Sập cầu Cần Thơ: Lễ truy điệu tiễn đưa những người con tận tụy

01/10/2007 01:00 GMT+7

* Vẫn chưa tìm được những người còn mất tích cuối cùng * Nếu bỏ qua lời cảnh báo, chủ đầu tư phạm tội gì ? * Đã đủ cơ sở khởi tố vụ án chưa và với bao nhiêu tội danh ? * Phải thay đổi nguyên tắc đàm phán ODA * "Thuốc đắt cách mấy cũng phải mua để cứu bệnh nhân" Bạn đọc đóng góp 1.477.804.000 đồng giúp gia đình các nạn nhân


Lãnh đạo Chính phủ VN, Đại sứ Nhật và đại diện nhà thầu chính dành phút mặc niệm trước các nạn nhân

Chiều 30.9, ngay tại công trình xây dựng cầu Cần Thơ bên bờ sông Hậu, lễ truy điệu những người tử nạn do sự cố công trình xây dựng cầu Cần Thơ đã diễn ra với sự tham dự của Ủy viên Bộ Chính trị - Phó thủ tướng Chính phủ Trương Vĩnh Trọng, các Ủy viên T.Ư Đảng: Hoàng Trung Hải - Phó thủ tướng Chính phủ, Hồ Nghĩa Dũng - Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Nguyễn Quốc Triệu - Bộ trưởng Bộ Y tế, Nguyễn Việt Quân - Chính ủy Quân khu 9, Nguyễn Tấn Quyên - Bí thư Thành ủy Cần Thơ; Ngài Norio Hattori - Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam cùng đông đảo các vị lãnh đạo các cấp và trên 1.000 người dân. Buổi lễ diễn ra trong sắc trời u buồn, trong không khí thấm đẫm sự thương tiếc của người dân cả nước với những người bị nạn và thân nhân của họ. 


Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam trong lễ truy điệu

Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng đọc điếu văn: "Hôm nay chúng  ta có mặt tại đây để tiễn đưa những kỹ sư, công nhân đã ra đi trong tai nạn xây dựng cầu Cần Thơ. Đây là mất mát vô cùng to lớn đối với gia đình người thân các nạn nhân, đồng thời cũng là nỗi đau chung của cán bộ kỹ sư thi công trên công trường ngành GTVT và nhân dân cả nước... Tai nạn khủng khiếp ấy đã cướp đi nhiều sinh mạng, làm bị thương nhiều người, gây thiệt hại lớn về tài sản vật chất. Từng giờ từng phút hàng triệu trái tim của đồng bào cả nước hướng về cầu Cần Thơ. Các anh không còn nữa. Cha mẹ các anh mất đi người con hiếu thảo. Con các anh mất đi người cha gầy đã đưa tấm lưng ra che chở đời con. Vợ anh mất đi người chồng thủy chung. Gia đình mất đi người anh người em siêng năng mẫu mực. Quê hương mất đi những người con tận tụy góp sức xây dựng đất nước. Các đồng nghiệp trên công trường mất đi những người bạn luôn chia sẻ mọi khó khăn. Từ đáy lòng mình tôi xin được gửi lời xin lỗi (đọc đến đây Bộ trưởng khóc - PV) đến toàn thể nhân dân, đến những người bị nạn và gia quyến. Tôi xin gửi lời chia buồn sâu sắc nhất đến những kỹ sư, công nhân chẳng may bị nạn. Chúng tôi ghi nhận đóng góp lớn lao của anh em trên công trường xây dựng cầu nối liền hai bờ sông Hậu (Bộ trưởng tiếp tục khóc - PV). Chúng tôi hứa với những người đã mất sẽ kết hợp chặt với các cơ quan của Nhật Bản bù đắp phần nào mất mát tổn thất của các nạn nhân và gia đình...". 


