Miền Trung mưa lớn, nước lên nhanh

30/10/2008 23:49 GMT+7

Chỉ một đêm mưa tầm tã, cả huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) đã mênh mông nước lũ khiến người dân bàng hoàng trở tay không kịp, biết bao nhiêu đồ đạc, lợn gà bị cuốn trôi.

Hà Tĩnh: Đã có 8 người chết

Tại Hà Tĩnh, mưa lớn đã kéo dài trên diện rộng nhiều ngày qua gây ra lũ lụt cục bộ. Lượng mưa đo được tại Hương Khê là 396 mm, Hương Sơn 424 mm, Linh Cảm 523 mm... 6 xã ở Hương Khê, 9 xã ở Vũ Quang, 7 xã ở Đức Thọ bị cô lập hoàn toàn. Tuyến quốc lộ 15A nối quốc lộ 1A với thị trấn Hương Khê bị chia cắt nhiều đoạn. Riêng đoạn đi qua địa bàn xã Hà Linh nước ngập gần 4m, giao thông bị ách tắc hoàn toàn. Sáng hôm qua ở xã Kỳ Giang, huyện Kỳ Anh cũng đã xảy ra mưa to kèm theo lốc xoáy làm 22 căn nhà bị tốc mái. Mưa lớn đã làm cho hàng ngàn ha rau màu vụ đông bị ngập chìm trong nước.

Quảng Nam: Cơ bản khắc phục sạt lở

Sau 5 ngày đêm huy động trên 30 cán bộ công nhân và 8 xe tải,  xe đào xúc ra quân khắc phục, đến chiều qua, Công ty cổ phần công trình GTVT Quảng Nam đã cơ bản khắc phục 46 điểm sạt lở nặng trên các tuyến quốc lộ và tỉnh lộ lên 9 huyện miền núi của tỉnh. Tất cả các tuyến giao thông đã thông tuyến, nhưng nguy cơ ách tắc trở lại là rất lớn vì đất đá trên ta-luy dương vẫn đang sạt xuống lòng đường và miền núi vẫn đang còn mưa lũ. Tại huyện Tây Giang, mưa lớn cộng với Thủy điện A Vương chặn dòng để tích nước lòng hồ, vì vậy nước ngấm sâu vào nền đất gây sạt lở nghiêm trọng ngôi nhà số 28, 29, 40, 46, 57, 60 và dãy nhà nội trú của học sinh tại khu tái định cư Alua, Kala xã Dang... Huyện đã vận động nhân dân tạm thời di chuyển đến nơi an toàn.

Hồ Trọng

Đáng nói là đợt mưa lũ đã gây ra nhiều cái chết thương tâm. Từ đầu tháng 10 đến nay, Hà Tĩnh đã có 8 người chết do mưa lũ. Trước diễn biến phức tạp, huyện Vũ Quang đã cho học sinh nghỉ học hoàn toàn. Huyện Hương Sơn cũng có 20 trường, Hương Khê 23 trường cho học sinh nghỉ học. Các huyện Hương Sơn, Hương Khê đã tổ chức di dời gần 500 hộ dân ven sông đề phòng lở đất và vùng thấp trũng có nguy cơ bị lũ quét.

Mực nước các sông vẫn tiếp tục lên nhanh do nước từ thượng nguồn đổ về mạnh. Sông Ngàn Sâu tại Chu Lễ là 12,38m dưới mức báo động 3 là 0,62m,  sông Ngàn Phố tại Sơn Diệm là 12,7m dưới mức báo động 3 là 0,3m, sông La tại Linh Cảm là 4,65m xấp xỉ báo động 2. Dự báo trong 24 giờ tới, toàn tỉnh Hà Tĩnh có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to, mực nước các sông lên nhanh và có khả năng lên mức báo động 3.

Hà Tĩnh đang tập trung chỉ đạo sơ tán dân cư, tổ chức lực lượng bảo đảm an toàn hồ chứa và các công trình trọng điểm như đê La Giang, hồ Kẻ Gỗ - Bộc Nguyên, hồ Sông Rác - Kim Sơn...

