Thời gian hòa bình

15/12/2005 14:49 GMT+7

Theo một tờ báo nước ngoài, toàn thế giới có khoảng 50 triệu người phải rời bỏ nơi ở vì xung đột sắc tộc hay thiên tai, trong đó có 22,3 triệu người đã được UNHCR (Cao ủy của LHQ về người tỵ nạn) giúp đỡ. Và cuộc xung đột ở Nam Tư cũng đã gây nên những dòng người tỵ nạn lớn nhất châu u kể từ chiến tranh thế giới lần thứ hai.

Dòng người tỵ nạn ra đi thường là do các cuộc nội chiến, khủng bố hoặc do hậu quả của các cuộc chiến tranh xâm lược để lại cho các nước thứ ba một nền kinh tế kém phát triển hoặc bị cô lập và cấm vận.

Việt Nam đã từng trải qua các cuộc chiến tranh lâu dài và ác liệt nhất. Những thập niên đầu sau khi kết thúc chiến tranh, thống nhất Tổ quốc, nhiều bà con do những lý do khác nhau, mà phần lớn là lý do kinh tế, đã đến định cư ở một số nước có nền kinh tế ổn định hơn. Tất nhiên, mọi chuyện không phải đều suôn sẻ như bà con thường tưởng khi chọn định cư ở các nước đó. Nhưng vẫn có một nỗi đau khổ chia ly như một nhà báo đã từng nhận xét: Sân bay Tân Sơn Nhất trước đây là một trong những sân bay nhiều nước mắt nhất.

Chúng ta đã gặm nhấm và chiêm nghiệm mọi điều. Di sản chiến tranh với những hậu quả về tinh thần và vật chất để lại trên đất nước chúng ta là khó có gì bù đắp được. Trong nước, từ năm 1986, các chính sách đổi mới được phát động đã đẩy lùi những khó khăn về kinh tế, ngày nay có thể nói đa số bà con đều được hưởng một mức sống cao hơn ngày trước rất nhiều. Chúng ta được hưởng một không gian hòa bình trong suốt 25 năm, mà ít có thời kỳ nào được giữ gìn lâu dài như thế. Đến nỗi mới đây có một Việt kiều là chồng một ca sĩ hải ngoại nổi tiếng khi về Việt Nam gặp tôi đã thốt lên :"Trời ơi, không gì sung sướng bằng cái cảnh ở Việt Nam ngày nay. Có thể đi ngay trong đêm đến bất cứ vùng hẻo lánh nào mà trước đây chỉ nghĩ tới là không thể được. Nó an toàn và hòa bình hơn nhiều khu vực của Mỹ, khi nhiều người đã không thể đi trong đêm khuya, ở một số vùng còn rất mất an ninh".

Chúng ta nhớ lại và có dịp so sánh những điều kiện ổn định và hòa bình của đất nước quý giá biết chừng nào. Không có tiếng súng, chỉ có những dải đất hoang biến thành cây trái và lúa gạo, chen chúc với những đường dây điện trung, cao thế, và các con lộ dẫn về các bản làng xa xôi.

Không phải đã hoàn toàn được như vậy ở mọi vùng, mọi miền của đất nước, nhưng rõ ràng là đã khá hơn, tốt hơn trước đây nhiều lần. Và khi ta nhìn ra thế giới còn có hàng trăm triệu người sống dưới mức nghèo, những thảm họa của chiến tranh và sự mất ổn định ở khắp nơi đè lên số phận hàng chục triệu người như đã dẫn ở trên thì đối với chúng ta, đất nước chúng ta còn may mắn hơn nhiều.

Không còn gì khác hơn, chúng ta phải giữ được môi trường ổn định, hòa bình như thế này cho rất nhiều thế hệ mai sau. Tất nhiên là ổn định và hòa bình phải đi đôi với phát triển kinh tế và củng cố đạo đức.

Nguyễn Công Khế
(Thanh Niên 21/8/1999)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.