Người vợ khóc thương cho chồng tại lễ truy điệu ảnh: T.C.K

Đại diện nhà thầu chính TKN, ông Kanji Hayama nói: "...Cho phép tôi nói lời tiễn biệt tại lễ truy điệu này. Tự đáy lòng mình cho phép tôi được gửi lời xin lỗi tới vong linh của những người đã mất. Tôi xin cầu nguyện cho linh hồn những người đã khuất được yên nghỉ...". Đại diện gia đình những người bị nạn, em Nguyễn Thanh Loan đã nghẹn ngào: "...Là những nạn nhân chưa hết bàng hoàng đau đớn của sự cố quá bất ngờ. Đau thương quá lớn, chúng tôi không thể hình dung được những gì còn chờ đợi phía trước nhất là nỗi ám ảnh do thảm họa để lại...". 

Trong tiếng nhạc tiễn biệt bi thương, khói nhang trầm mặc, các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cán bộ các cấp và nhân dân tuần tự bước lên thắp nén nhang tiễn biệt những người đã khuất. Bát hương tiễn biệt này sẽ được đặt tại đây trong 3 ngày nữa cho mọi người đến viếng, sẻ chia.

Vẫn chưa tìm được những người còn mất tích

Hôm qua, 30.9, ngày thứ năm trong nỗ lực tìm kiếm những nạn nhân cuối cùng tại đống đổ nát bên bờ Bắc cầu Cần Thơ. Điều cầu nguyện còn lại của những người thân túc trực trước hiện trường là sự nguyên vẹn hình hài cho người xấu số. Một ngày oi bức trôi qua nhanh, bao nhiêu phương án tìm kiếm được thực thi, bao nhiêu sức người được vắt kiệt, máy móc hoạt động không ngừng, tất cả chỉ với một mục tiêu đưa ba công nhân Nguyễn Văn Hai, Trần Văn Hơn, Lê Hoàng Quốc Việt dù còn sống hay đã chết trở về cho kịp giờ truy điệu.  Khác với những ngày trước, buổi sáng của ngày thứ năm trôi qua với sự im lặng khác thường. Mọi người như không còn nước mắt để bật lên tiếng khóc.

Tất cả chờ đợi, tất cả dồn vào tiếng động của 3 chiếc cẩu và những chiếc xe đào đất, phá bê tông vừa được lệnh vào hiện trường. Hàng trăm người dân đến quan sát cũng đã đổ về phía chân cầu, nơi người ta loan tin rằng phương án đào khoét mới để tìm kiếm nạn nhân vừa được triển khai. Tuy nhiên, ngoài lực lượng tìm kiếm cứu hộ, ngay cả những nhà báo bám trụ hiện trường cũng không thể nào cận cảnh được do an ninh thắt chặt từ những ngày trước. Theo giải thích của người có trách nhiệm tại hiện trường, ngoài bảo vệ trật tự cho việc tìm kiếm cứu hộ còn để bảo vệ an toàn cho mọi người, bởi nguy cơ sụp đổ tiếp tục của khối bê tông tại hiện trường là một giả thuyết không loại trừ. 

