Kỹ nữ và kỹ viện

19/11/2010 08:23 GMT+7

(TNTS) Thời xưa ở Trung Quốc chỉ có rượu chứ chưa có bia. Khái niệm bia (beer - tiếng Anh và bière - tiếng Pháp) là do người phương Tây tạo ra, nhằm chỉ một loại rượu nhẹ có gas nấu từ lúa mạch ướp hoa houblon để uống giải khát. Người Trung Quốc căn cứ vào tính chất này, gọi bia là khí tửu - rượu có gas. Vậy bia cũng là rượu, một thứ rượu nhẹ.

Đất Trung Quốc rộng lớn, đa sắc tộc, nhiều vùng giá rét từ mùa đông cho tới giữa mùa xuân. Để chống giá rét nhanh nhất, người ta uống rượu. Do vậy, rượu ở Trung Quốc phong phú về chủng loại, tên gọi, cách chưng cất, cách uống. Rượu góp phần làm nên ngũ châu (năm châu) của Trung Quốc. Người Trung Quốc thường nói: “Ăn ở Quảng Châu, chơi ở Hàng Châu, gái ở Tô Châu, rượu ở Quý Châu và chết ở Liễu Châu”.

Bởi có nhiều chủng loại rượu nên có nhiều khu ăn chơi ra đời. Tất cả đều được gọi chung là viện. Phần lớn người uống rượu lại là đàn ông cho nên nơi nào đưa đàn ông ra phục vụ rượu cho khách là thất bại. Phải là phụ nữ, mà là phụ nữ trẻ đẹp, có ngoại hình, có tài năng đàn ca thi phú mới hấp dẫn đàn ông. Ngôn ngữ Trung Quốc gọi những cô gái trẻ ấy là kỹ nữ (hay thương nữ).

Kỹ nữ được xem là một nghề trong xã hội phong kiến Trung Quốc. Nghề ấy gồm ba hoạt động: ca hát hoặc kể chuyện cho khách nghe, phục vụ rượu cho khách uống, ôm ấp khách và bán dâm cho khách nếu hai bên cùng muốn. Sử ký Tư Mã Thiên cho biết thời Xuân Thu, Tề Hoàn Công muốn binh lực nước Tề hùng mạnh để xưng bá. Quản Trọng (Quản Di Ngô) bèn tổ chức trên 700 nhà chứa cho gái bán rượu và bán dâm, lấy nguồn lợi nhuận đó tân trang binh lực. Cho hay, một đế chế hùng mạnh đã từng được xây dựng bằng khu vực A zone dưới huyệt Đan điền của phụ nữ! Ta có thể kết luận nghề kỹ nữ có từ thời Tề Hoàn Công.

Ở thế kỷ thứ 7, nhà thơ Lý Bạch viết:

Phong xuy mãn điếm liễu hoa hương.
Ngô cơ áp tửu khuyến khách thường.
(Gió đưa hương liễu đầy nhà,
Gái Ngô rót rượu thiết tha chào mời).

Gái Ngô là phụ nữ vùng Giang Nam, nổi tiếng xinh đẹp. Họ đang bán… bia ôm đấy.

Xin quần hùng đọc Thanh Niên tuần san chớ coi thường kỹ nữ bia ôm rượu ôm ngày xưa! Họ có thể là con nhà giàu, nhà sang, nhà nghèo có phẩm hạnh nhưng sa cơ lỡ vận bị bán vào kỹ viện. Phần lớn họ là những người phụ nữ thật sự xinh đẹp và tài hoa. Cá biệt, có những người chỉ đàn ca, chỉ cho khách ôm chứ không bán thân ngủ với khách.

Kim Dung cho biết cách tổ chức các kỹ viện rất chặt chẽ. Trong một viện - cỡ như Lệ Xuân viện thành Dương Châu của Lộc Đỉnh ký, người đứng đầu được gọi là má má (viện trưởng). Dưới tay má má có quy nô - những tay đàn ông chuyên dụ dỗ tìm kiếm gái về và sẵn sàng đánh đập nếu gái không chịu tiếp khách. Trong viện, còn có các mụ dầu - chuyên môi giới mại dâm.

Lộc Đỉnh ký mô tả thành Dương Châu (tỉnh Triết Giang) là chốn có nhiều kỹ viện nhất thời Khang Hy. Vi Tiểu Bảo xuất thân từ Lệ Xuân viện bởi mẹ y - bà Vi Xuân Phương là kỹ nữ già, ít khách nhất trong viện này. Mới 13 tuổi, y đã có tham vọng trở thành người giàu sang, mở thêm Lệ Hạ viện, Lệ Thu viện và Lệ Đông viện để cạnh tranh cho Lệ Xuân viện sập tiệm rồi đời. Mười tám tuổi, y trở về Dương Châu thăm mẹ, dẫn theo bảy cô vợ sắc nước hương trời. Bà mẹ ấm ớ nghĩ với cái dàn gái này mà con trai bà lập nên một kỹ viện thì tất cả kỹ viện khác ở Dương Châu sẽ trở thành… chùa bà đanh!

