Lập trường đại học, cần những gì ?

30/10/2007 23:18 GMT+7

Hội thảo "Điều kiện và thủ tục thành lập trường đại học" do Bộ Giáo dục - Đào tạo vừa tổ chức được các đại biểu tranh luận sôi nổi.

30 tỉ, có đủ để lập trường?

Dự thảo về điều kiện và thủ tục thành lập trường đại học quy định: vốn điều lệ khi thành lập trường tối thiểu là 30 tỉ đồng.

 Một số đại biểu cho rằng quy định số vốn như vậy là thấp. Ông Bùi Thiện Nhiên, đại biểu Bộ NN  PTNN nói: "Hiện nay, muốn thành lập một thư viện đã cần tới hơn 100 tỉ đồng rồi, vậy chỉ có 30 tỉ đồng thì không thể thành lập trường ra trường được. Chúng ta còn nhiều trường "lem nhem" quá, nếu ít tiền thì thôi, không nên thành lập trường nữa". Bà Nguyễn Thị Kim Loan - Phó chủ tịch tỉnh Hưng Yên cũng đồng tình: "Với quy định diện tích tối thiểu khi xây trường phải là 20 ha thì nếu tính giá đấát đền bù ở mức trung bình đã hết 14 tỉ. Số còn lại chỉ đủ xây dựng phòng học cho khoảng 900 sinh viên. Vậy lấy đâu ra để xây các hạng mục khác?"...

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Việt Hồng - đại biểu Bộ Tài chính, quy định như vậy là hợp lý vì nước ta còn nghèo, ngân sách ít. 30 tỉ đồng đối với những trường mở ít ngành là có thể được. Cũng có ý kiến đồng tình cho rằng con số 30 tỉ đồng thực chất chỉ là một định lượng đảm bảo cho việc thiết lập cơ sở hạ tầng tối thiểu. Cần xác định cơ sở hạ tầng có phù hợp quy mô và kế hoạch đào tạo hay không trước khi được cấp phép thành lập mới là quan trọng, bởi vì không nhất thiết mọi trường ĐH đều phải xây mới, mà vẫn có thể thuê mướn mặt bằng. Chất lượng đào tạo của một trường không chỉ do trường "giàu" hay "nghèo" quyết  định.

Độåi ngũ giảng viên cơ hữu bao nhiêu?

Theo quy định của dự thảo thì số giảng viên cơ hữu phải đảm nhận tối thiểu khối lượng 60% chương trình của mỗi ngành nghề, đào tạo (phải có 60% là giảng viên cơ hữu - PV) nhưng có một số ý kiến lại muốn "kéo" thấp tỷ lệ này xuống. Đại biểu Bùi Thiện Nhiên đưa ra lý do: nhiều trường có những ngành học gần giống nhau nên có thể sử dụng chung những giảng viên có chất lượng. Ông Nguyễn Ngọc Châu - Ban sáng lập trường Đại học dân lập Đại Nam cũng cho rằng ở nhiều trường dân lập, đội ngũ giảng viên cơ hữu cũng chỉ chiếm 50% nhưng hàng chục năm nay vẫn đào tạo hàng ngàn sinh viên mỗi năm. 

Không đồng ý với những quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Việt Hồng (Bộ Tài chính) đưa ra ý kiến: việc tận dụng giáo viên thỉnh giảng là tốt nhưng ngoài việc giảng dạy, giáo viên còn phải dành thời gian nghiên cứu. Nếu nhà trường không đủ đội ngũ giảng viên cơ hữu thì không thể đảm bảo chất lượng được. Cùng ý kiến, Phó hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế quốc dân Phan Công Nghĩa cho biết: trường có đội ngũ giảng viên cơ hữu thấp sẽ rất bị động trong tổ chức giảng dạy mà như vậy thì sẽ khó đảm bảo chất lượng.   

Bớt "rườm rà" thủ tục

Một vấn đề khác cũng được các đại biểu thảo luận sôi nổi là việc đơn giản các điều kiện và thủ tục thành lập. Ông Phan Quang Trung - Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng: việc tạo thuận lợi để mở trường đại học là cần thiết vì nhu cầu nguồn nhân lực rất lớn, nếu không có trường thì học sinh sẽ đi du học nước ngoài. Cũng theo ông Trung, không nhất thiết phải quy định có ít nhất là 3 ngành đào tạo vì trên thế giới, có những trường chỉ đào tạo 1 ngành cũng trở thành trường nổi tiếng! Đặc biệt, ông nhấn mạnh: "Các thủ tục cần bớt "rườm rà" đi, không nhất thiết cái gì cũng phải trình Thủ tướng quyết định vì Chính phủ đã phân cấp cho Bộ là "tổng chỉ huy" các công việc của ngành rồi. Nếu lĩnh vực nào Bộ quyết định được thì không có lý do gì phải "đẩy" lên Thủ tướng vì như thế chỉ mang tính hình thức!".

Ngoài ra, nhiều đại biểu cũng kiến nghị: việc quy định thành lập trường nên đơn giản hóa thì mới khuyến khích được đầu tư. Tuy nhiên, cần phân ra hai bước: Thứ nhất là quá trình chuẩn bị đề án, hồ sơ... để Thủ tướng sẽ ra quyết định thành lập. Sau đó, các trường phải chuẩn bị đủ điều kiện như: đội ngũ giảng viên, chương trình... và Bộ Giáo dục - Đào tạo sẽ ra quyết định cho phép hoạt động.         

Vũ Thơ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.