Càng về chiều, có tiếng khóc phát ra từ khu vực thân nhân nạn nhân vì vô vọng. Đã 14 giờ, rồi 15 giờ, dòng người từ khắp nơi đã đổ về sân sau của khu vực dự án, nơi tổ chức buổi lễ truy điệu cho những người tử nạn. Nhiều thân nhân đã không ngồi yên được nữa, thỉnh thoảng họ lại bật dậy khi nhác thấy có người từ bên trong khu đổ nát đi ra "có tìm được không chú?", "có tìm được không anh?". Tất cả những câu hỏi đều được đáp lại bằng cái lắc đầu. Tội nghiệp vợ của nạn nhân Nguyễn Văn Hai, chị Nguyễn Thị Kim Sang, đã mang thai 6 tháng, nặng nề đi tới, đi lui trông ngóng tin chồng. Ánh mắt chị đã tối xầm từ 5 ngày trước. Chị không buồn ăn, không uống, người thân động viên chị phải ăn để nuôi đứa bé trong bụng, chị cầm hộp cơm tiếp tế rồi lại bỏ ngang. Em của anh Hai, chị Nguyễn Kim Thoa nói anh Hai rất hiền từ. Lúc cưới vợ ba má cho mảnh đất cất nhà, hằng ngày anh chạy xe ôm nhưng không đủ sống. Anh đăng ký đi xuất khẩu lao động ở Malaysia, chị đi may trong khu công nghiệp ở Sài Gòn với hy vọng có mớ vốn về để tạo lập, sinh con. Sau ba năm vợ chồng anh Hai lại về với nhau, anh đi xin vào công trình cầu Cần Thơ làm ở vị trí quét rác để giữ nguồn sinh kế, nhưng rồi anh đã ra đi khi chưa kịp đặt tên cho đứa con đầu lòng. Cạnh đó, Trần Thị Hiền, chị ruột của nạn nhân Trần Văn Hơn và nhiều người khác ngồi co ro hướng mắt về khu cứu nạn. Chị Hiền nói vợ của anh Hơn bỏ đi từ hơn một năm nay, để lại anh và đứa con, bé Trần Cẩm Tú mới 13 tuổi. Bé đang học lớp 5, được tin cha gặp nạn, bé đòi nghỉ học. Mọi người nói với bé rằng cha nó mới mất tích thôi, chưa chết. Cùng hoàn cảnh đó, anh Lê Hoàng Quốc Việt cũng ra đi để lại đứa con 6 tuổi và người vợ khờ không biết phải tiếp tục cuộc sống như thế nào. Lễ truy điệu cũng đã diễn ra, ba nạn nhân cuối cùng trong danh sách chưa kịp tìm thấy. 

Tiến Trình

Phá bê tông tìm kiếm nạn nhân mất tích

Người phát ngôn Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Công cho biết, tính đến 21 giờ đêm qua (30.9), 3 người mất tích vẫn chưa được tìm thấy. Lực lượng cứu hộ, cứu nạn tiếp tục làm việc dưới sự chỉ đạo của Thứ trưởng thường trực Bộ Bộ Giao thông Vận tải Ngô Thịnh Đức, với quyết tâm tìm được 3 thi thể còn lại. Công tác tìm kiếm ngày càng khó khăn, phức tạp và cấp bách hơn. Tại những vị trí dự đoán phía dưới có thi thể của 3 người còn mất tích là khối bê tông lớn quá dày và quá cứng, vì vậy phải sử dụng thiết bị nặng để phá dỡ. 

M.Vọng


Phải thay đổi nguyên tắc đàm phán ODA


Hiện trường cầu Cần Thơ sau thảm họa ảnh: T.C.K

Có một luật bất thành văn là hễ vay được vốn ODA của nước nào thì thường sau đó ta sẽ giao công trình cho đơn vị thi công và đơn vị giám sát thi công đến từ nước ấy. Và tập quán này tiềm tàng trong nó một nguy cơ mất an toàn, như mọi người trong nghề đều biết rõ. Cầu Cần Thơ sử dụng vốn ODA Nhật Bản thì các nhà thầu là Taisei - Kajima - Nippon Steel còn tư vấn giám sát là Nippon Koei - Chodai, toàn là những cái tên Nhật Bản cả. Những đơn vị liên danh thi công và giám sát thi công này đều rất quen thuộc nhau, mà trong cặp công việc thi công - giám sát thi công, hai chủ thể càng ít hữu hảo với nhau công việc sẽ càng hoàn hảo. Một yêu cầu cần đặt ra là từ nay khi đàm phán vay vốn ODA, dù có nhân nhượng đến đâu, chúng ta cũng cần giành cho được quyền chủ động chọn tư vấn giám sát, và không bao giờ nên chọn tư vấn giám sát từ nước cho vay vốn. Cũng như một người học viên dù có nổi tiếng giỏi giang và đức hạnh đến đâu, khi anh ta đi thi cũng vẫn cần phải nhờ những giáo viên lạ từ trường khác tới làm giám khảo để tránh cho anh khỏi những phút ngã lòng vậy.  

