Không thể kêu thiếu điện mãi

01/11/2010 12:08 GMT+7

(TNO) Trong phiên họp sáng nay (1.11), kỳ họp thứ 8, Quốc hội (QH) khóa XII, nhiều đại biểu (ĐB) đề nghị làm rõ trách nhiệm của Chính phủ trong vụ việc Vinashin. Bên cạnh đó, nhiều ĐB cũng góp nhiều ý kiến về việc chống thiếu điện.

Cần phải xây dựng lại một mô hình Vinashin mới

Theo ĐB Nguyễn Minh Thuyết (tỉnh Lạng Sơn), số tiền thua lỗ của Vinashin đang trút gánh nặng lên mỗi người dân VN. “Đối với đồng bào nhiều nơi thì trả món nợ này (món nợ của Vinashin) tức là chậm làm đường, xây cầu, làm trường học và nhiều dự án dân sinh khác...", ông Thuyết nói.

Vinashin được coi là "con cưng" của nền kinh tế, nhưng vụ “vỡ nợ” trên thì thử hỏi vai trò đầu tàu của tập đoàn nhà nước ở đâu? Đó là những câu hỏi lớn nhiều ĐB đặt ra trong phiên họp.

Về vụ Vinashin, ĐB Huỳnh Ngọc Đáng nhận định: “Đây là một điển hình trong quản lý, sản xuất kinh doanh yếu kém của tập đoàn kinh tế Nhà nước... Việc giải quyết hậu quả của Vinashin không chỉ là tái cơ cấu, bổ nhiệm các vị trí, trả nợ... mà quan trọng hơn là cần phải xây dựng lại một mô hình Vinashin mới, điển hình cho cơ chế quản lý và hoạt động mới của doanh nghiệp Nhà nước”.

Thiếu điện gây ảnh hưởng đến đời sống

Bên cạnh đó, hoạt động, năng lực cung cấp điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng là vấn đề được nhiều ĐB đặt ra.

ĐB Bùi Văn Tĩnh (tỉnh Hòa Bình) nhấn mạnh: “Việc thiếu điện vẫn tiếp tục diễn ra gây ảnh hưởng đến đời sống, sự phát triển kinh tế, xã hội”.

“Thiếu điện đang là nỗi bức xúc trong dư luận. Điện còn là chỉ số hài lòng của người dân đối với Chính phủ. Vì chúng ta không thể nói đến chuyện phát triển kinh tế, xã hội nếu không có nguồn điện ổn định”, ĐB Huỳnh Ngọc Đáng nêu ý kiến.

Nợ công tiệm cận mức nguy hiểm

ĐB Vũ Quang Hải (tỉnh Hưng Yên): Nợ công của VN đang ở mức tiếp cận đến vấn đề không an toàn. Các khoản nợ của các dự án không tạo ra giá trị gia tăng còn khá nhiều. Nhiều doanh nghiệp nhà nước vay làm dự án nhưng đem lại lợi nhuận rất thấp hoặc thua lỗ. Vinashin là một ví dụ điển hình. Đề nghị Chính phủ phải đặt quản lý nợ công vào sự quản lý và kiểm soát chặt chẽ.

ĐB Huỳnh Nghĩa (TP Đà Nẵng): Bội chi ngân sách tương đối cao làm nợ công tăng theo buộc chúng ta phải huy động một mức cao trong ngân sách để trả nợ công, làm ảnh hưởng đến an ninh tài chính quốc gia. Hiện nay, mỗi năm, chúng ta phải chi 14-16% ngân sách nhà nước để trả nợ công.

Chính phủ cần kiểm soát chặt chẽ nợ công, vốn vay ODA cũng như nguồn vốn từ trái phiếu chính phủ. Bên cạnh đó, Chính phủ cần xác định đúng mức độ tăng trưởng GDP, không nên chạy theo mục tiêu tăng trưởng GDP quá cao mà cần tập trung ưu tiên kiềm chế lạm phát. Chính phủ phải có trách nhiệm với mỗi đồng tiền thuế nhân dân đóng góp.

Chính vì thế, ĐB Đáng đề nghị: "Đã có quá nhiều nguyên nhân giải thích cho việc thiếu điện được Tập đoàn Điện lực Việt Nam đưa ra. Cử tri không muốn nghe nữa mà hãy làm đi (nâng cao năng lực cung cấp điện) cho dân nhờ".

Trả lời các ĐB về hướng phát triển, nâng cao năng lực cung ứng điện, ông Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Bộ Công thương cho rằng: Những dự báo về nhu cầu tiêu thụ điện là đúng nhưng trên thực tế ta huy động sản xuất, cung ứng điện còn trễ. Có nhiều lý do dẫn đến tình trạng này nhưng quan trọng nhất là thiếu vốn.

Trước tình hình đó, Chính phủ đã có chỉ đạo một số giải pháp quyết liệt như: đẩy mạnh tiến độ xây dựng các công trình sản xuất, cung ứng điện; đưa các công trình nhiệt điện (Hải Phòng, Quảng Ninh, Cẩm Phả) vào hoạt động ổn định trong cuối năm 2010, chậm nhất là đầu năm 2011; xây dựng phương án chủ động điện trong mọi tình huống nhằm đảm bảo nhu cầu điện cho sản xuất thiết yếu và đời sống nhân dân; tiếp tục xây dựng đề án điều chỉnh giá điện theo cơ chế giá thị trường và trên nguyên tắc những hộ nghèo, khó khăn thì sẽ có hỗ trợ của Nhà nước; vận động người dân tiết kiệm điện.

Cũng trong sáng nay, nhiều vấn đề như: giá cả tăng, ô nhiễm môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, kinh tế nông thôn, nhập siêu, bội chi ngân sách và các chỉ số phát triển kinh tế, xã hội... cũng được các ĐB QH bàn thảo.


Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng giải trình trước QH về năng lực cung ứng điện - Ảnh: Ngọc Thắng

Vào chiều nay (1.11), QH sẽ tiếp tục thảo luận về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2010 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2011.

Nguyên Mi - Trí Quang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.