"Cầm lái" và "bơi chèo"

15/11/2005 00:38 GMT+7

Nhà nước của bất kỳ một chế độ nào tựu trung bao gồm 2 chức năng cơ bản: Chức năng quản lý (một số nước gọi là chức năng cai trị) và chức năng phục vụ (hay còn gọi là cung cấp dịch vụ cho xã hội). Cũng cần phải nói rằng hai chức năng này không phải lúc nào cũng được phân biệt rạch ròi, không bị "chồng lấn”, không phải bất biến theo thời gian và phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện, trình độ, hoàn cảnh xã hội.

Xu hướng thấy rõ, xã hội càng phát triển, càng dân chủ văn minh thì chức năng dịch vụ càng ngày càng lớn, càng rộng, trái lại chức năng quản lý (cai trị) càng thu hẹp lại. Điều này đúng với quan điểm của Mác là "Xã hội phát triển Nhà nước sẽ tiêu vong". Như vậy, chức năng phục vụ (dịch vụ) của Nhà nước là dịch vụ công. Thế nhưng ngày càng thấy rõ thực trạng việc cung ứng dịch vụ công (giáo dục, y tế, điện nước sinh hoạt, giao thông công cộng...) do Nhà nước cung ứng chất lượng kém hơn với chi phí cao hơn so với các thành phần khác cung ứng do nạn tham nhũng, lãng phí.

Có nhiều tài liệu nghiên cứu đã chỉ ra rằng hoạt động cung ứng dịch vụ công của khu vực Nhà nước thường kém hiệu quả hơn so với khu vực tư nhân. Trong cuốn sách Kinh tế học công cộng, Joseph E.Stinglitz đã chỉ ra rằng: Các dự án nhà ở công cộng tốn kém hơn của khu vực tư nhân khoảng 20%. Các chi phí thu gom rác thải của khu vực công cao hơn của khu vực tư nhân 20%. Chi phí phòng chống hỏa hoạn của khu vực tư nhân (nhưng do Nhà nước cấp tiền) thấp hơn của công cộng là 47%. Một nghiên cứu về đấu thầu vận tải bằng ô tô buýt của tư nhân ở trường học Indiana cho thấy rằng chi phí của tư nhân thấp hơn chi phí do chính quyền cấp huyện thực hiện là 12%.

Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới năm 1997, trong đó có nêu lên rằng: Tại Trung Quốc, kể từ năm 1980, hệ thống cung ứng thủy lợi của Nhà nước cho gần 1 triệu ha đất nông nghiệp đã ngừng hoạt động vì bảo quản kém. Khối lượng điện do Nhà nước cung cấp ở các nước có thu nhập thấp bị thất thoát nhiều gấp đôi so với lượng thất thoát điện ở các nước có sự cạnh tranh của tư nhân. Xã hội hóa thực chất là sự chuyển giao một số công việc thuộc về chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước, do Nhà nước đang thực hiện cho tổ chức hoặc cá nhân có đủ những điều kiện theo quy định của pháp luật đảm nhiệm. Xã hội hóa cũng là quá trình chuyển giao áp dụng các ưu điểm ở lĩnh vực tư nhân vào lĩnh vực công hay nói cách khác là quá trình thu hút trí tuệ, sức mạnh của nhân dân thành sức mạnh của Nhà nước.

Ở nhiều nước trên thế giới đang diễn ra xu thế chuyển giao dịch vụ công cộng cho các tổ chức thuộc khu vực tư nhân dưới nhiều hình thức khác nhau. Phạm vi các dịch vụ công được chuyển giao cho khu vực tư ngày càng mở rộng. Hầu hết các quốc gia đều áp dụng nguyên tắc: cái gì các thành phần kinh tế khác có thể làm được thì Nhà nước không tham gia (trong trường hợp này, Chính phủ chỉ đóng vai trò kiểm soát, điều tiết và bảo hộ để các thành phần khác thực hiện các dịch vụ đó một cách thuận lợi); cái gì mà các thành phần kinh tế khác không tham gia hoặc chưa tham gia thì Nhà nước phải là người chịu trách nhiệm cung cấp nó cho xã hội.

Ở Việt Nam, cùng với quá trình chuyển sang cơ chế thị trường, Nhà nước đã tiến hành xã hội hóa việc cung ứng một số dịch vụ công. Việc xã hội hóa dịch vụ công ở đây không chỉ đơn thuần là sự chuyển giao các hoạt động cung ứng dịch vụ công cho các tổ chức ngoài quốc doanh mà còn có nghĩa là động viên và tổ chức sự tham gia rộng rãi, chủ động và tích cực của nhân dân vào phát triển các dịch vụ này, đa dạng hóa các hoạt động cung ứng dịch vụ, trên cơ sở phát huy tính sáng tạo và khả năng đóng góp của mỗi người. Do đa dạng hóa các thành phần cung ứng dịch vụ công, chất lượng dịch vụ thông qua cạnh tranh sẽ được nâng cao, giá thành sẽ hạ. Điều này đồng nghĩa với việc người dân tốn ít chi phí nhưng được hưởng sự phục vụ với chất lượng cao hơn. Nhưng điểm dễ nhận thấy nhất, do đa dạng hóa thành phần cung cấp dịch vụ công, đồng nghĩa với đa dạng hóa sở hữu từ các thành phần cung ứng, sẽ tạo ra cơ chế hiển nhiên chống thất thoát, tiết kiệm nguồn lực. Lúc ấy Nhà nước giữ vai trò kiểm soát, tránh được tình trạng "vừa đá bóng vừa thổi còi". Lúc đấy mới thật sự tách quản lý hành chính Nhà nước ra khỏi sản xuất kinh doanh, ra khỏi cung ứng dịch vụ công.

Quả đúng như Chính phủ có nguồn gốc tiếng Hy Lạp là "Cầm lái". Công việc của Chính phủ là cầm lái chứ không phải bơi chèo. Cung ứng dịch vụ là bơi chèo.

Diệp Văn Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.