Thành thị phồn hoa có nhiều kỹ viện không nói làm gì. Lạ nhất là trong vùng núi non, trong hóc bà tó cũng có kỹ viện. Tiếu ngạo giang hồ nói dưới chân núi Hành Sơn có Quần Ngọc viện rất lộng lẫy. “Playboy” Điền Bá Quang đã vào ngủ với gái trong viện này và đánh nhau với Dư Thương Hải - đạo gia chưởng môn phái Thanh Thành. Hắn khen: “Viện Quần Ngọc dưới núi Hành Sơn còn lắm vẻ phong lưu”.

Núi Thiếu Thất (Hồ Nam) có chùa Thiếu Lâm - nơi thanh tu rực rỡ nhất của các nhà võ học Trung Quốc. Thế nhưng, dưới chân núi này cũng có kỹ viện! Vi Tiểu Bảo trong vai Hối Minh thiền sư, đang làm phó trụ trì chùa Thiếu Lâm nhưng chịu không nổi, phải hóa trang xuống đây ôm một tí. Đang lúc hắn cao hứng sờ tí ngực, véo tí đùi thì lại bị hai cô gái cầm đơn đao vây hai cổng trước sau, đòi chém. Hắn sợ chết, bèn tung tiền nhờ các kỹ nữ chửi rủa hai cô, lại lấy quần áo và tóc giả của kỹ nữ đội vào. Rồi hắn hô lên một tiếng cho các kỹ nữ chạy ra hai cổng. Hắn diễn màn Ô quy thoát xác (Rùa đen cởi lốt), trà trộn chạy về được tới chùa Thiếu Lâm mà vẫn tim đập chân run.

Những người đàn ông có văn bằng cử nhân đạo đức học trở lên và các cô gái nhà lành đều coi kỹ viện là nơi nhơ nhớp. Họ gọi những  kỹ nữ là con người “xuất thân từ chốn phong trần”. Thế nhưng nói thì nói vậy mà lắm khi, người ta phải… vào kỹ viện. Tiếu ngạo giang hồ xây dựng một tình huống ngộ nghĩnh: tiểu ni cô Nghi Lâm trong trắng như ngọc phải vào Quần Ngọc viện để cứu mạng ân nhân của mình là Lệnh Hồ Xung.

Dư Thương Hải quyết bắt Nghi Lâm để hạ nhục phái Hằng Sơn. Lệnh Hồ Xung phải đánh một nước cờ nguy hiểm, bảo cô nằm trên giường đắp chăn lại. Rồi hắn lấy tóc cô gái nằm bên cạnh phủ qua cái đầu trọc lóc của Nghi Lâm. Dư Thương Hải vào phòng, giở chăn ra coi, thấy hai cô gái có tóc thì thất vọng muôn phần. Lệnh Hồ Xung còn đánh một nước cờ cân não: “Ngươi muốn nhìn thấy gái khỏa thân không?”. Dư Thương Hải bèn phải đắp chăn lại.

Kỹ viện đôi khi trở thành nơi cứu được người anh hùng. Mao Thập Bát bị quan binh nhà Thanh truy nã, phải trốn vào Lệ Xuân viện thành Dương Châu. Lệnh Hồ Xung bị đệ tử Thanh Thành gây trọng thương, phải trốn vào Quần Ngọc viện dưới núi Hành Sơn.

Kỹ nữ làm nên nguồn cảm hứng trong thi ca. Đỗ Mục bị đày xuống Dương Châu. Nhà thơ tài hoa phải sống với một kỹ nữ. Ông ôm lấy cái lưng thon nhỏ của người đẹp mà làm bài Khiển hoài danh tiếng:

Lạc phách giang hồ tái tửu hành,
Tiểu yêu tương tế chưởng trung khinh.
Thập niên nhất giác Dương
Châu mộng,
An đắc thanh lâu bạc hạnh danh.
(Lưu lạc giang hồ đã bấy lâu,
Ôm lưng thon nhỏ sống bên nhau.
Mười năm, một giấc Dương
Châu mộng,
Mang tiếng trăng hoa nghĩ lại sầu).

Bạch Cư Dị bị đày đi làm tư mã Cẩm Giang, gặp cô kỹ nữ tài hoa chơi đàn tỳ bà mà cảm hứng viết ra bài Tỳ bà hành danh tiếng. Nhà thơ phải mời ngàn lần, vạn lần cô mới xuất hiện.

Thiên hô, vạn hoán thỉ xuất lai.
Do bão tỳ bà bán già diện.
(Muôn lần mời mọc mới ra,
Ôm đàn che nửa mặt hoa thẹn thùng).

Nhà thơ Ngô Mai Thôn gặp kỹ nữ Trần Viên Viên, say đắm mà viết thành Viên Viên khúc - bài trường ca danh tiếng cuối Minh đầu Thanh. Danh sĩ thì yêu giai nhân, đàn ông thì phải yêu phụ nữ, anh thì phải yêu em; đạo lý trên đời là vậy.

Ai cũng có quyền sống, có quyền mưu cầu cơm áo cho mình, cho gia đình. Những bạn gái nghèo, những bạn gái sa chân lỡ bước sẽ sống ra sao nếu họ không tìm một phương để kiếm sống. Nếu họ có bán thì họ chỉ bán cái mà họ có, không phương hại đến ai.

Vũ Đức Sao Biển

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.