Lạc vào biển hải tặc

26/12/2004 21:34 GMT+7

Kỳ 1: Eo biển chết Là một trong những khu vực có lượng tàu thuyền lưu thông nhiều nhất thế giới, eo biển Malacca nằm giữa bán đảo Malaysia và đảo Sumatra của Indonesia cũng là thiên đường của những băng nhóm hải tặc.

Tấn công tàu Dewi Madrim

Khoảng 3h sáng một ngày tháng 3/2003, trời tối đen như mực, chiếc tàu Dewi Madrim trọng tải 3.900 tấn chở hóa chất, treo cờ Indonesia lặng lẽ đạp sóng tiến vào eo Malacca. Trong lúc phần lớn thủy thủ đoàn đang say sưa ngủ, một nhóm mười mấy tên áo đen xuất hiện trên một chiếc thuyền cao tốc. Đầu trùm mũ đen, tay lăm lăm tiểu liên bán tự động, chúng quăng những sợi dây thừng có móc câu quặp lấy thành boong tàu Dewi Madrim rồi đu người lên. Những tràng tiểu liên xối xả nã về tứ phía, một kẻ tách ra và nhảy xổ vào buồng lái. Hắn tống một quả thôi sơn vào mặt người thủy thủ điều khiển rồi rút khẩu colt ra: "Bọn còn lại ở đâu? Nói nhanh nếu không muốn làm mồi cá mập". Sau đó, chúng lùa thuyền trưởng Surahmat Johar cùng thủy thủ đoàn vào một buồng nhỏ rồi dùng dây cước trói tất cả lại. Khi toàn bộ nhân viên tàu Dewi Madrim đã bị khống chế, bọn áo đen đưa Surahmat lên cabin. "Hãy ngồi đấy và câm mồm lại. Bọn tao biết cách chăm sóc chiếc tàu", một kẻ ra lệnh. Nói đoạn, hắn đẩy Surahmat vào góc buồng. Người thuyền trưởng dạn dày sương gió chợt nhận thấy rằng bọn cướp rất thành thạo các thao tác điều khiển tàu, từ vặn bánh lái đến đọc tín hiệu radar. "Lạy Chúa, lâu nay mình cứ nghĩ hải tặc là một phường ăn cướp hung hãn và dốt nát, chỉ biết nhảy lên tàu khoắng sạch mọi thứ rồi chuồn êm. Thế mà..." - Surahmat rủa thầm và chua xót nhận ra rằng tên hải tặc kia "chăm sóc" con tàu còn tốt hơn cả chính ông. "Bọn này... nhà nghề quá, thật là ngoài sức tưởng tượng của mình", trong câu chửi thầm của Surahmat có một chút gì đó là sự thán phục. Sau khi cho tàu cập vào một bến cảng ở đảo Sumatra, bọn hải tặc mang theo Surahmat cùng 1 thủy thủ khác và biến vào bóng đêm. Phải đến hơn 5 tháng sau, 2 con tin mới trở về.

"Biển chết" Malacca

Vụ tấn công Dewi Madrim tại eo Malacca hồi tháng 3/2003 là vụ cướp tàu điển hình tại một khu vực đường biển tấp nập và nguy hiểm bậc nhất thế giới. Khi đi biển, điều mà người ta sợ nhất là giông bão và những tảng đá ngầm nhưng ở khu vực này, kẻ thù số 1 của các thủy thủ lại chính là con người, hay nói đúng hơn là những ác quỷ mang hình hài con người. Với chiều dài khoảng 800 km, mỗi năm eo Malacca đón trên dưới 50.000 lượt tàu với lượng hàng hóa chiếm 1/3 lượng hàng lưu thông trên thế giới. Một nửa số hàng hóa qua đây là dầu, trong đó có 90% lượng dầu cung cấp cho Nhật Bản. Điểm hẹp nhất của eo Malacca nằm gần đảo quốc Singapore rộng chừng 2km, là nơi mà tàu bè dễ dàng trở thành mục tiêu của hải tặc. Trong bản báo cáo tháng 11/2004, Văn phòng Hàng hải quốc tế (IMB) có trụ sở đóng tại London (Anh) cho biết dù nạn hải tặc trên thế giới giảm 1/3 trong 9 tháng đầu năm nhưng riêng tại Malacca đã xảy ra 25 vụ nghiêm trọng, nhiều bằng cả năm ngoái. Cũng trong khoảng thời gian này, trên lãnh hải Indonesia, Malaysia và Singapore xảy ra 111 vụ, chiếm tới 56% số vụ hải tặc toàn cầu, tăng 30% so với cách đây 2 năm. IMB nói rằng những con số trên đây có thể chỉ bằng một nửa thực tế bởi có rất nhiều "sự cố" không được thống kê.

Sau sự kiện 11/9, người ta lo ngại eo Malacca cũng sẽ trở thành mục tiêu của bọn khủng bố. "Một vụ tấn công khủng bố tại khu vực này sẽ có tác động khủng khiếp đến kinh tế toàn cầu", Phó thủ tướng Singapore Tony Tan cảnh báo, "Bọn hải tặc được trang bị thuyền cao tốc, đài liên lạc VHF và súng máy. Nếu bọn này là quân khủng bố, không ai biết điều gì xảy ra. Điều đáng lo ngại là lực lượng an ninh các nước chưa được triển khai đồng bộ để ngăn chặn nguy cơ. Trong khi Malaysia và Singapore gần đây đã nỗ lực tối đa để kiểm soát vùng biển, nhiệm vụ bảo vệ tàu bè trong lãnh hải của mình dường như vẫn còn quá sức đối với Indonesia. Ở một vài nơi trên biển Indonesia, hải tặc hoạt động rất ngang nhiên, chúng thoải mái sử dụng các hòn đảo và cảng nhỏ để làm căn cứ địa. Một sĩ quan hải quân đóng tại Sumatra than thở: "Lực lượng mặt biển của chúng tôi được trang bị tồi và có tinh thần chiến đấu kém. Nhiều lúc chúng tôi không thể đi tuần xa vì không đủ tiền mua dầu. Trong khi đó, bọn hải tặc có tàu cao tốc, có nhiều tiền và có mạng lưới liên lạc tốt". Cựu Bộ trưởng An ninh Indonesia H.Sabarno thừa nhận: "Chúng tôi không đủ khả năng để kiểm soát tất cả". Giám đốc Ttrung tâm Điều tra hải tặc của IMB đóng tại Kuala Lumpur (Malaysia) kết luận: "Indonesia chính là trung tâm của vấn đề".

Kỳ 2: Bóng đen trên đảo Batam

Đỗ Hùng
(Theo Time)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.