Duyên Dáng Việt Nam

15/12/2005 16:35 GMT+7

Nhằm tạo nguồn kinh phí để duy trì Quỹ học bổng Nguyễn Thái Bình đồng thời thổi một luồng sinh khí mới cho hoạt động sân khấu ca nhạc đang bị chững lại lúc bấy giờ (giữa năm 1994) bằng việc xây dựng một chương trình ca nhạc thời trang quy mô, hoành tráng, hiện đại mà vẫn mang đậm bản sắc dân tộc. Một chương trình tôn vinh nét duyên dáng của âm nhạc Việt Nam, của vẻ đẹp Việt Nam, và đặc biệt là của tà áo dài Việt Nam. Chủ đề Duyên Dáng Việt Nam đã ra đời từ ý tưởng này.

Ấn tượng từ một thương hiệu, một nét duyên

Bên cạnh công việc chuyên môn của một tờ báo, báo Thanh Niên còn có nhiều hoạt động mang tính xã hội cao. Một trong những chương trình ra đời sớm nhất, hoạt động liên tục và có hiệu quả tích cực đối với xã hội chính là quỹ học bổng mang tên liệt sĩ Nguyễn Thái Bình. Thông qua các suất học bổng, Quỹ học bổng Nguyễn Thái Bình đã giúp đỡ thiết thực cho các sinh viên hiếu học, có hoàn cảnh khó khăn, góp phần động viên, hỗ trợ những người trẻ tuổi sẽ trở thành những người chủ đất nước trong tương lai.

Được chính thức thành lập từ năm học 1990-1991, Quỹ Học bổng Nguyễn Thái Bình trong hai năm đầu đã trao tặng cho 40 học sinh - sinh viên nghèo, học giỏi ở một số tỉnh, thành, mỗi suất 270.000 đồng/năm học. Sang năm học 1992-1993, số suất học bổng tăng gấp 3 lần so với năm trước, mỗi suất cũng nâng lên 450.000 đồng/năm học. Đến năm học 1993-1994, Học bổng Nguyễn Thái Bình mở rộng qui mô ra cả nước, tất cả các tỉnh, thành phố đều có học sinh, sinh viên nghèo được cấp học bổng, nâng số suất lên đến con số 160 và trị giá mỗi suất cũng nâng lên 900.000 đồng/năm học. Sang năm học tiếp theo, có 247 học sinh, sinh viên nghèo nhận được suất học bổng 1.000.000 đồng/năm. Và cũng từ năm 1994, Quỹ Học bổng Nguyễn Thái Bình trở thành một chương trình nằm trong Quỹ Bảo trợ Tài năng Trẻ Việt Nam do Trung Ương Đoàn điều hành và Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt làm Chủ tịch danh dự.

Đến lúc đó, Quỹ học bổng Nguyễn Thái Bình chẳng thể tiếp tục được duy trì chỉ bằng các nguồn tài trợ của một số đơn vị công ty, xí nghiệp, các bạn đọc và các nhà hảo tâm trong và ngoài nước như thời gian đầu. Phải có một nguồn kinh phí khác, mà nguồn kinh phí đó lại phải đáp ứng cùng lúc hai yêu cầu: lớn, ổn định và thường xuyên.

Giữa năm 1994, Báo Thanh Niên tìm được đáp án cho câu hỏi hóc búa này: thực hiện một chương trình biểu diễn ca nhạc thời trang, bán vé, để gây quỹ cho Học bổng Nguyễn Thái Bình. Và bên cạnh mục đích gây quỹ học bổng, Báo Thanh Niên còn muốn thổi một luồng sinh khí mới cho hoạt động sân khấu ca nhạc đang bị chững lại lúc bấy giờ bằng việc xây dựng một chương trình ca nhạc thời trang quy mô, hoành tráng, hiện đại mà vẫn mang đậm bản sắc dân tộc. Một chương trình tôn vinh nét duyên dáng của âm nhạc Việt Nam, của vẻ đẹp Việt Nam, và đặc biệt là của tà áo dài Việt Nam. Chủ đề Duyên Dáng Việt Nam đã ra đời từ ý tưởng này.

