Quý tộc Lê - Trịnh dùng đồ gốm xứ Phù Tang

01/11/2011 00:29 GMT+7

Mảnh đáy của chiếc bát đặt hàng riêng cho hoàng cung là chứng nhận quan hệ giao thương Nhật - Việt thời vua Lê chúa Trịnh bằng gốm hoa lam. Nó cũng cho thấy sự tinh tế, sang trọng của các chủ nhân Hoàng thành Thăng Long thời ấy.

Một xuất xứ khác

TS Bùi Minh Trí, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh thành Thăng Long, cho biết: “Mảnh đáy bát hoa lam này có lớp men mỏng và trong lạ thường. Xương gốm cũng mảnh và khác hẳn với những mảnh gốm Trung Hoa đã tìm thấy trong Hoàng thành Thăng Long. Những yếu tố này khiến chúng tôi nghĩ đến việc nó có một xuất xứ khác”.

Đặc biệt hơn, mảnh đáy bát có kỹ thuật tạo chân đế cũng khác biệt với những chân đế từng thấy tại Hoàng thành Thăng Long. “Thật khó tả cho người ngoài nghề gốm về điều này. Chỉ có thể nói rằng chiếc bát thuộc nhóm đồ sứ rất cao cấp do triều đình đặt làm. Nhưng mọi người có thể nhìn vào điều dễ thấy nhất là những hoa văn, dòng chữ ghi trên đó, tuy nó không còn nhiều”, TS Trí nói.

Giữa lòng đáy bát vẽ hình linh thú. Dưới đáy chỉ còn ghi: “Nội… thị…”. Do một nửa còn lại của đáy bát này chưa tìm thấy nên không biết được hai chữ Hán còn lại. Mặc dù vậy, theo TS Trí, dựa vào lối viết chữ Hán và từ hai từ này có thể suy đoán chắc chắn rằng, toàn bộ chữ trên đó là “Nội phủ thị trung”, “Nội phủ thị hữu” hoặc “Nội phủ thị tả”… Đây là loại vật dụng dưới đáy bát ghi rõ chúng của phủ nào trong hoàng cung - từ chuyên môn gọi là ghi hiệu đề.

Điểm thú vị không kém là cuộc khai quật khu di tích Hoàng thành Thăng Long cho đến giờ chưa tìm thấy hiện vật gốm sứ có hiệu đề nào của Trung Quốc. Mặc dù, số lượng đồ sứ Trung Quốc tại đây không hề nhỏ. 

Mảnh gốm Nhật Bản có chất lượng tuyệt hảo phản ánh nhu cầu rất cao của đời sống hoàng cung Thăng Long lúc bấy giờ

TS Bùi Minh Trí

Một con đường giao thương dài

Thông tin về gốm hiệu đề có xuất xứ Nhật Bản này đã đem lại sự bất ngờ cho giới nghiên cứu, bởi từ lâu người ta chỉ biết đến những đồ sứ hoa lam do triều đình Đại Việt đặt làm tại lò Cảnh Đức Trấn, Trung Quốc, gọi là đồ sứ kí kiểu. Đặc điểm quan trọng của những đồ sứ này là phổ biến trang trí các đồ án hoa văn rồng, phượng, hoa lá và động vật, đặc biệt dưới đáy được ghi rõ nơi sử dụng… Thậm chí, triều đình có quy định rất chặt chẽ về việc sử dụng và bày đặt các loại gốm quý tại các cung điện trong hoàng cung.

TS Trí cho biết: “Những khảo cứu công phu của Hoàng Anh Tuấn về giao thương của nước ta cho thấy từ năm 1666 đến 1681, Thế tử Trịnh Căn và chúa Trịnh Tạc đã đặt mẫu làm đồ sứ Nhật Bản với số lượng đáng kể. Phần nhiều trong số này là các loại bình để trang trí nội thất và những đồ gốm dùng cho sinh hoạt hằng ngày trong Vương phủ”.


  Gốm được phát hiện ở Hoàng thành Thăng Long - Ảnh: T.L

Ông Trí nói thêm, gốm Nhật Hizen từ lâu đã trở nên quen thuộc với giới nghiên cứu thông qua các bài viết về những phát hiện đồ sứ Nhật Bản tại các di tích thương cảng, di chỉ cư trú và mộ táng ở khu vực miền Bắc, miền Trung và miền Nam. Tuy nhiên, đó không phải là đồ sứ đặt làm theo yêu cầu. Còn thông tin về những đồ sứ Nhật Bản do vua chúa Đại Việt đặt làm như chính chiếc bát có đáy vỡ này lại rất ít người biết đến.

Chính vì vậy, theo TS Trí, phát hiện về gốm Nhật có hiệu đề này được đánh giá rất quan trọng. Một phần bởi nó xác nhận những ghi chép về các sự kiện đặt làm đồ sứ cao cấp tại Nhật Bản vào những năm 1666-1681. Thêm vào đó, đây chính là bằng chứng hiếm hoi cho biết thời điểm đặt làm đồ sứ nước ngoài của triều đình Thăng Long. Bằng chứng này cho thấy rõ rằng, sau năm 1644, do biến động chính trị tại Trung Quốc, nhà Minh sụp đổ và nội chiến kéo dài tại miền nam Trung Quốc làm cho việc sản xuất đồ sứ tại các lò Cảnh Đức Trấn bị đình trệ, nên triều đình Thăng Long đã đặt hàng đồ sứ của các lò gốm vùng Hizen Nhật Bản thông qua thương lái Hà Lan.

“Mảnh gốm Nhật Bản có chất lượng tuyệt hảo, ghi hiệu đề nói đến trong bài viết này được xem là hình ảnh đồ sứ kí kiểu đầu tiên hiện biết tại Thăng Long, phản ánh nhu cầu rất cao của đời sống hoàng cung Thăng Long lúc bấy giờ”, ông Trí kết luận.

Ngô An

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.