Chúng ta biết Nhật Bản là một cường quốc về công nghệ, không riêng gì công nghệ xây cầu. Nếu những nhà thầu Nhật Bản đều tuân thủ nghiêm ngặt quy trình thi công và quy trình giám sát thi công thì việc xây dựng an toàn một công trình cỡ cầu Cần Thơ đối với họ chỉ là chuyện nhỏ. Song tuân thủ nghiêm ngặt quy trình không phải là chuyện bao giờ cũng diễn ra, nếu những nguyên tắc giám sát không được bảo đảm chặt chẽ.

Trong việc xây cầu Cần Thơ ví thử chúng ta chọn tư vấn giám sát từ một nước Bắc Mỹ hay Tây u chẳng hạn, thì khả năng xuê xoa trong công tác kiểm tra do quen biết hay do hữu hảo với nhau, hẳn sẽ thấp hơn nhiều. Mà trong thi công, đôi khi đơn vị giám sát chỉ cương quyết một chuyện nhỏ cũng có thể tránh được thảm họa cho cả một công trình lớn.   Lâu nay ở ta công trình sử dụng vốn ODA nước nào thì khi đấu thầu thi công những đơn vị tham dự cũng chủ yếu chỉ gồm những tên tuổi đến từ nước ấy mà thôi. Vì nhiều lý do khác nhau, chỉ có những nhà thầu ở quốc gia cho vay mới có khả năng trúng thầu. Ta khó có thể thay đổi cái tập quán mạnh như một thứ luật quốc tế này trong một sớm một chiều. Tức là trước mắt vẫn phải chấp nhận đơn vị thi công sẽ được chọn trong số những nhà thầu từ quốc gia cho vay tới. Song điều hoàn toàn có thể thay đổi được, nhất là kể từ sự kiện cầu Cần Thơ, là ta phải thỏa thuận với bên cho vay rằng dứt khoát phía Việt Nam sẽ toàn quyền chọn đơn vị tư vấn giám sát, và nhất định sẽ chọn tư vấn giám sát từ một quốc gia khác chứ không dùng giám sát của quốc gia cho vay.

Chi phí tư vấn giám sát theo các chuyên gia chỉ chiếm một vài phần trăm tổng chi phí công trình. Bên cho vay không thể nào vì mất một vài phần trăm doanh số vào tay doanh nghiệp nước khác mà lại đàm phán căng thẳng với bên đi vay được, và nếu họ có căng thẳng chuyện này ta hoàn toàn có thể đặt ra câu hỏi liệu bên cho vay đòi thế có phải để giúp cho thi công và giám sát sau này dễ bề nương nhẹ nhau chăng.

Mấy ngày nay một số người bạn Nhật Bản ngoài ngành xây dựng đang sống ở Việt Nam tâm sự rằng thảm họa cầu Cần Thơ làm cho họ rất xấu hổ, rằng nhân dân Nhật cũng cảm thấy uy tín công nghệ của đất nước mình trước thế giới bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ sự kiện này. Hôm 29.9 khi họp báo cùng Bộ trưởng Giao thông Vận tải, ông Kanji Hayama Chủ tịch Taisei, đại diện liên doanh nhà thầu cũng tỏ ra xấu hổ và vô cùng ân hận khi rập đầu tạ lỗi theo đúng truyền thống Nhật Bản.

Còn các nhà đàm phán ODA Việt Nam thì nhân dân mong đợi sẽ mở ra được một bước ngoặt mới trong đàm phán vay vốn ODA, kể từ nay. Và cần nhớ, vốn ODA cho đầu tư phát triển, dù có ưu đãi và có ân hạn, nhưng là vốn vay, chúng ta và con cháu chúng ta vẫn phải trả nợ đàng hoàng. 

Hải Văn


Nếu bỏ qua lời cảnh báo, chủ đầu tư phạm tội gì ?