Anh Nguyễn Công Khế, Tổng Biên tập báo Thanh Niên, tin tưởng vào sức sáng tạo của nhạc sĩ Việt Nam: “Nhạc của chúng ta bắt đầu đi vào đời sống thường ngày: tình yêu, bè bạn, sự tan hợp, nỗi bất hạnh và hạnh phúc của mọi con người; và qua đó cũng nói lên một khía cạnh khác: các nhạc sĩ Việt Nam không chỉ sáng tác hay về đề tài chiến đấu, mà cả trong đề tài muôn thuở vốn không dễ dàng là đề tài tình yêu”.

Thế là cả tòa soạn lao vào thực hiện kế hoạch vừa lớn vừa đầy tham vọng này với tất cả sự hăm hở và tự tin thành công, bởi lẽ, đây là lần đầu tiên báo Thanh Niên nói riêng, và báo chí nói chung, đứng ra tổ chức một chương trình ca nhạc bán vé. Với tiêu chí xây dựng một chương trình hay nhất, đặc sắc nhất, Ban Văn hóa Nghệ thuật lên danh sách những đạo diễn giỏi nhất, ca sĩ nổi tiếng nhất, những người mẫu đẹp nhất.

Và khi vào trận rồi thì bao nhiêu vấn đề xuất hiện. Đạo diễn Tất My Loan đã được chọn. Và đạo diễn Tất My Loan cùng ê kíp thực hiện đã không phụ lòng tin tưởng và sự đầu tư của báo Thanh Niên.

Hai đêm diễn 30 và 31/5 tại sân khấu Nhà hát Hòa Bình gặt hái thành công vang dội, để lại những dư âm thật ngọt ngào. Tà áo dài Việt Nam được thực sự tôn vinh trong các chương trình DDVN, và đặc biệt tạo được ấn tượng mạnh ngay từ tiết mục mở màn của chương trình đầu tiên, khi 40 thiếu nữ trong tà áo dài trắng tinh khiết bước ra sân khấu... Cảm xúc ngọt ngào, bay bổng khi được chiêm ngưỡng nét đẹp trữ tình, huyền ảo mà hết sức thuần khiết, trong trắng ấy đọng lại mãi trong lòng người xem. Vị ngọt ấy dường như còn kéo dài hơn cả cảm giác choáng ngợp trước một chương trình nghệ thuật hoành tráng, với sự tham dự của hơn 100 nam nữ nghệ sĩ, diễn viên, hoa hậu, người mẫu hàng đầu.

Vâng, chương trình DDVN đầu tiên đó đã là đáp án cho rất nhiều vấn đề được đặt ra vào thời điểm đó. Từ làm thế nào để có một nguồn quỹ dồi dào cho Học bổng Nguyễn Thái Bình, đến việc xây dựng những chương trình ca nhạc sinh động, hấp dẫn, có chủ đề, cũng như tạo sân chơi cho hoạt động thời trang và biểu diễn thời trang lúc đó hãy mới có những bước đầu tiên dè dặt...

Sân chơi thênh thang của các đạo diễn

Mỗi chương trình DDVN đều được công chúng đánh giá rất cao và nhiệt tình chờ đón, vì thế Ban tổ chức luôn phải chịu một sức ép về trách nhiệm đối với khán giả: phải làm sao cho chương trình luôn mới, đồng thời vẫn tạo được ấn tượng về sức hấp dẫn, sáng tạo, phong phú... một cách nghiêm túc và có chiều sâu.

Ông Nguyễn Công Khế, Tổng Biên tập báo Thanh Niên, Trưởng Ban tổ chức, Giám đốc sản xuất chương trình DDVN: "Không chỉ là tờ báo đầu tiên đứng ra tổ chức một chương trình ca múa nhạc, báo Thanh Niên còn làm bước khởi đầu cho một sân khấu thời trang ca múa nhạc hoàn thiện, có ý tưởng xuyên suốt, với những chương trình được đầu tư, dàn dựng hoành tráng, chặt chẽ và mang nhiều nét mới lạ... Một quyết định mạo hiểm, nhưng đã gặt hái thành công rực rỡ".

