Ít nhất 34 người chết, 19 người mất tích

07/10/2007 01:07 GMT+7

Báo cáo nhanh của Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão T.Ư cho biết, theo thống kê chưa đầy đủ, tính đến 16 giờ chiều qua, 6.10, mưa lũ đã làm ít nhất 34 người chết và 19 người mất tích.

Trong đó, Sơn La có 3 người chết và 4 người mất tích, Hòa Bình có 8 người chết và 4 người mất tích, Thanh Hóa có 6 người chết, Nghệ An có 13 người chết và 9 người mất tích, Yên Bái có 1 người chết và 1 người mất tích, Thừa Thiên - Huế có 1 chiến sĩ biên phòng bị mất tích, Hà Tĩnh và Quảng Bình mỗi tỉnh có 1 người chết... 

Mưa lũ đã gây nhiều thiệt hại lớn về vật chất, đe dọa cuộc sống của hàng vạn người dân các tỉnh miền Trung và khu vực phía Bắc. 

Tại Thanh Hóa: 22 xã thuộc H.Thạch Thành với 13.000 hộ dân bị ngập. Trong đó, khoảng 500 - 600 người chủ yếu thuộc xã Thành Kim, thị trấn Kim Tân và xã Thành Hưng đang bị kẹt trong vùng ngập. UBND tỉnh đã điều động 6 xuồng máy vào đưa dân ra nhưng theo tính toán, tỉnh này cần T.Ư điều thêm 10-15 xuồng máy nữa để phục vụ công tác cứu hộ. Đường giao thông H.Thạch Thành đều bị cắt đứt, chỉ có thể đi lại duy nhất bằng ca-nô, xuồng máy. 

Quảng Bình: Theo lãnh đạo huyện Quảng Trạch, sớm nhất thì 1 tháng nữa hệ thống điện chiếu sáng mới khắc phục xong. 

Tại Ninh Bình: 12 xã của H.Nho Quan và Gia Viễn với 16.450 hộ dân bị ngập. UBND tỉnh đã xuất ngân sách cấp cho 2 huyện kể trên mỗi huyện 200 triệu đồng và cấp cho mỗi xã trong vùng ngập 100 triệu đồng để khắc phục hậu quả mưa lũ, xử lý các vấn đề cấp bách.

Nghệ An: Tại các huyện Nghĩa Đàn, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, nước đã rút cạn nhưng quốc lộ 48 vẫn bị đứt nhiều đoạn do bị sạt lở rất nghiêm trọng. Ngành giao thông đã bố trí máy múc, ủi và công nhân túc trực tại các điểm sạt lở trên quốc lộ này để thông đường. Các huyện này vẫn trong cảnh mất điện hoàn toàn. Khoảng 8 giờ 30 sáng qua, đập chứa nước 17 ở Nghĩa Đàn bị vỡ, nước ồ ạt tràn về nhấn chìm hàng trăm căn nhà của xóm Thành Xuân, xã Nghĩa Xuân. Người dân không kịp trở tay, tài sản nhiều gia đình bị cuốn trôi và bị ngập chìm trong nước. Quốc lộ 48 qua xã bị ngập sâu khiến giao thông hoàn toàn bị ngưng trệ. 

Tại Hòa Bình: Báo cáo của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh cho biết, tại các huyện Lạc Thủy, Yên Thủy, Cao Phong, Kỳ Sơn và TP. Hòa Bình đã bị ngập lụt nhiều nơi khiến 2.140 người dân đã phải di dời. Trong đó, 3 xã Yên Bồng, Khoan Dụ, Hưng Thi (H.Lạc Thủy) ngập sâu và bị cô lập, 150 nhà dân các xã Đoàn Kết, Lạc Lương, Lạc Thịnh, Yên Lạc, Phú Lai, thị trấn Hàng Trạm (H.Yên Thủy) bị ngập sâu trên 2m. Mưa lũ cũng đã phá hủy hoàn toàn 17 ngôi nhà, làm ngập 1.155 nhà dân, vùi lấp 7 nhà và cuốn trôi 1 nhà dân, làm ngập và vùi lấp trên 7.000 ha lúa và hoa maìu, quốc lộ 6 bị sạt lở nhiều đoạn, các quốc lộ 15, 12B, 21 bị ngập sâu từ 1 - 1,5m... 

Chiều qua 6.10, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn (TTDBKTTV) T.Ư cho biết, lũ sông Hoàng Long đã qua đỉnh và đang xuống chậm, đến sáng ngày 8.10 mới có khả năng xuống dưới mức báo động III. 

Cũng theo TTDBKTTV T.Ư, lũ hạ lưu sông Cả tiếp tục lên, hạ lưu sông Mã và sông Bưởi xuống chậm nhưng vẫn còn ở mức cao. Tình trạng ngập lụt sâu ở vùng trũng và đồng bằng ven sông các tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An còn khá nghiêm trọng.

Tại Sơn La: Mưa lũ đã làm 23 nhà bị sập đổ, 1.089 nhà bị ngập, 30 nhà khác có nguy cơ bị ảnh hưởng do trượt lở đất, 486,8 ha lúa bị ngập, cuốn trôi 3.520 tấn ngô bắp đã thu hoạch, cuốn trôi 24 cái cầu treo, sạt lở nhiều tuyến đường quốc lộ và tỉnh lộ... 

Tại Yên Bái: 10 nhà dân bị sập, 103 hộ dân phải di dời, 717 ha ngô đồng mới trồng và 213,4 ha lúa chuẩn bị thu hoạch cùng với 400 ha hoa màu bị ngập. Đường quốc lộ 32 từ H.Văn Chấn đi các huyện miền tây trong tỉnh và Lai Châu sạt 50 vị trí với tổng cộng 300.000m3 đất đá, đường tỉnh lộ từ H.Văn Chấn đi H.Trám Tấu sạt lở 5 vị trí. Ngoài ra, mưa lũ cũng đã làm 3 công trình thủy lợi bị hư hỏng nặng. 

Quang Duẩn - Khánh Hoan  - Kiến Giang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.