Một số phương tiện thông tin đại chúng đưa tin, trước khi thảm họa cầu Cần Thơ xảy ra, kỹ sư Hiroshi Kudo, người Nhật Bản (làm tư vấn giám sát cho Nippon Koei) đã gửi thư cho người có trách nhiệm phụ trách dự án xây dựng cầu Cần Thơ, cảnh báo hệ thống đà giáo chỉ đạt 15% của hệ số an toàn, yêu cầu thiết kế lại trụ tạm cho dầm nhịp chính, tuy nhiên lời cảnh báo trên đã bị bỏ qua. Chưa có xác nhận về bức thư này. Tuy nhiên, nếu bức thư đã được gửi và người nhận đã nhận được bức thư, thì trách nhiệm của chủ đầu tư (Ban quản lý dự án Mỹ Thuận là đại diện) về việc này như thế nào? Thanh Niên có cuộc trao đổi với ông Đào Xuân Lâm, Phó chủ tịch (phụ trách khoa học công nghệ) Hiệp hội Kỹ thuật cầu đường  Việt Nam.

* Trong trường hợp kỹ sư làm tư vấn phát hiện thấy sai sót trong thiết kế, thi công và phản ánh với chủ đầu tư thì chủ đầu tư phải làm gì?

- Khi người ta phản ánh bằng văn bản thì phải xem xét. Nếu đúng thì phải chấp nhận, còn thấy không đúng thì phải có văn bản trả lời, trong đó phải nói rõ lý do vì sao tôi không chấp nhận. Người chịu trách nhiệm cuối cùng là chủ đầu tư. Chủ đầu tư phải xem xét ý kiến của tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát và cả ý kiến của nhà thầu để ký duyệt. Nếu đã báo cáo mà anh không xem xét, giải quyết thì sau này có chuyện gì xảy ra, anh phải chịu trách nhiệm.

* Kỹ sư làm tư vấn đưa ra hệ số an toàn của hệ thống đà giáo chỉ đạt 15%, như vậy là quá thấp?

- Hệ số an toàn chưa đến 1 (15% là 0,15) là quá thấp. Trước kia, khi thiết kế cầu chính, hệ số an toàn phải là 2,5; gần đây theo thông lệ quốc tế thì hệ số này là 3,5. Cầu tạm, hệ số an toàn ít nhất phải là 1,5 hoặc 2.

* Trường hợp nếu đã cảnh báo nhưng BQL dự án Mỹ Thuận bỏ qua thì sao?

- Thì đi tù chứ còn gì nữa, cái đó thì rõ rồi. Tùy theo mức độ thiệt hại thì xử lý như thế nào, và chết người thì càng khác. Tất cả đã quy định trong luật.

* Hệ số an toàn quá thấp như thế, với đội ngũ kỹ sư của mình, trong trường hợp kỹ sư Nhật Bản không phản ánh, liệu BQL dự án Mỹ Thuận có biết được điều này ?

- Nếu chủ đầu tư giỏi thì tư vấn không báo cáo, người ta cũng biết. Nhưng chủ đầu tư của ta bây giờ, nhiều người nếu không báo cáo thì chẳng biết được.

* Có ý kiến cho rằng sự cố sập cầu có nguyên nhân từ việc bỏ qua khâu thử tải. Thử tải có tốn kém?

- Mình tính là một chuyện, còn dưới đất nó là mênh mông lắm. Hai cọc cạnh nhau, một cái chịu rất tốt, một cái lại không chịu được. Vì thế nên phải thử tải. Thử tải thì có quy định chuẩn rồi. Thử tải bao giờ cũng tốn kém nhưng khi anh đưa lên thì chủ đầu tư phải duyệt. Còn nếu anh nào quyết định không thử tải thì anh đó chịu trách nhiệm.