Có lẽ cái máu liều lĩnh, mạo hiểm ấy của báo Thanh Niên cũng đã lây sang các đạo diễn. Từ Tất My Loan, đến Đoàn Khoa, rồi Huỳnh Phúc Điền, đạo diễn nào cũng quyết tâm chọn một phong cách thể hiện mới cho DDVN, dẫu biết rằng sẽ rất vất vả, khó khăn, thay vì đi theo lối cũ với độ an toàn cao. Tuy nhiên, sự mạo hiểm này lại được xếp vào loại mạo hiểm... an toàn, như nhận xét của đạo diễn Tất My Loan: “Có thể có người muốn đi theo đường mòn để có được chương trình chắc ăn, nhưng khán giả lại không chấp nhận con đường mòn. Vì vậy phải mạo hiểm. Mạo hiểm của chương trình DDVN là một loại... mạo hiểm được sự bảo hiểm rất chắc chắn, bởi vì những người chịu trách nhiệm về chương trình này và cả gần 100 diễn viên cùng những người thực hiện đều rất chuyên nghiệp. Đó là yếu tố để các chương trình dù được tổ chức ở TP.HCM hay Hà Nội cũng đều rất thành công”.

Dẫu mỗi đạo diễn đều có thế mạnh riêng, như Tất My Loan sôi động, trẻ trung, sáng tạo với những điểm nhấn cực kỳ bất ngờ, Đoàn Khoa lãng mạn, trữ tình, cộng một chút lắng đọng, trầm tư, hay Huỳnh Phúc Điền với những ý tưởng mới lạ độc đáo; thì tất cả khi nhận lời thực hiện DDVN, đều luôn nỗ lực tìm tòi để vượt lên chính mình ở những chương trình trước...

Sau những tà áo trắng trinh nguyên ở DDVN 1, đạo diễn Tất My Loan lại khiến người xem xúc động khi mở màn DDVN 2 bằng những thước phim tái hiện cảnh từng loạt bom thả xuống đất nước Việt Nam từ những chiến đấu cơ của Mỹ, cảnh sinh viên học sinh xuống đường đấu tranh ở các thành thị miền Nam, giành tự do độc lập vào những năm 1970... Chương trình DDVN 2 tiếp tục thành công, nhận được nhiều lời chúc mừng, động viên.
Luật sư Nguyễn Hữu Liêm, ông Đỗ Văn Trọng, Giám đốc Đài truyền hình Viên Thao ở Mỹ về, khi xem xong đã nhận xét: “Ở Mỹ, trong cộng đồng người Việt, khó có một chương trình nào được tổ chức như  DDVN của báo Thanh Niên. Đó là chưa nói đến sự tham gia đông đảo của nhiều nghệ sĩ, người đẹp, diễn viên”. Còn đạo diễn Việt Cường (Đài Truyền hình TP.HCM) cho biết, nhóm làm phim của hãng Truyền hình Nhật NHK đã nhận xét  rằng: “Ở Nhật, rất ít có những chương trình như DDVN, nhất là chương trình ấy chỉ do một đơn vị thực hiện. Muốn làm được thì phải có sự tài trợ của chính phủ, một năm cũng chỉ một, hai lần”. Và năm đó, NHK đã xin phép quay chương trình DDVN 2 để làm tài liệu.

