảy ra sai phạm tại Sobexco, Thường vụ Tỉnh ủy đã quyết định thay Giám đốc Sở TN-MT, đồng thời điều động ông Cao Minh Huệ về Ban Tổ chức Tỉnh ủy để chờ bố trí công tác. Tuy nhiên, do cơ quan chức năng đang làm rõ sai phạm của ông Huệ trong vụ Sobexco nên từ đó cho đến nay vẫn chưa bố trí công tác khác". "Vụ sai phạm đang được cơ quan pháp luật giải quyết, Tỉnh ủy cũng đang chờ thông báo để làm thủ tục tạm đình chỉ sinh hoạt Đảng của ông Huệ", ông Trung nói thêm.

"Hô biến" đất công

Bước đầu, Cơ quan CSĐT, Bộ Công an xác định do làm ăn thua lỗ, nợ kéo dài nên UBND tỉnh Bình Dương cho phép Sobexco bán vườn cây cao su 658 ha để thanh toán nợ (bán làm 2 đợt). Những người mua vườn cây cao su được UBND huyện Bến Cát  cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) và sau đó được đền bù đất, tiền khi khu công nghiệp An Tây giải phóng mặt bằng nhưng việc mua bán này trái luật đất đai.

Ông Cao Minh Huệ là người đứng đầu về quản lý đất đai ở tỉnh Bình Dương, có trách nhiệm tham mưu, đề xuất UBND tỉnh Bình Dương ra các văn bản về quản lý đất đai đảm bảo đúng pháp luật. Mặc dù biết giá bán vườn cao su đợt 1 của Sobexco không tính giá trị đất nên người mua cây cao su phải thuê đất nhưng ông Huệ không đề xuất với UBND tỉnh chỉ đạo thuê đất mà chỉ nêu "giao cho UBND huyện Bến Cát xem xét và cấp GCNQSDĐ theo đúng quy định của pháp luật" và đưa thêm "giá trị đất" vào giá bán vườn cây cao su để các cơ quan chức năng hiểu rằng Sobexco bán cây cao su và QSDĐ nên người mua được giao đất nông nghiệp không thu tiền sử dụng đất.

Từ chỉ đạo này dẫn đến việc UBND huyện Bến Cát cấp 40 GCNQSDĐ trái luật. Mặt khác, gia đình ông Huệ (2 người con, 5 người là anh em họ hàng) đã ký hợp đồng mua 68 ha cao su để không vượt hạn mức 10 ha/người. Tiếp đó, ông Huệ đề xuất với UBND tỉnh tăng hạn mức lên 30 ha/người để vợ và 2 con được cấp GCNQSDĐ 26 ha/người. Khi xét thủ tục cấp GCNQSĐ, biết giá bán 50 triệu đồng/ha không tính giá trị đất và những người mua vườn cao su không phải là người địa phương thì phải thuê đất nhưng ông Huệ lại đề xuất với UBND tỉnh Bình Dương chỉ đạo UBND huyện Bến Cát lập thủ tục giao đất và cấp GCNQSDĐ nông nghiệp cho người sử dụng đất. Do vậy, gia đình ông Huệ và một số người mua vườn cao su được hưởng tiền khi đền bù hơn 1,3 tỉ đồng.

Còn ông Nguyễn Thanh Hải ký 36 hợp đồng chuyển nhượng vườn cây cao su trước khi UBND tỉnh Bình Dương thông qua quy chế bán vườn cây cao su. Hồ sơ cấp GCNQSDĐ không có 36 hợp đồng này. Đặc biệt, ông Hải đã ký bán 20 ha vườn cao su cho 2 người em với giá trị được đền bù 339 triệu đồng.

Đối với ông Trung và cán bộ cấp dưới Đỗ Văn Sâm là những người trực tiếp nghiên cứu hồ sơ cấp GCNQSDĐ và biết giá bán vườn cây cao su không tính giá trị đất, người mua không phải người địa phương thì phải thuê nhưng hai ông này vẫn trình cấp GCNQSDĐ cho 70 cá nhân. Trong đó mẹ ông Trung được cấp 4,2 ha và được đền bù 3,36 tỉ đồng. Ông Sâm và vợ được hưởng 255 triệu đồng tiền đền bù giá trị quyền sử dụng đất. Việc cấp GCNQSDĐ cho những người mua vườn cao su với hình thức giao đất không thu tiền sử dụng đất dẫn đến việc Nhà nước mất hơn 10,9 tỉ đồng giá trị quyền sử dụng đất cho số diện tích đất nói trên.

Ông Huệ từng liên quan đến một vụ án tham ô kéo dài suốt 10 năm

Trước đây ông Cao Minh Huệ từng "liên quan" đến sai phạm xảy ra tại Trung tâm Dịch vụ địa chính tỉnh Bình Dương. Theo cáo trạng, năm 1998, Trần Quốc Tuân (nguyên Giám đốc Trung tâm Dịch vụ địa chính) đã ký hợp đồng đo vẽ với nhiều đối tác. Sau đó, ông Tuân thuê lại nhân công bên ngoài làm với giá rẻ hơn rồi chiếm đoạt số tiền chênh lệch hơn 150 triệu đồng. Tại phiên tòa sơ thẩm năm 2003, ông Tuân khai toàn bộ việc tham ô cũng như số tiền trên dùng chi tiêu tiếp khách theo sự chỉ đạo của ông Huệ là "sếp" của ông Tuân. Ngoài ra, ông Huệ còn chỉ đạo mua năm khẩu súng từ số tiền tham ô. Ông Tuân cung cấp bằng chứng là 5 CD ghi âm các cuộc trao đổi với ông Huệ liên quan đến vụ việc. Những chi tiết này đã không được tòa chấp nhận và tuyên phạt ông Tuân 7 năm tù về tội tham ô. Sau đó, bản án này bị Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM tuyên hủy, giao cơ quan chức năng điều tra lại từ đầu, làm rõ vai trò trách nhiệm của ông Cao Minh Huệ.

Tuy nhiên, tháng 2.2007, Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) trả lời về 5 CD: "Tổng thời lượng quá dài, chất lượng tín hiệu hầu hết là rất kém nên bộ phận giám định âm thanh của Viện không đủ điều kiện để dịch ra văn bản toàn bộ nội dung các cuộc hội thoại". Từ căn cứ này, Viện KSND tỉnh Bình Dương xác định ông Huệ vô can. Ngày 10.9.2008, vụ án được đưa ra xét xử lần thứ tư, tòa phúc thẩm đã chuyển tội danh cho ông Tuân sang "lập quỹ trái phép" và tuyên phạt ông Tuân chỉ có 13 tháng 16 ngày tù vừa bằng thời hạn tạm giam, khép lại vụ án kéo dài suốt 10 năm.

Nhóm PV CT-XH

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.