Lệ Thủy: Mênh mông biển nước

Sớm ngày 30.10, khi chúng tôi vượt 50 cây số từ TP Đồng Hới (Quảng Bình) đến huyện Lệ Thủy, nước đã ngập trắng dọc hai bên quốc lộ 1A, có nhiều chỗ mấp mé chuẩn bị tràn qua mặt đường; nhiều nhà dân sống dọc quốc lộ thuộc các xã Gia Ninh (H.Quảng Ninh), Hồng Thủy, Thanh Thủy (H.Lệ Thủy) đã bị nước tràn vào nhà. Trong khi đó, mọi ngả đường dẫn vào trung tâm H.Lệ Thủy và các xã đang ngập chìm trong nước. Rất nhiều người, không còn cách nào khác đành chấp nhận trả 100.000 đồng cho các chủ đò để vào trung tâm huyện bằng đường đồng và nhánh sông Hạ Cạn với khoảng cách chỉ khoảng 3 km.

Nghe chúng tôi đề nghị đi ngược sông Kiến Giang thì ai cũng lắc đầu bởi nước đang xiết. Thuyết phục mãi cuối cùng cũng có một chủ thuyền đồng ý. Trên thuyền đi vào thị trấn, PV Thanh Niên chứng kiến hàng trăm ngôi nhà ngập sâu trong nước. Nặng nhất là các nhà dọc tỉnh lộ 16 và thôn Xuân Hồi (xã Liên Thủy), Phong Giang (thị trấn Kiến Giang). Đi đến đâu cũng chỉ thấy cảnh mênh mông một màu nước đục ngầu, có nơi ánh lên màu bạc nhợt bao phủ làng xóm.

Đến sáng 30.10, trời ngớt mưa, nên nước bắt đầu rút dần tại các xã vùng trên. Tuy nhiên, do nước dồn xuống nên các xã vùng giữa và vùng trũng của huyện Lệ Thủy vẫn bị ngập nặng. Ông Dương Công Thành (63 tuổi, xã Lộc Thủy), nói đầy mệt mỏi: “Mấy năm nay chưa năm nào nước lên nhanh và hỗn như thế này. Khoảng 7 giờ tối qua là trời bắt đầu mưa, thế mà đêm đã lên, giờ thì ngập hết. Chẳng ai kịp dọn đồ”.

Sáng qua, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Nguyễn Hữu Hoài cũng đã dẫn đầu đoàn các cấp ngành, Ban phòng chống Lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đi thị sát tình hình ngập lụt tại H.Lệ Thủy. Báo cáo nhanh của UBND H.Lệ Thủy cho biết: Hơn 11.000 ngôi nhà của 18 xã, 34 trường học, 18 trạm y tế, 9 chợ bị ngập; hơn 82.000 người thiếu nước sạch và hàng nghìn ha ao hồ, đường, đê kè bị ngập, hư hại.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn T.Ư, ngày 30.10 có mưa to ở các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Bình, lũ các sông từ Nghệ An - Hà Tĩnh và hạ lưu sông Gianh đang lên rất nhanh, đã xấp xỉ mức báo động 3. Đêm 30 sáng 31.10, các tỉnh từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh tiếp tục có mưa to đến rất to. Tại tỉnh Nghệ An nhiều nơi bị ngập sâu trong nước. 300 hộ dân vùng hạ lưu đập Khe Nậy (H.Anh Sơn) và đập Thanh Tiền (H.Hưng Nguyên) đang trong tình trạng báo động di dời khỏi vùng nguy hiểm vì nguy cơ đập vỡ. Mưa lũ đã làm anh Phạm Văn Thỏa (xã Sơn Hải, H.Quỳnh Lưu) mất tích khi đánh cá trên biển, một học sinh ở xã Tân Long, H.Tân Kỳ trên đường đi học bị nước cuốn trôi. Sáng qua, tàu cá của anh Lê Văn Mạnh ở thị xã Cửa Lò đang đánh cá ngoài lạch Cửa Lò bị chìm. Tính đến chiều 30.10, mưa lũ đã nhấn chìm hơn 12.000 ha hoa màu và ngô vụ đông.

Q.Duẩn - K.Hoan

Hạnh Loan - Trương Quang Nam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.