Sau chương trình DDVN 3 chinh phục khán giả Hà Nội, Tất My Loan tiếp tục đầu tư cho DDVN 4, chủ đề Tình ca Việt Nam, trên sân khấu quay độc đáo của Nhà hát Hòa Bình TP.HCM chưa từng được khai thác. Tâm sự của Tất My Loan trong những ngày tất bật đầu tháng 10/1996: “Đã từng thực hiện các chương trình DDVN của báo Thanh Niên trong mấy năm qua, điều rất mừng mà tôi muốn nói là lực lượng thực hiện chương trình khi bắt đầu DDVN 1 còn rất trẻ và đến giờ thì tất cả đã trưởng thành, thực sự đóng góp cho công việc đạo diễn của rất nhiều. Hầu hết các khâu kỹ thuật, biên đạo, trợ lý đạo diễn, thiết kế sân khấu, dàn nhạc, phối âm, hậu đài... đều đã hoàn toàn chủ động trong công việc của mình”. Dẫu rất tự tin như vậy, Tất My Loan vẫn quyết định tạm chia tay DDVN sau chương trình này.

Đạo diễn Đoàn Khoa đã rất cân nhắc trước khi nhận lời tham gia DDVN 5: “Những thành công mà các chương trình DDVN trước đây đạt được đã khẳng định tầm vóc, chất lượng nghệ thuật của nó. Điều đó, một mặt khiến tôi rất đỗi xúc động và tự hào khi được tham gia dàn dựng chương trình kế tiếp này, mặt khác nó cũng làm cho tôi lo lắng không ít”. Và Đoàn Khoa đã mang đến cho DDVN 5 không khí lãng mạn và trữ tình quen thuộc nơi anh. Nếu ở DDVN 5, chất lãng mạn và trữ tình của Đoàn Khoa còn rất mộc mạc, chân chất thì đến DDVN 6,  làng quê của Đoàn Khoa đã chói lòa rực rỡ hơn với tràn ngập hoa quỳ vàng, với những người đẹp Việt Nam chân trần, thể hiện nét đẹp văn hóa Việt Nam qua các bộ sưu tập áo dài, hay những bài hát về tình yêu quê hương...

Sau nét trẻ trung, sinh động mà đạo diễn Dương Thảo mang đến cho DDVN 7, DDVN 8 đánh dấu lần đầu tiên tham gia chương trình của đạo diễn Huỳnh Phúc Điền, thời điểm đó đã gặt hái được tiếng vang trong lĩnh vực video ca nhạc. DDVN 8 thơ mộng, trữ tình và được điểm xuyết bằng những tiết mục ấn tượng và hiếm có. Tam ca 3A đã dày công tập luyện kỹ thuật nhảy claquettes nhuần nhuyễn trong ca khúc Cây đa quán dốc. Tiết mục 3 trong 1 với ba nhóm Tam ca 3A, Tam ca Con Gái và Tam ca Áo Trắng trong ca khúc Như mây xuống phố. Thật mới lạ là nốt nhạc vui rất ngẫu nhiên của nhóm Ngẫu Nhiên tập hợp những người mẫu thời trang Trương Ngọc Ánh, Mỹ Uyên, Kim Chi, Minh Anh, cộng thêm sự xuất hiện của bảy cầu thủ U.21 trong phần trình diễn thời trang thể thao. Từ đó, Huỳnh Phúc Điền gắn bó với DDVN, chỉ trừ DDVN 11 (đạo diễn Anh Khanh) và DDVN 14 (Đinh Anh Dũng).

Không chỉ các ngôi sao trên sân khấu trưởng thành qua từng chương trình, mà cả ê kíp thực hiện cũng trưởng thành lên nhiều. DDVN luôn là nơi các đạo diễn thực hiện những ý tưởng mới lạ của mình: từ tận dụng chức năng sân khấu quay của Nhà hát Hòa Bình, đến việc đưa cả hồ nước, mưa và lửa vào chương trình DDVN tổ chức tại sân Lan Anh... Dẫu bị giới hạn về mặt tài chính do phải đảm bảo mục tiêu của chương trình là gây quỹ học bổng, nhưng các đạo diễn vẫn khéo “xoay xở” để có thể luôn mang lại những mới lạ, độc đáo cho DDVN...

