Kỳ 3: Hậu quả tai hại

06/01/2013 00:10 GMT+7

Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Phạm Trung Lương đã trao đổi với Thanh Niên xung quanh con số thống kê khách quốc tế vào VN.

Ông có tin 6,84 triệu lượt khách nước ngoài nhập cảnh năm 2012 là khách du lịch quốc tế?

Không! Chiếu theo tiêu chí của luật Du lịch (DL), chắc chắn số lượt khách DL quốc tế sẽ nhỏ hơn. Không thể coi người nước ngoài vào học tập, làm việc kiếm tiền rồi hằng năm ra vào VN là du khách được. Nhiều Việt kiều về thăm thân nhân ở nhờ nhà họ hàng, không mua tour cũng chẳng sử dụng dịch vụ DL gì...

 Hậu quả tai hại1
Việc chưa áp dụng phương pháp thống kê phù hợp khiến các con số thống kê của ngành du lịch chưa đáng tin cậy - Ảnh: Diệp Đức Minh

Ông có lo ngại số liệu không chính xác sẽ ảnh hưởng xấu đến chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp, ảnh hưởng đến chính sách vĩ mô?

Đúng đấy. Số liệu quan trọng lắm, là căn cứ đề ra hoặc điều chỉnh các chính sách theo từng thời kỳ cho phù hợp thực tế. Dưới góc độ nhà nghiên cứu và tham mưu cho cấp trên, từ lâu chúng tôi luôn trăn trở tất cả chính sách đưa ra sẽ bị sai lệch hoặc chậm triển khai, nếu dựa trên những số liệu không đúng. Nhiều địa phương cũng suy nghĩ như thế. Nhưng dường như cả thời gian dài, cơ quan quản lý T.Ư vẫn say đắm trong thành tích này, chỉ tiêu kia mà quên đi nghĩa vụ với doanh nghiệp và địa phương.

 Hậu quả tai hại 2
Phạm Trung Lương

Tổng cục DL vừa công bố tổng thu từ DL năm 2012 tăng 23%, vượt chỉ tiêu trên 6,6%, ông có nhận xét gì?

Theo tôi biết, chuyện thu nhập DL vẫn là “bốc thuốc” để báo cáo Chính phủ thôi. Chính phủ chỉ cần hỏi căn cứ vào đâu để đưa ra doanh thu từng này ngàn tỉ thì khối người...  ngọng! Bởi họ tính trung bình một du khách vào VN, một khách nội địa tiêu bao nhiêu, rồi nhân lên thành doanh thu từ DL. Nhưng ngay bản thân con số gốc 6,847 triệu lượt khách quốc tế đã không chính xác, đến 32,5 triệu lượt khách nội địa càng khó tin vì rất khó thống kê đối tượng này. Chưa kể năm 2012, rất nhiều du khách vào VN giảm chi tiêu, cắt ngắn ngày đi tour mà đã thấy điều tra toàn diện nào mới đâu? Rất nhiều du khách đường bộ mang theo chai nước, cái bánh mì thì VN thu được gì mà cứ tự hào đông khách? Phải có nghiên cứu thật về DL mang lại lợi ích thế nào cho đất nước mới dễ thuyết phục Chính phủ hiểu, tạo thuận lợi cho ngành phát triển.   

Phải áp dụng tài khoản vệ tinh du lịch

Cho đến nay, 100 quốc gia trên thế giới đã áp dụng phương pháp thống kê tài khoản vệ tinh DL. Phương pháp này chủ yếu để tính toán các giá trị trong hoạt động DL là tiếp cận từ nguồn cầu, từ hoạt động tiêu dùng của khách DL để tính toán giá trị tăng thêm, đóng góp của ngành DL vào GDP, các chỉ tiêu khác phản ánh quy mô hoạt động của ngành DL.

TS Vũ Quang Việt, nguyên Vụ trưởng Vụ Tài khoản quốc gia thuộc Cục Thống kê - LHQ cho biết: “Chi tiêu cho DL gồm nhiều khoản khác nhau như chi cho vận tải, dịch vụ tổ chức DL, ăn uống, mua hàng hóa, khách sạn, điện thoại, giải trí... Một phần chi trả là cho công ty ở nước ngoài; một phần để trả cho công ty nội địa. Đối với người nước ngoài, chỉ có trả cho DN trong nước mới tính vào tài khoản. Như vậy, làm tài khoản về DL là tập hợp chi tiêu của người DL cho các hoạt động khác nhau ấy. Tài khoản DL bao gồm cả DL trong nước (của người trong nước và người nước ngoài) và DL nước ngoài (của người trong nước ra nước ngoài), rồi lại phải phân biệt giữa người đi làm việc (business trips) và người thật sự đi DL”.

N.T.Tâm - Hữu Thắng
(thực hiện)

>> Kỳ 2: Mập mờ con số
>> Du lịch có khả quan như báo cáo?
>> Phát triển du lịch tại Trường Sa
>> 1 triệu USD quảng bá du lịch ẩm thực Việt Nam
>> Kiện toàn trung tâm thông tin xúc tiến Du lịch

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.