Bắt đầu báo cáo tài chính quý 3

17/10/2008 23:03 GMT+7

Kết quả hoạt động của nhiều công ty niêm yết công bố trong báo cáo tài chính quý 3 đang đem lại niềm vui, nỗi buồn khác nhau cho các cổ đông.

Trong khi có nhiều công ty đã chuẩn bị hoàn thành kế hoạch năm thì cũng không ít công ty đang đối mặt với khó khăn lớn.

9 tháng bằng cả năm

Theo kế hoạch năm 2008, Công ty cổ phần (CTCP) 482 (mã chứng khoán B82) phấn đấu đạt giá trị sản lượng trên 130 tỉ đồng, doanh thu và thu nhập khác trên 110 tỉ đồng, lợi nhuận thực hiện 6 tỉ đồng. Chỉ trong 9 tháng đầu năm, công ty đã gần như hoàn thành kế hoạch này với giá trị sản lượng đạt 130 tỉ đồng; tổng doanh thu đạt 104 tỉ đồng, hoàn thành 95% kế hoạch năm.

Trong bối cảnh nhiều khó khăn của nền kinh tế, nhiều nhà đầu tư cũng "choáng" trước kết quả của CTCP cáp treo Núi Bà Tây Ninh (mã TCT) khi công ty này đạt lợi nhuận trong 9 tháng đầu năm 23,283 tỉ đồng, bằng 110,8% kế hoạch năm 2008. Với mức lợi nhuận trên, lãi cơ bản trên một CP trong 9 tháng đầu năm của TCT đạt 12.529 đồng. Một con số ấn tượng. CTCP SOMECO Sông Đà (mã MEC) cũng đã vượt mức kế hoạch lợi nhuận cả năm với 15,756 tỉ đồng (109,87% kế hoạch năm). Lợi nhuận của CTCP vận tải biển Vinaship (mã VNA) cũng làm hài lòng các cổ đông với 75 tỉ đồng lợi nhuận trước thuế trong 9 tháng đầu năm, đạt 93,75% kế hoạch năm. CTCP cao su Tây Ninh (mã TRC) đạt lợi nhuận 145,8 tỉ đồng, bằng 98,3% kế hoạch năm 2008. Được biết, kế hoạch năm 2008, TRC phấn đấu đạt sản lượng cao su khai thác là 13.000 tấn, sản lượng chế biến là 15.000 tấn, lợi nhuận đạt 148,2 tỉ đồng.

Xếp trong bảng thành tích các công ty đạt mức lợi nhuận 9 tháng bằng cả năm còn khá nhiều các tên tuổi như CTCP sữa Việt Nam (mã VNM) với mức lợi nhuận 9 tháng đạt xấp xỉ 90% kế hoạch năm, tương đương với 1.140 tỉ đồng; Tập đoàn FPT vượt kế hoạch doanh thu cả năm tới 14,6% chỉ trong 9 tháng đầu năm; Tổng công ty khoan và dịch vụ dầu khí (PVD) cũng cận đích về cả doanh thu và lợi nhuận mà chỉ cần đến 9 tháng đầu năm. Đặc biệt, CTCP vật tư kỹ thuật nông nghiệp Cần Thơ (mã TSC) vừa thông báo con số lợi nhuận đạt được trong 9 tháng cực kỳ hoành tráng, đạt 134,925 tỉ đồng, tăng 215,72% so với cùng kỳ năm 2007 và vượt 66,57% so với kế hoạch doanh thu 2008.

Các công ty tài chính khó khăn lớn

Như vậy có thể thấy, mặc dù phải đối mặt với rất nhiều khó khăn như giá xăng dầu, lãi suất ngân hàng cao, tiêu thụ khó khăn... nhưng rất nhiều công ty đã cho thấy sự vững vàng của mình trước những biến động. CP của những công ty này trở nên hấp dẫn hơn đối với giới đầu tư. Tuy nhiên, không phải công ty nào cũng dễ dàng vượt qua khó khăn với bảng thành tích "hoành tráng" như trên.

Báo cáo tài chính quý 3 của nhiều doanh nghiệp cũng cho thấy khó khăn chung đã tác động rất rõ đến hoạt động, tập trung nhất là ở các công ty tài chính. Đơn cử như CTCP chứng khoán Sài Gòn (SSI), trong 9 tháng đầu năm 2008, lợi nhuận của SSI đạt 259,654 tỉ đồng, giảm 69% so với cùng kỳ năm 2007. Chưa công bố báo cáo tài chính quý 3 nhưng doanh thu và lợi nhuận của Công ty cổ phần cơ điện lạnh REE trong 8 tháng đầu năm cũng trong tình trạng "phú quý giật lùi" với mức lỗ là 43,82 tỉ đồng và chỉ bằng 46,2% so với năm 2007.  CTCP sách thiết bị giáo dục Nam Định (mã DST) cũng chỉ đạt lợi nhuận 881 triệu đồng, bằng 58,7% kế hoạch năm. Trong một công bố mới đây cho thấy, 95% các công ty chứng khoán có báo cáo tài chính quý 3 lỗ trong đó nhiều công ty lỗ lớn... Một điểm dễ thấy nữa trong báo cáo tài chính quý 3 của các doanh nghiệp đó là doanh thu cao nhưng lợi nhuận thấp, điều này cho thấy chi phí tăng cao, ảnh hưởng rất nặng nề, làm giảm hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.

Hiện vẫn còn rất nhiều công ty niêm yết chưa công bố báo cáo tài chính quý 3. Các nhà đầu tư vẫn đang chờ đợi để có cơ sở đánh giá lại danh mục đầu tư cũng như xác định phương thức đầu tư trong các tháng cuối năm.

Nguyên Khanh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.