Từ chủ đề của chương trình, đến thiết kế sân khấu, âm thanh, ánh sáng, cho đến phần hóa trang, tạo mẫu tóc... tất cả như một sân chơi hấp dẫn, đến mức những công ty chuyên trách về âm thanh, ánh sáng cũng rất sẵn sàng đầu tư kỹ thuật, nhập máy móc từ nước ngoài để đáp ứng tốt nhất yêu cầu của đạo diễn, mà âm thanh ánh sáng cho các chương trình DDVN luôn đòi hỏi gấp đôi, gấp ba những hoạt động ca nhạc khác.

Các họa sĩ cũng xem việc thiết kế sân khấu cho các chương trình DDVN là thách thức thú vị về mặt nghề nghiệp. Họa sĩ Trọng Dũng gắn bó với Nhà hát Hòa Bình, đã biết cách khai thác hết công năng của sân khấu này. Ở DDVN 9, theo yêu cầu của đạo diễn, công ty Ngọc Vũ đã huy động 200 đèn phóng và 38 cây Martin để tô điểm cho 6 sân khấu trên một sân khấu (nếu kể cả bàn nâng trong tiết mục của Thanh Lam, thì phải là 7 sân khấu trên một sân khấu)! Chính Trọng Dũng đã góp phần rất lớn để hiện thực hóa ý đồ của đạo diễn và của họa sĩ thiết kế sân khấu Lê Trường Tiếu.

Có lẽ đây là lần đầu tiên các trục quay của sân khấu lớn Nhà hát Hòa Bình được huy động hết công suất, nhằm mang lại nhiều nhất sự đa dạng và phong phú cho không gian biểu diễn. Còn họa sĩ Lê Trường Tiếu, ngay trong lần góp mặt đầu tiên ở DDVN 5, đã đưa lên sân khấu Nhà hát Bến Thành những bậc ruộng xanh thơ mộng, những con đường đất nhỏ lẫn khuất sau những rặng tre dẫn vào làng, với những ụ rơm vàng, những vỉ tre phơi bánh và cả những chiếc xe bò mộc mạc... của một thời thơ ấu. Và còn cả mưa, cả nắng, cả những vuông sen hồng thắm dịu dàng...

Bệ phóng của những ngôi sao ca nhạc

Từ những bước đầu tiên đó, DDVN đã trở thành hoạt động văn hóa nghệ thuật có tính khai phá, mở những lối cho hoạt động ca múa nhạc thời trang. Cảm nhận được điều đó, các ca sĩ thành danh khi tham gia chương trình luôn tìm cách thể hiện tạo được mới lạ, đến mức nhạc sĩ trẻ Đức Trí đã ngạc nhiên một cách thú vị khi nhận trách nhiệm biên tập chương trình DDVN 9: “Không ngờ các ca sĩ hàng đầu đều có sự thay đổi phong cách, các ca khúc được chọn đều hướng đến chất liệu dân tộc”.

Các nhạc sĩ cũng gởi gắm những đứa con tinh thần yêu dấu cho sân khấu DDVN. Nhạc sĩ Dương Thụ tâm sự: “Tôi viết ca khúc Ru con giữa rừng đại ngàn vào năm 1980, tại ĐakLak. Tục lệ người Ê Đê khi sinh con họ cho uống một bát sương, với ước mong đứa bé hấp thụ được sức mạnh của núi rừng. Trong lời ru của người mẹ như có tiếng ầm ào của thác ghềnh, của những cơn bão rừng, tiếng gầm vang của voi, hổ, báo. Đứa bé được nuôi dưỡng và lớn lên trong một tinh thần như thế. Trình bày ca khúc này rất cần sự thể hiện  chất mãnh liệt”. Và ca sĩ thể hiện được chất mãnh liệt đó chính là Hồng Nhung.


Ca sĩ Mỹ Tâm trong chương trình DDVN

Nhạc sĩ Phó Đức Phương lại tiết lộ về quá trình dàn dựng Bài ca thần chim Lạc: “Theo truyền thuyết chúng ta là con Lạc cháu Hồng. Bài ca nhập vai vị thần sản sinh giống nòi VN, nhắc nhở cổ vũ con cháu bay lên ngang bằng đỉnh cao của thời đại. Ngôn ngữ mang tính chất âm nhạc VN gốc, đi từ cội rễ với tinh thần Đại Việt. Tôi phải mất hơn nửa tháng để giúp nhóm MTM thể hiện được ý đồ của mình”.]

