Hàng không sợ Tết

18/11/2010 09:29 GMT+7

Tết Nguyên đán, hành khách đi lại bằng đường hàng không thường tăng đột biến và luôn than thiếu vé. Tưởng đây là cơ hội làm ăn tốt, nhưng các hãng hàng không lại không mấy mặn mà, thậm chí sợ bay.

Nghịch lý

Điều này tưởng như nghịch lý bởi khách đông, các hãng phải tận dụng làm ăn, thay vì rón rén. Điệp khúc quen thuộc mỗi dịp cao điểm đi lại: Khách kêu thiếu vé, hãng bay không mặn mà với việc tăng chuyến. Bất cứ ai cũng có thể nghĩ, thiếu máy bay thì thuê về tăng cường. Nhưng, vì sao các hãng hàng không không dám làm thế?

“Do các hãng hàng không nội địa phải bay rỗng (không có khách) một chiều. Ví dụ, trước tết Nguyên đán, các chuyến bay chiều TPHCM - Hà Nội không có vé để bán nhưng chiều ngược lại vắng hoe.

Giả sử, một máy bay Airbus 320 với 180 chỗ đầy khách, giá vé 2 triệu đồng/người/chiều cũng không bù đủ cho chiều bay rỗng ngược lại. Như vậy, chuyến bay đầy chỗ ấy phải chia đôi cho chuyến bay không khách. Rõ ràng là lỗ” - Lãnh đạo một hãng hàng không nói.

Theo tìm hiểu của phóng viên Tiền Phong, một chuyến bay Airbus 320 khứ hồi TP HCM-Hà Nội phải đạt doanh số khoảng 500 triệu đồng mới hoà vốn. Do đó, nếu hạch toán không đủ bù chi phí, khó hãng hàng không nội địa nào dám thuê máy bay nước ngoài về bay lệch đầu (một chiều rỗng) dịp cao điểm.

Thực ra, lời giải cho bài toán này nằm ở chỗ, nhà nước vẫn quy định mức giá trần vé máy bay. Mục đích của việc khống chế giá trần (không cho tăng quá một mức nào đó trên một đường bay cụ thể) này nhằm tránh việc lợi dụng độc quyền để tùy tiện tăng giá vé.

Nhận ra điều này, Bộ GTVT và Bộ Tài chính đã có một thông tư 103 cho phép bỏ mức giá trần với những đường bay cạnh tranh (từ 2 hãng trở lên) từ nhiều năm trước. Các hãng hàng không nội địa hào hứng, thậm chí Jetstar Pacific (JP) đã rục rịch triển khai mức giá mới theo tinh thần thông tư mới. Lập tức, Bộ GTVT đã tuýt còi.


Bao giờ các hãng hàng không thôi sợ cao điểm Tết? - Ảnh: Bảo Khánh

Từ đó đến nay, không ai nhắc đến hiệu lực của thông tư này nữa. Các hãng hàng không nội địa cũng không dám linh hoạt điều chỉnh giá vé vượt trần dù hiện nay có những đường bay cạnh tranh cao, như: TP HCM-Hà Nội, Đà Nẵng-TP HCM (3 hãng bay Vietnam Airlines-VNA, JP, Air Mekong-AM cùng tham gia). Sau vụ tuýt còi, báo chí rất khó hỏi ý kiến về việc bỏ giá trần từ các hãng hàng không (?).

Hệ lụy

Câu chuyện Tết Nguyên đán năm nào cũng thiếu vé sẽ thành bệnh kinh niên. Bởi, VNA sẽ chỉ cố làm tròn vai phục vụ kinh tế xã hội bằng việc có bao nhiêu máy bay dùng bấy nhiêu; JP và AM cũng khó nhiệt tình thuê máy bay thời vụ về phục vụ nhu cầu của hành khách.

Bài toán kinh tế lỗ-lãi khiến các hãng bay kém mặn mà với những chuyến bay dịp cao điểm. Và, như vậy, chỉ có hành khách là phải khổ sở vật lộn giành giật từng chiếc vé máy bay.

Từ đây, nảy sinh nạn đầu cơ vé máy bay trong những dịp xuất hiện nhu cầu đi lại cao. Một số đại lý huy động người của mình mua vé những ngày cao điểm, sau đó vận dụng điều kiện cho phép đổi tên (đổi vé) để bán lại với giá cao gấp nhiều lần cho hành khách.

Cuối cùng, không ít vé máy bay chỉ người nhiều tiền mới mua được. Đắc lợi nhất là những đại lý bán vé đầu cơ. Còn các hãng hàng không vẫn xem cao điểm đi lại Tết Nguyên đán như một nhiệm vụ hơn là cơ hội kinh doanh.

Có lẽ, những chuyện làm ăn chụp giật của các nhà xe (trên đường bộ) tăng giá và nhồi nhét khách vô tội vạ dịp Tết khiến Bộ GTVT quan ngại tới cả hàng không? Ngay cả thế, những chuyến xe ngày trước Tết từ TPHCM đi Hà Nội và một số tỉnh cũng còn được phụ thu (ngoài giá vé) để doanh nghiệp nhiệt tình trong việc giải tỏa hành khách.

Theo Tiền Phong

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.