Làng trầu ngày ấy bây giờ

22/11/2007 23:49 GMT+7

Mười tám thôn vườn trầu" là địa danh gắn liền với những cuộc kháng chiến, khởi nghĩa hào hùng của nhân dân Sài Gòn - Gia Định, hay rộng hơn là của cả người dân Nam Kỳ.

Bà Điểm - Hóc Môn (TP.HCM) là một trong những địa danh của VN quy tụ nhiều hào kiệt, nhân sĩ, trí thức cách mạng yêu nước... Lịch sử ghi lại rằng các bậc tiền bối tên tuổi như Nguyễn An Ninh, Võ Văn Tần, Võ Văn Ngân, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, Phan Đăng Lưu, Nguyễn Thị Minh Khai, Lê Duẩn... và hàng chục cán bộ cao cấp khác của chính quyền cách mạng đã từng "nằm gai, nếm mật" ở quê hương 18 thôn vườn trầu.

Hơn 300 năm trước - tức là từ khi cha ông ta khai phá đất phương Nam, Bà Điểm là một rừng trầu. Ông Mai Công Tài, người chuyên khảo cứu và viết lịch sử đấu tranh của xã Bà Điểm cho biết, thuở khai thiên lập địa, Bà Điểm còn nhiều cọp dữ nên có câu "dữ như cọp vườn trầu". Khi đi bán trầu, vì sợ cọp, bà con tụ tập thành từng đoàn gánh trầu về chợ Bến Nghé. Trầu Bà Điểm thời huy hoàng có diện tích rộng đến hàng ngàn hecta. Thổ nhưỡng ở đây rất thích hợp với trầu. Nước mưa thoát nhanh ra sông Sài Gòn, Sông Bé nên không sợ trầu bị úng; nắng không lo thiếu nước vì mạch nước ngầm ở đây khá nhiều. Thời kháng Pháp, trầu Bà Điểm vị thơm nồng, có thể cung ứng đủ cho một phần nam Trung Bộ và cả vùng lục tỉnh Nam Bộ. Ngoài chuyện "miếng trầu là đầu câu chuyện", trầu còn được "giao" cho một nhiệm vụ cực kỳ quan trọng là giúp cán bộ... trốn Tây; vì được bón bằng phân tằm Tân Châu, tán lá tốt tươi có thể làm chỗ ẩn nấp rất tốt, nếu bị địch bố ráp. Bà con hay gọi trầu Bà Điểm là "trầu trốn Tây" vì vậy, để phân biệt với các loại trầu xứ khác.

Trong cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ tấn công vào dinh quận Hóc Môn đêm 22 rạng 23.11.1940, Hóc Môn đã huy động được lực lượng lớn quần chúng tham gia khởi nghĩa cùng lực lượng nghĩa quân của 4 tổng (Long Tuy Thượng, Long Tuy Hạ, Long Tuy Trung, Bình Thạnh Long) chia thành 4 mũi tấn công áp sát vào dinh lũy của tên quận trưởng Hóc Môn Bùi Ngọc Thọ. Mỗi tổng, quân số có khoảng 30 đến 70 quân xung kích là các đồng chí đảng viên và các lực lượng nòng cốt cách mạng như Nông hội đỏ, Công hội đỏ... Ngoài ra, còn có một số lực lượng đông đảo quần chúng cách mạng ở các làng làm nhiệm vụ diệt tề, trừ gian, tấn công vào các nhà việc làng xã, hạ các bót phá hoại cầu cống, đường giao thông ở các địa phương để ngăn chặn địch chi viện.

Cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ ở quận Hóc Môn (1940) đã thể hiện tinh thần yêu nước nồng nàn, ý chí chiến đấu quật khởi của nhân dân 18 thôn Vườn Trầu Hóc Môn - Bà Điểm.

(Nguồn: http://www.hocmon.hochiminhcity.gov.vn/)

Người dân Bà Điểm tự hào về nhà cách mạng quá cố Phan Văn Hớn. Tên ông đã được đặt cho ngôi trường to nhất xã. Một trong những bài học lịch sử mà các em thiếu nhi Bà Điểm - Hóc Môn phải học đầu tiên là tinh thấn đấu tranh bất khuất của cụ Hớn, người mở đầu cuộc khởi nghĩa "thập bát phù viên" đánh thủ phủ Hóc Môn, giết chết tên Đốc phủ Trần Tử Ca giáp tết năm 1885. Cuộc khởi nghĩa đã bị thực dân và bọn tay sai đàn áp dã man. Để cứu cho dân khỏi những trận đòn thù, Tổng lãnh binh Phan Văn Hớn và Chánh lãnh binh Nguyễn Văn Quá buộc phải nạp mình cho giặc, sau đó bị tử hình. Những bậc cao niên ở đây kể lại, do mến mộ công ơn của Tổng lãnh binh nên bà con đổi tên lót của ông từ "Văn" ra "Công" - thành Phan Công Hớn.

Quê hương Bà Điểm thay da đổi thịt từng ngày. Đời sống đại bộ phận người dân xứ trầu khá hơn ngày trước rất nhiều. Tuy nhiên, trong lòng các cụ cách mạng lão thành, các bác hưu trí vẫn có một chút băn khoăn. Đó là rừng trầu "thập bát phù viên" ngày nào cứ giảm dần, giảm dần theo thời gian. Trước 1975 trầu Bà Điểm còn gần 100 hecta, mà nay chỉ còn chưa tới 10 hecta. Ngoài phố, hàng quán, nhà trọ, điểm karaoké... san sát, vươn cao, khó có thể tìm thấy bóng dáng những hàng cau, vườn trầu xanh um bao bọc những căn nhà ba gian thuở nào. Lác đác sâu trong đường làng nhỏ, chỉ còn ít hộ trồng trầu. Nhưng trầu cau giờ chỉ mang ý nghĩa hoài niệm là chính, không ai tính chuyện làm kinh tế bằng trầu.

Để cứu làng trầu, huyện Hóc Môn và xã Bà Điểm từng bàn tính kế hoạch biến một số địa điểm trong xã thành khu du lịch sinh thái vườn trầu lịch sử, gắn với các dịch vụ thương mại. Nhưng do chưa được sự thống nhất cao của các ngành, nên kế hoạch "cứu" dây trầu xem như bất thành.

Buồn cho số phận dây trầu từng chia sẻ buồn vui với bao thế hệ cách mạng, giờ đang đứng trước nguy cơ mai một. Nhưng ông Tốt vẫn khẳng định: "Dầu diện mạo có thay đổi, cuộc sống kinh tế thay đổi; thậm chí trong một bộ phận thanh niên nếp nghĩ cũng... thương mại hơn, nhưng tinh thần cách mạng của nhân dân Bà Điểm chúng tôi vẫn vậy. Chúng tôi cố gắng hết sức để gìn giữ truyền thống tốt đẹp này".

Nguyên Thủy

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.