Còn bản thân các ca sĩ? Thanh Lam đã nói về ca khúc Đợi chờ của nhạc sĩ Thuận Yến mà chị trình bày với phần tự đệm tỳ bà trong chương trình DDVN 9: “Có thể khó nghe với giới trẻ, nhưng tôi muốn góp phần thúc đẩy nhạc nhẹ VN, tạo màu sắc riêng, thoát khỏi ảnh hưởng của phương Tây. Có như thế khi giới thiệu đến bè bạn năm châu, không ai có thể nói mình sao chép của họ”.

Bên cạnh những tiết mục tôn vinh những giọng ca lớp trước, DDVN còn là bệ phóng cho những giọng ca trẻ, những tiềm năng đầy triển vọng của sân khấu ca nhạc Việt Nam. Trường hợp Mỹ Linh, chị xuất hiện lần đầu tiên trong DDVN 3 tại thủ đô Hà Nội những ngày cuối năm 1995 với ca khúc mở màn Sayonara, lúc đó cô ca-sĩ-ve-sầu-Hà-Nội, từng đoạt giải Ca sĩ trẻ ấn tượng nhất năm 1993 tại Đà Nẵng, mà giọng hát đột nhiên chín đằm, lấp lánh lạ lùng, đã bộc lộ hết mình trong một chương trình lớn như DDVN 3. Khi tham gia DDVN 5 (1997), Mỹ Linh đã hoàn toàn chinh phục khán giả và thực sự khẳng định vị trí trong làng ca nhạc Việt Nam bằng ca khúc Trên đỉnh Phù Vân của nhạc sĩ Phó Đức Phương. Có lẽ tất cả những khán giả từng đến với DDVN 5, hẳn không thể nào quên cảm giác gai người khi Mỹ Linh cất tiếng hát. Với giọng alto khỏe khoắn đầy nội lực, Mỹ Linh đã phả chất ma quái vào ca khúc, hòa quyện tuyệt vời tiếng hát vào tiếng đàn đáy, tiếng trống điểm, làm sững sờ mê hoặc khán giả. Không ít người trong nghề đã phải trở lại lần thứ hai, thứ ba... để xem DDVN 5 và nghe Mỹ Linh hát.

Phương Thanh cũng là một phát hiện của DDVN 6, cùng với Lam Trường, Khánh Du. Khán giả một phen nao lòng khi nghe chị hát Giã từ dĩ vãng của Nguyễn Đức Trung trong tiếng ầm ì của những bánh sắt trên đường ray. Và khi đã định hình với chất giọng khàn của mình, thì trên sân khấu DDVN, chị lại xuất hiện với những phong cách mới lạ, ngoài sự hình dung của mọi người. Người ta lại khám phá một Phương Thanh sâu lắng, đầy cảm xúc trong Huyền thoại mẹ của Trịnh Công Sơn ở DDVN 13, hay thêm một phen nao lòng với  Phương Thanh bởi Dạ cổ hoài lang của Cao Văn Lầu trong chuyến lưu diễn tại Úc...

