Các gã khổng lồ tại Iceland sụp đổ

10/10/2008 22:45 GMT+7

Cuộc khủng hoảng tài chính ở Iceland đã đào thêm hố sâu sau khi chính phủ nước này buộc phải quốc hữu hóa ngân hàng lớn nhất nước hôm 9.10.

Sau khi nắm quyền kiểm soát ngân hàng lớn nhất nước Kaupthing, nhà chức trách Iceland cũng buộc phải tạm ngưng giao dịch tại thị trường chứng khoán nước này cho đến ngày 13.10, theo báo Independent. Kaupthing là ngân hàng thứ ba tại Iceland vừa được Chính phủ giải cứu. Theo hãng tin AFP, Chính phủ Iceland hồi đầu tuần này đã phải tiếp quản hai ngân hàng lớn thứ hai và thứ ba của nước này là Landsbanki và Glitnir. Quốc gia với chỉ vỏn vẹn khoảng 300.000 dân này hiện đang vất vả chống chọi với cơn bão tài chính toàn cầu.

Củng cố tinh thần lẫn nhau

Theo ghi nhận của phóng viên BBC, dù cơn bão tài chính đang bao trùm Iceland nhưng người dân nước này không mấy tỏ ra chán nản. Theo BBC, trên đường phố của thủ đô Reykjavik vào một ngày giữa tuần này, không có quá nhiều người muốn dừng lại để bàn về tình hình hiện nay, thời điểm mà một số ngân hàng lớn ở Iceland đã bị sụp đổ. Một số khách bộ hành cho biết tình hình không có gì quá bi đát. Dù sao họ cũng không có nhiều tiền và vì thế họ không mất gì cả.

Đến trưa cùng ngày, một đám đông người dân Iceland đã đến tụ tập tại quảng trường phía trước tòa nhà Quốc hội. Theo BBC, những người này cho biết họ đến đây không phải để biểu tình mà là để thể hiện sự đoàn kết và động viên lẫn nhau. Cuộc tụ tập được một ngôi sao nhạc rock nổi tiếng nhất nước này là Bubbi Morthens đứng ra tổ chức. Tại đây, ngôi sao này đã biểu diễn nhiều bài hát ca ngợi giai cấp lao động. "Thật quan trọng khi tụ họp mọi người lại nếu có thể. Họ cảm thấy cuộc tụ họp này và bạn bè, gia đình cũng như tình thương yêu lẫn nhau là quan trọng. Đây không phải là thời điểm để nổi giận", ca sĩ Bubbi Morthens nói. Cũng như nhiều người khác, ông đã mất nhiều tiền khi các ngân hàng lớn ở Iceland sụp đổ. Ông cũng nói thêm rằng: "Đây là thời kỳ mới ở Iceland. Chúng ta phải đoàn kết lại và cố gắng vượt qua giai đoạn khó khăn này".

Trong khi đó, tại các ngân hàng ở trung tâm thủ đô Iceland, mọi người không mấy tỏ ra lo sợ. Theo BBC, ngân hàng vừa mới được chính phủ tiếp quản Glitnir trở nên đông đúc khách hàng hơn bình thường. Có vẻ như người dân Iceland vẫn luôn trong tinh thần kiên cường, không cảm thấy chán nản. Hầu hết họ đều tin tưởng vào cách hành xử của Chính phủ Iceland.

Chính phủ ra tay

Vậy nhà chức trách Iceland đã làm gì mà người dân đặt trọn niềm tin vào họ? Theo báo Independent, Chính phủ Iceland đã lên kế hoạch bắt đầu đàm phán với Nga trong tuần tới để vay 4 tỉ euro (hơn 5 tỉ USD). Ngoài ra, chính phủ cũng đã kêu gọi sự hỗ trợ từ các quốc gia Bắc u khác. Chẳng hạn, Ngân hàng Trung ương Thụy Điển đã đồng ý cho chi nhánh Ngân hàng Kaupthing tại nước này vay một khoản tiền lớn, theo BBC. Hôm 6.10, Quốc hội Iceland cũng đã thông qua các điều luật khẩn cấp để cứu trợ cho hệ thống ngân hàng nước này, qua đó cho phép chính phủ kiểm soát tất cả các ngân hàng, thể chế tài chính, tiếp quản tài sản và sáp nhập các thể chế tài chính... Iceland cũng quyết định đưa ra một bảo lãnh vô thời hạn cho tất cả các khoản tiền gửi tiết kiệm tại ngân hàng. "Tiền gửi trong nước hoàn toàn được đảm bảo cho các khách hàng của Ngân hàng Kaupthing", giới chức thuộc Cơ quan giám sát tài chính (FSA) cho biết sau khi Chính phủ Iceland quyết định quốc hữu hóa Ngân hàng Kaupthing. Cũng theo FSA, các chi nhánh trong nước của Kaupthing, trung tâm tư vấn, các máy rút tiền tự động và hoạt động internet sẽ hoạt động trở lại bình thường. Tuy nhiên, các hoạt động của Kaupthing tại Anh, Phần Lan và Thụy Điển đã bị tạm ngưng, theo AFP. Và sự việc này đã gây phẫn nộ cho nhiều người.

Phản ứng của Anh

Theo BBC, Thủ tướng Anh Gordon Brown đã lên án cách xử lý vụ sụp đổ các ngân hàng của Iceland cũng như việc nước này không đền bù số tiền gửi của các nhà đầu tư, các tổ chức và người dân Anh tại Icesave, chi nhánh Ngân hàng nhà nước Landsbanki của Iceland tại Anh. Ông Brown cho rằng hành động của Chính phủ Iceland không đền bù số tiền gửi của các nhà đầu tư và người dân Anh là "bất hợp pháp" và "hoàn toàn không thể chấp nhận được". Phát biểu với phóng viên BBC tối 9.10, ông Gordon Brown nói: "Tôi đã nói chuyện với Thủ tướng Iceland rằng đây là hành động bất hợp pháp của nước này. Chúng tôi sẽ đóng băng tài sản của các công ty Iceland tại Anh và sẽ tiếp tục có hành động đối với chính quyền Iceland trong trường hợp cần thiết để lấy lại số tiền".

Theo danh sách ban đầu mà Hiệp hội chính phủ địa phương (LGA) của Anh có được, đến  tối 9.10, có 108 hội đồng địa phương cùng nhiều đơn vị cảnh sát, phòng chữa cháy, các hội từ thiện, người dân Anh đã gửi tổng số tiền 1 tỉ bảng (gần 2 tỉ USD) tại các ngân hàng của Iceland. Ngoài ra, các nhà đầu tư xứ sương mù cũng đã gửi 8 tỉ bảng tại các ngân hàng của Iceland, trong đó có 4,6 tỉ bảng gửi tại Ngân hàng Icesave. Theo báo Guardian, Bộ Tài chính Anh hiện đã đóng băng toàn bộ tài sản của Ngân hàng Landsbanki của Iceland tại Anh, ước tính trị giá khoảng 7 tỉ bảng. Cũng theo báo này, Bộ Tài chính Anh hôm qua đã cử một nhóm công tác sang Iceland để bàn thảo về các cách thức giúp Iceland đối phó với khủng hoảng và giải quyết vấn đề đền bù tiền gửi của các cơ quan và người dân Anh tại Ngân hàng Icesave.

Châu Yên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.