“Phong Nha thứ hai ở Việt Nam" vừa được khám phá

28/10/2004 15:39 GMT+7

Động Tiên Sơn (Thanh Hóa) được người dân địa phương tự hào gọi là "Phong Nha thứ hai của Việt Nam". Tuy nhiên, chính quyền địa phương và ngành chủ quản chưa có những đầu tư cụ thể để bảo tồn và khai thác tiềm năng du lịch của Tiên Sơn.

Từ Hà Nội vào đến thị trấn Đò Lèn (huyện Hà Trung) đường khá rộng lên huyện Vĩnh Lộc phía bên phải quốc lộ 1 A. Từ huyện lỵ sang đây chừng 20km nữa, tôi đặt chân vào khu danh thắng Kim Sơn. Một vùng núi non, sông nước mênh mông, hùng vĩ còn nguyên nét hoang sơ. Chúng tôi bắt đầu cuộc hành trình bằng xe đạp để đến chân núi có động Tiên Sơn mới phát hiện thuộc xã Vĩnh An (Vĩnh Lộc, Thanh Hóa).

Từ chân núi hoang vu nhìn lên, chỉ thấy cửa động đen ngòm chênh vênh. Khoác cuộn dây thừng lên vai, ông Nguyễn Thế Vang, người dẫn đường thoăn thoắt dẫn đoàn nhà báo dắt díu leo lên những bậc đá cheo leo, dốc và trơn tuột đến đứng tim. Cả một vùng núi non, sông nước huyền bí với vẻ đẹp hùng vĩ thu gọn vào tầm mắt tôi. Vùng này xưa gọi là Ngọc Sơn thuộc tổng Biên Thượng, huyện Vĩnh Lộc, phủ Quảng Hóa. Nơi đây thế đất hiểm trở, phía Đông giáp Hà Trung và quốc lộ 1 A, phía Tây là rừng núi bạt ngàn dọc sông Mã đến tận Cẩm Thuỷ, Thạch Thành. Không phải ngẫu nhiên mà Hồ Quý Ly từng lấy chỗ này để dựng thành, xây nghiệp Bá Vương.

Theo thuyết phong thủy, thành dựa lưng vào dãy núi Sen đá vôi với thế long chầu hổ phục. Phía trước là sông Mã cuồn cuộn chảy. Tứ diện đều có thể tận dụng thế thiên thời, địa lợi, hiểm yếu và lợi hại khi có biến. Trong cuốn Những thắng tích của xứ Thanh, tác giả Hương Nao viết: "Trong cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông xâm lược vào thế kỷ 13, vua Trần cùng Tiết chế Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn tập kết lực lượng về vùng động Kim Sơn này. Sau hơn 3 tháng, vua Trần và các tướng lĩnh có một lực lượng hùng hậu kéo ra bắc, đánh thắng quân xâm lược liên tiếp trong các trận Tây Kết, Hàm Tử, Chương Dương rồi giải phóng kinh thành Thăng Long". Đây cũng là nơi hoạt động của nghĩa quân Cần Vương chống Pháp cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 do Tống Duy Tân lãnh đạo. Qua cửa động nhỏ được khoá tạm bằng cổng tre, cả đoàn sững lại trước vẻ đẹp của bức tượng Quan Thế m Bồ Tát cao 20 mét bằng nhũ thạch, mình khoác cà sa trắng toát ngự trên tòa sen lung linh khi đèn pin chiếu vào. Vào sâu bên trong động, chúng tôi đi giữa những hình thù kỳ dị của tạo vật với nhiều dáng vẻ tạo bởi nhũ đá trắng toát. Leo lên vài phiến đá, tôi bắt gặp những "mái tóc" của các nàng tiên đan dày bằng nhiều sợi nhũ đá nhỏ, mảnh và đều tăm tắp xõa từ vòm hang xuống. Bên trái là những bông hoa san hô, hoa đá khổng lồ giống hệt san hô ngoài biển sừng sững với muôn ngàn ngũ sắc giữa vòm hang sống động. Những khối nhũ thạch hình chim muông, cá, sư tử, voi... trong một thế giới vừa thực vừa hư.

Thấy chúng tôi thấm mệt và khát, ông Vang đưa cả bọn vào Giếng Tiên giống cái bình đựng nước trong vắt đặt trên đá. Thỉnh thoảng một tiếng "tong" của giọt nước từ nhũ đá. Chúng tôi lách mình qua thiên la địa võng nhũ đá để đi xuống Thủy Cung ở độ sâu hơn chục mét. Cung Thủy Tề Vương hiện ra tráng lệ với những con đá, trai, hến và muôn vàn loài thuỷ sinh từ nhũ đá. Chạm tay vào đàn, vang lên những âm thanh kỳ diệu, xa xăm. Đâu đó, tiếng rì rào của thác nước bạc óng ánh đang tuôn suối dòng suối Bạc lung linh. Tiếng ông Vang đều đều bên tai chúng tôi: "Bay chưa đi hết đâu. Người ở đây cũng chưa ai khám phá hết động cả. Ông cố tau bảo động còn kéo dài đến tận xã Vĩnh Minh cách đây vài cây số". Từ trong động, tôi không tin khi nhìn thấy một số em nhỏ với tay bẻ những nhũ đá thạch anh tuyệt đẹp mang về nhà.

(Theo Báo Miền Trung)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.