DDVN 10 (tháng 4/2001) đánh dấu sự xuất hiện của nhiều ca sĩ trẻ như Mỹ Tâm (HCĐ Liên hoan m nhạc châu Á), Hồng Ngọc (giải ca sĩ triển vọng châu Á - Thượng Hải), Nhã Ca (giải ca sĩ trẻ liên hoan m nhạc châu Á), Vân Quỳnh (giải ca sĩ trẻ châu Á) cùng các chàng trai trẻ Tuấn Hưng, Trần Tâm, Minh Quân. Năm đó, Mỹ Tâm đã không giấu được sự phấn khởi: “Tâm mừng lắm khi được tham dự DDVN 10, lại đuợc chọn hát đơn ca bài Đón Xuân (Phạm Đình Chương) kết hợp múa hẫu. Với em, đây là lần đầu tiên thể hiện một ca khúc có dàn dựng công phu như thế”. Hồng Ngọc thì thú thật là khi nhận được tin nhắn của nhạc sĩ Phương Uyên bảo chuẩn bị tham gia DDVN, cô đã tưởng là bị nhầm số. Sau đó Hồng Ngọc đã miệt mài tập luyện để thể hiện Nét ca trù ngày xuân (Nguyễn Cường), một ca khúc thuộc thể loại mà các đàn chị như Mỹ Linh, Thanh Lam từng làm mưa làm gió.

Đến DDVN13, lại là sự xuất hiện của 2 người đẹp Minh Thư và Hồ Ngọc Hà trong vai trò ca sĩ...

Nâng bước cho thời trang Việt Nam

Cũng từ sân khấu DDVN, những tiết mục thời trang được nâng lên một tầm cao hơn, đậm tính nghệ thuật và có chỗ đứng nhất định trong một chương trình xuyên suốt, chứ không còn đóng vai trò cầu nối nghỉ ngơi giữa hai tiết mục. Chính điều đó là động lực kích thích sức sáng tạo của các nhà thiết kế thời trang, bởi đã có một sân khấu tôn vinh, trân trọng sự sáng tạo của họ. Trên sân khấu DDVN, các tiết mục thời trang đã tôn vinh cái đẹp của Văn hóa Việt Nam trong cái đẹp của người phụ nữ.

DDVN là chương trình đầu tiên giới thiệu các giọng ca hải ngoại

Việc ca sĩ Hương Lan xuất hiện lần đầu tiên trong chương trình DDVN 6 (tháng 3/1998) đã mở ra một bước ngoặt trong đời sống âm nhạc Việt Nam: những giọng ca hải ngoại trở về hát trên quê hương Việt Nam, phục vụ khán giả Việt Nam. Nối tiếp Hương Lan, đến DDVN 7 có thêm hai gương mặt dũng cảm vượt qua những chống đối của một số người ở Mỹ để về Việt Nam đứng trên sân khấu DDVN hát cùng đồng nghiệp, cùng khán giả thân thương, là ca sĩ Ngọc Bích và nghệ sĩ hài Hoài Linh.


Ca sĩ Elvis Phương xuất hiện trong DDVN

Chương trình DDVN 8 có sự tham gia của hai người mẫu Trung Quốc Quách Hoa, Lục Lợi Đạt, á hậu áo dài Philadelphia ’99 Thân Thanh Hà. Sang DDVN 9 có Jimmy Nguyễn, Thân Thanh Hà, Trizzie Phương Trinh. Ca sĩ Thân Thanh Hà nói về việc chị chọn ca khúc Khát vọng của nhạc sĩ Thuận Yến: “Đó là ca khúc Thanh Hà thích từ lâu, vả lại, cái tựa giống như chuyến hành trình về quê lần này. Thứ hai, lời bài hát rất hay, vừa nói về tình yêu đôi lứa, cũng vừa nói về tình yêu đất nước”.

Elvis Phương xuất hiện muộn hơn từ DDVN 10, nhưng cũng như Hương Lan, anh đã luôn gắn bó với chương trình. DDVN 11 có sự tham gia của Hoa hậu Sinh viên Nhật Bản Ota Yasuko trong phần trình diễn thời trang và ca sĩ Ái Vân. DDVN 12 là sự xuất hiện lần đầu tiên của Trịnh Nam Sơn trên sân khấu quê nhà, mở đường cho hai nam ca sĩ Duy Quang và Đức Huy ở những chương trình tiếp theo.

