Ban hành quy chế đầu tiên về cưới - tang - lễ hội

02/12/2005 10:21 GMT+7

Sau nhiều lần dự thảo, Quy chế thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 25/11/2005 và vừa được Bộ VHTT giới thiệu chiều 30/11 tại HN. Nội dung trả lời phỏng vấn báo chí của TS Đỗ Kim Thịnh - Phó Cục trưởng Cục Văn hóa thông tin cơ sở sẽ giúp bạn đọc nắm được một số điểm chính của quy chế này.

* Tại Điều 2, Chương I có nói tổ chức cưới tang lễ hội phải đảm bảo không trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc. Xin bà nói rõ hơn như thế nào là không trái thuần phong mỹ tục?


TS Đỗ Kim Thịnh
- TS Đỗ Kim Thịnh: Dân tộc ta xưa làm gì có việc cưới tang rườm rà, phô trương, lãng phí và nhiều khi đầy vụ lợi như ngày nay. Có khi tổ chức ăn uống thật đấy, nhưng chỉ có tính chất vui vẻ, cộng đồng, chia sẻ lẫn nhau. Trái thuần phong mỹ tục chính là thái độ phô trương, lãng phí, vụ lợi, nói thẳng ra nhiều khi là "bán cỗ thu tiền"... Nói chung, nên tổ chức làm sao để vừa đáp ứng nguyện vọng, nhu cầu của người dân lại vừa giữ được nét đẹp truyền thống của dân tộc. 

* Yêu cầu không có các hoạt động mê tín dị đoan, xem bói xem số, nhưng thực chất có thể kiểm soát được không? Đám cưới hiện nay hầu như bất kể ở đâu đều không bỏ qua được những thủ tục này, có những đôi uyên ương đã tan tác chỉ vì đôi bên gia đình cãi vã về ngày cưới, hoặc xem bói thấy bị "hạn", "xung"?
 
- Thật ra tinh thần chính của quy chế là vận động, tuyên truyền, nghiêng về khuyến khích, chứ không đến mức cấm đoán. Về những hoạt động "không nên" mà quy chế liệt kê ra, gồm "xem số, xem bói, xóc thẻ, yểm bùa, trừ tà...", thì ở đây ghi chung như thế, nhưng khi thực hiện cũng cần phân cấp mức độ một chút.

Không hoàn toàn cấm việc xem ngày, xem giờ...nhưng cũng không nên quá lệ thuộc. Xem số thì nên hạn chế. Còn những hoạt động quá nặng về mê tín dị đoan như xóc thẻ, yểm bùa trừ tà thì nên cấm hẳn. Kiểm soát để loại trừ những việc làm này rất khó, nên quy định chủ yếu có tính hướng dẫn chung.

Nhiều ý kiến cho quy chế có những điểm nhẹ hơn so với quy định của nhiều địa phương. Nhưng văn bản Nhà nước đưa ra chỉ đóng vai trò là định hướng chung. Các địa phương vẫn có thể, trên cơ sở quy chế này, đưa ra các quy định chặt hơn và nếu người dân nhất trí thì đưa vào hương ước để thực hiện. 

* Nhiều người cho rằng, sau 2 văn bản quy định của Chính phủ (Chỉ thị 27-CT/TW và Chỉ thị 14/1998/CT-TTg, ban hành năm 1998) mà tình trạng cưới xin lãng phí, lợi dụng cưới tang để trục lợi cá nhân vẫn tràn lan, vậy thì Quy chế lần này có khắc phục được không?

- Thật ra nếu ta chịu khó xem lại Kết quả tổng kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 27 vào năm 2003, ta sẽ thấy có nhiều tiến bộ tích cực. Nhất là ở các vùng nông thôn, nhiều đám cưới tiết kiệm; chính quyền, đoàn thể, các làng văn hóa làm được rất nhiều việc. Những tồn tại là có, song không phải là chủ đạo. Tiêu cực tất yếu nảy sinh trong cơ chế thị trường, nhiều thành phần kinh tế, nhiều thành phần dân cư. Và chính vì những mặt tồn tại như thế nên phải đưa ra quy chế này.

* Nếu có vi phạm, các biện pháp chế tài xử phạt cụ thể như thế nào? Có làm rõ trong Thông tư sắp tới không?

- Không có biện pháp chế tài cụ thể kèm theo Quy chế. Khi cần xử phạt, sẽ quy chiếu sang các Luật đã và sẽ ban hành như Luật chống tham nhũng và Thực hành tiết kiệm, Pháp lệnh Cán bộ công chức, hay 19 Điều Đảng viên không được làm,... Tuỳ theo tính chất, mức độ vi pham sẽ xử phạt hành chính, xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

* Dự kiến khi nào ban hành Thông tư hướng dẫn?

- Chúng tôi vừa bắt tay vào soạn và cố gắng hoàn thành sớm nhất, khoảng trong quý I/2006.

Bản quy chế Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội gồm 3 chương, 16 điều. không khác nhiều so với lần dự thảo cuối cùng. Đối tượng điều chỉnh là mọi công dân, song nhấn mạnh cán bộ, công chức, viên chức; sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, chiến sỹ trong các đơn vị lực lượng vũ trang.

Quy chế quy định việc cưới, tang, lễ hội phải đảm bảo không tổ chức trái thuần phong mỹ tục của dân tộc, không mê tín dị đoan, không gây mất trật tự xã hội... Công viên chức không được mời và dự tiệc cưới trong giờ làm việc; không sử dụng thời gian làm việc, công quỹ và phương tiện của cơ quan, đơn vị, tổ chức để đi dự lễ hội khi không có nhiệm vụ.

Không lợi dụng việc cưới, tang để nhận quà biếu nhằm trục lợi cá nhân; sử dụng công quỹ của cơ quan, đơn vị tổ chức để làm quà mừng cưới, viếng đám tang phục vụ mục đích cá nhân". Đặc biệt khuyến khích các hình thức cưới đơn giản như tổ chức tiệc trà thay cho tiệc mặn, báo hỷ thay cho mời dự lễ cưới.

Việc tổ chức tang lễ phải thực hiện đúng theo các quy định của pháp luật về hộ tịch, môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, an toàn giao thông, trật tự công cộng. Cần tổ chức việc tang chu đáo, trang nghiêm, gọn nhẹ, tiết kiệm. Hạn chế tối đa việc rắc vàng mã, tiền âm phủ, viếng vòng hoa. Không rắc tiền giấy hoặc tiền xu trên đường.

Đối với việc tổ chức lễ hội, phải thực hiện đúng quy định của Luật Di sản Văn hoá. Cần có biện pháp ngăn chặn và xử lý việc vi phạm di tích, lừa đảo, trộm cắp của du khách; thương mại hoá và các hoạt động mê tín dị đoan trong lễ hội.

Diễm Huyền/VNN

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.