Học rồi…quên

19/12/2008 17:21 GMT+7

(TNO) Từ năm 2007, được sự giúp đỡ của tổ chức quốc tế ON-NET, Hội người mù TP Đà Nẵng triển khai chương trình đào tạo tin học cho người khiếm thị trên địa bàn. Gần 20 học viên đã kết thúc khóa học, tuy nhiên, do không có máy tính thực tập cũng như công việc phù hợp, số học viên này đang đối mặt với nguy cơ mai một các kỹ năng.

Một con đường sáng

Năm 2007, Hội người mù TP Đà Nẵng khai giảng lớp tin học đầu tiên. 6 học viên tốt nghiệp sau 6 tháng đào tạo. Năm 2008, thêm 12 học viên khác cũng hoàn thành tốt khóa học. Tổ chức quốc tế ON-NET đã trang bị cho Hội người mù thành phố 6 máy vi tính, hệ thống loa, tai nghe cũng như phần mềm chuyên dụng JAWS để trợ giúp công tác giảng dạy.

Hội đã sàng lọc những học viên có khả năng tiếp thu nhanh nhạy, ưu tiên cán bộ trẻ đảm nhận công tác Hội để đào tạo. Lê Thị Diệu Châu – học viên khóa đầu tiên cho biết: “Trước đây mỗi lần cần viết gì, em phải dùng chữ Braille, nhờ người sáng dịch lại rồi đánh vi tính rất tốn thời gian và lúc nào cũng phải phụ thuộc vào người khác. Bây giờ em có thể tự soạn văn bản, lưu trữ dễ dàng”. Còn Nguyễn Thị Kim Nga, kỹ thuật viên massage Hội người mù quận Hải Châu lại thích thú với email, hoặc chat với bạn bè. Ngay cả Phó chủ tịch Hội người mù quận Hải Châu, năm nay cũng xấp xỉ “ngũ tuần”, cũng chịu khó mày mò từng phím bấm. “Internet mở cho tôi cánh cửa tìm kiếm thông tin nhiều trên mạng, những kinh nghiệm về sản xuất, nghề nghiệp của người khiếm thị để phục vụ cho công tác Hội”.

Hội người mù TP Đà Nẵng đang hi vọng trong quý II/2009 sẽ có lớp tin học nâng cao dành cho các học viên có khả năng, không chỉ dừng lại ở vi tính văn phòng, mà còn lập trình, quản lý website, các kỹ năng nâng cao khác. Tuy nhiên, quá trình đó không phải là dễ dàng.

 
6 máy vi tính phải hoạt động hết công suất nhưng không đáp ứng đủ nhu cầu học viên - Ảnh: Nguyễn Tú

Thiếu máy móc

Sau gần 2 năm tốt nghiệp khóa tin học, hiện nay, ngoài học viên Lê Thị Diệu Châu vẫn thường xuyên tiếp xúc với máy tính nhờ tham gia phụ trách lớp cùng cán bộ sáng Lê Thị Phương Thúy, các học viên còn lại rất ít khi có cơ hội thực tập. Hội người mù TP Đà Nẵng cũng đã gỡ thế bí bằng cách mở phòng máy vào thứ 2 và thứ 6 hàng tuần để các học viên tự do ôn tập các kỹ năng học được. Nhưng 6 máy vi tính luôn trong tình trạng quá tải trước lịch đăng ký của các học viên. Còn sở hữu một chiếc máy vi tính riêng lại là điều xa vời so với thu nhập hằng tháng của người khiếm thị. Ông Đào Hữu Cường – Phó chủ tịch Hội người mù TP Đà Nẵng cho biết: “Mặc dù Hội đã cố gắng mở cửa phòng máy thường xuyên cho học viên ôn luyện, nhưng người khiếm thị đi lại phụ thuộc, chưa kể các học viên ở xa rất tốn tiền xe ôm, ảnh hưởng công việc nếu cứ thường xuyên đi lại”.

Hiện Hội người mù đang vận động các công ty có vi tính cũ tặng lại cho Hội, nhưng cũng chưa có dấu hiệu sáng sủanào. Một thực trạng nữa, đó là do không đủ máy móc, lớp tin học nâng cao cho học viên vẫn chưa thể đi vào hoạt động. Chính vì thế, chỉ với các kỹ năng tin học văn phòng, soạn thảo văn bảo, check mail thông thường, người khiếm thị rất khó xin việc. Chưa một học viên nào từ các lớp đào tạo tin học này kiếm được việc làm. Không có môi trường làm việc, lại không có cơ hội rèn luyện thường xuyên, gần 20 học viên lớp tin học của Hội người mù TP Đà Nẵng đang có nguy cơ bị thui chột các kỹ năng từng mang lại biết bao hy vọng cho họ này.

Nguyễn Tú

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.