DDVN ở nước ngoài

Ngay từ băng video ca nhạc đầu tiên được báo Thanh Niên và Phương Nam Film thực hiện song song với chương trình DDVN 2, băng DDVN 2 đã trở thành băng ca nhạc bán chạy nhất ở Việt Nam cũng như được mang đi kiểm duyệt để gửi ra nước ngoài nhiều nhất. Và cứ thế, song song với các chương trình DDVN, những băng video ca nhạc, rồi đĩa VCD, DVD DDVN được phát hành, đáp ứng nhu cầu thưởng ngoạn của khán giả, bởi mỗi chương trình chỉ diễn tối đa 4 đêm, mà số ghế trong khán phòng lại có giới hạn.

Một lượng không nhỏ băng đĩa chương trình DDVN đã được phát hành ở nước ngoài. Và chính những tình khúc Việt Nam, những hình ảnh thật gần gũi, gợi nhớ về quê hương Việt Nam, về những làng mạc đã đi qua, đã sống và lớn lên với đầy ắp những kỷ niệm vui buồn trong phim, đã khiến nhiều kiều bào quyết định tạm gác công việc để trở về thăm nhà. Thậm chí có rất nhiều gia đình chọn thời điểm về Việt Nam trùng với thời điểm báo Thanh Niên tổ chức DDVN, để được trực tiếp cảm nhận không khí của những chương trình DDVN.


Đông đảo kiều bào ở Úc đã đến xem chương trình DDVN

Chất lượng các chương trình ca múa nhạc thời trang DDVN phát triển không ngừng, như nhận định của Đài BBC trước ngày khai diễn DDVN 7: “Khởi đầu từ năm 1994 với mục đích ban đầu tổ chức một buổi biểu diễn ca nhạc để lấy tiền quyên góp cho chương trình Học bổng Nguyễn Thái Bình, đến nay DDVN đã phát triển thành một chương trình nghệ thuật đồ sộ, dàn dựng công phu và tốn kém, với sự tham dự của nhiều ca sĩ, người mẫu có tên tuổi và đang trở thành một trong những show đại diện cho nét tinh hoa của ca nhạc và thời trang Việt Nam... Chương trình DDVN 7 khai mạc vào tối thứ năm ngày 8/4/1999 tại Nhà hát Hòa Bình - TP.HCM trong bối cảnh chương trình ngày càng được nhiều người biết tới, trong đó có nhiều cộng đồng người Việt sống ở hải ngoại, và là một trong số ít chương trình giới thiệu những nét đẹp của văn hóa Việt Nam ra cộng đồng quốc tế”.

Kể từ năm 2000, đã có nhiều lời mời đưa DDVN ra nước ngoài trình diễn, để trực tiếp giới thiệu những nét đẹp của văn hóa Việt Nam ra cộng đồng quốc tế, thay vì chỉ thông qua băng đĩa. Trong thời gian diễn ra DDVN 12 (năm 2003), anh Nguyễn Công Khế đã trả lời báo Người Lao Động về việc này: “DDVN đã chuẩn bị đưa chương trình ra nước ngoài không chỉ một lần, mà có đến hai lần, nhưng đã không thực hiện được vì nhiều lý do khách quan. Tôi biết bà con Việt kiều sinh sống ở Úc, Mỹ, Canada, Pháp, Nhật... đều muốn chứng kiến tận mắt DDVN, thay vì phải xem băng video như bấy lâu. Nhưng phải tính toán thật kỹ mọi mặt mới được, vì đây là một chương trình hoành tráng, nếu đi, phải mang theo nhiều diễn viên, nhiều thiết bị biểu diễn”.

Và đến tháng 10/2005 vừa qua, báo Thanh Niên lần đầu tiên đã mang chuông đi đánh xứ người tại Úc, và đã gặt hái thành công vang dội ngay từ lần đầu tiên này.

Nhà báo Vũ Duy Giang từng gọi DDVN là đêm tình tự của những thanh âm và sắc màu. Xin mượn lời của anh để nói rằng, báo Thanh Niên sẽ còn tiếp tục hát cho tương lai Việt Nam và mang đến cho khán giả nhiều, thật nhiều đêm tình tự của những thanh âm và sắc màu trong tương lai.

Tố Loan

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.