Xuân Toàn (thực hiện)


Phó thủ tướng Trương Vĩnh Trọng: "Thuốc đắt cách mấy cũng phải mua để cứu bệnh nhân"

Sau khi đến hiện trường thị sát và thăm hỏi các lực lượng đang có mặt ở khu vực đổ sập của đường dẫn cầu Cần Thơ, trưa 30.9, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng Chính phủ Trương Vĩnh Trọng đã đến thăm các bệnh nhân đang điều trị ở Cần Thơ. Cùng đi với Phó thủ tướng có Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Võ Thanh Tòng, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Vĩnh Long Phan Đức Hưởng. Tại Bệnh viện 121 (QK9), AHLLVT, đại tá bác sĩ Trần Thanh Quang, Giám đốc bệnh viện đã hướng dẫn Phó thủ tướng đến tận các giường bệnh của khoa Gây mê hồi sức thăm hỏi (ảnh) trao quà cho 11 bệnh nhân. Phó thủ tướng xúc động nói: "Các đồng chí thầy thuốc tại bệnh viện phải làm mọi cách để cứu sống cho được các nạn nhân. Thuốc đắt cách mấy cũng phải mua. Huy động tối đa các trang thiết bị tốt nhất. Tôi rất hoan nghênh tinh thần cứu hộ cứu nạn của các đồng chí trong những ngày qua. Chúc các đồng chí sức khỏe để tiếp tục công tác điều trị. Chiều nay, Bộ trưởng Bộ Y tế sẽ có mặt tại Cần Thơ trực tiếp chỉ đạo công tác cứu chữa". 

Tin, ảnh: Quang Minh Nhật

Đã có cơ sở để khởi tố  vụ án chưa và với  bao nhiêu tội danh ?

Có thể khởi tố ít nhất về 3 tội danh !

"Sớm muộn thì Cơ quan điều tra cũng phải khởi tố vụ án. Còn khởi tố về tội danh gì và khởi tố bị can đối với những ai sẽ được xem xét sau. Dù vậy, vụ sập cầu này ít nhất cũng đã có dấu hiệu của tội "Vi phạm các quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng". Còn sau đó sẽ làm rõ hành vi sai phạm trong việc đấu thầu, thiết kế... Hậu quả của vụ việc thì quá lớn và đã quá rõ, cả về vật chất lẫn con người. Vì vậy, không thể không xem xét đến hành vi "Cố ý làm trái..." và "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng". Theo tôi trước mắt cần điều tra làm rõ 3 hành vi đó".

(Luật sư Lưu Văn Tám - Trưởng Văn phòng  Luật sư Thái Hà)

Đã đủ cơ sở để khởi tố vụ án !

"Về mặt nguyên tắc, khi xảy ra một sự cố thì cơ quan điều tra phải vào cuộc. Vụ sập cầu Cần Thơ hậu quả xảy ra là đặc biệt nghiêm trọng, trong đó có 5, 6 bên liên quan bao gồm: thi công, thiết kế, giám sát thi công, đơn vị khảo sát, những người có liên quan đến việc cung cấp các vật tư... 

Về mặt dân sự, nhà thầu phải chịu trách nhiệm chính, còn về hình sự thì cần xem xét có hành vi làm trái hay không, có tuân thủ các quy trình về xây dựng hay không, có đảm bảo các thiết kế không. Nếu những người này có làm nhưng không đảm bảo thì cũng có thể xem xét khởi tố. Cũng có thể những người liên quan có hành vi làm trái gây hậu quả nghiêm trọng. Trong quá trình điều tra, nếu phát hiện thêm những tình tiết mới thì Cơ quan điều tra có thể thay đổi tội danh. Tất nhiên, trong một vụ việc có hậu quả đặc biệt nghiêm trọng như thế thì Cơ quan điều tra phải vào cuộc từ đầu. Theo thông tin ban đầu, riêng trụ B14 hiện bị nghiêng 0,8m thì cần phải làm rõ do nguyên nhân gì. Cần đi sâu vào tình tiết  này nhất. Vậy thì trụ B14 này đã bị nghiêng do các giàn sắt kéo hay đã bị nghiêng ngay từ trước. Tất nhiên, vấn đề này cần kết luận của nhà chuyên môn.  Theo quan điểm cá nhân tôi, bây giờ đã đủ cơ sở để khởi tố vụ án để có căn cứ điều tra". 

(Luật sư Lê Hồng Nguyên - Trưởng Văn phòng  Luật sư  Lê Hồng Nguyên)
Minh Thuận (ghi)

Quang Minh Nhật

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.