Vẫn còn được sống - Kỳ 2: Trả ơn cuộc đời

11/11/2010 11:22 GMT+7

Buổi tối trong một căn nhà khuất hẻm nhỏ trên đường Hưng Yên, TP Nam Định, chị Trần Thị Tuyết Thanh cùng con trai Đức Huy và con gái Tuyết Mai giở chiếc hộp đồ chơi với cả trăm thanh gỗ nhỏ xếp gọn thành khối ra.

>> Kỳ 1: Tổ ấm của hai mảnh hồn lạc

Thanh khéo léo đẩy vài thanh gỗ ra và chỉ vào chỗ trống trên khối chữ nhật: “Khối chữ nhật giống hệ thống sức đề kháng cơ thể mình, mỗi ngày mình quên uống thuốc sẽ tạo ra một lỗ trống lỏng lẻo gây nguy hiểm đến sức khỏe”. Từ thuở lọt lòng, Đức Huy đã quen với việc uống thuốc đúng giờ vì trót mang số phận của một người nhiễm HIV... giống như mẹ và cha em.

Vì con cần được sống

Đức Huy sinh ra đã không chịu cười nói gì. Nhiều lần cho con bú, chị Thanh nhìn con rồi oán trách bản thân vì nghĩ tại mình buồn lo mà cháu không biết mỉm cười. Huy sốt ngày sốt đêm. Sốt xong chuyển qua tiêu chảy. Thân thể thằng bé từ ngày lọt lòng chỉ toàn tiếng khóc, toàn đau bệnh và toàn những lần ra vào bệnh viện. Thanh chỉ biết ôm con hết vào bệnh viện lại về nhà, chữa khỏi rồi bị lại. Cô chỉ nghĩ cháu yếu mà hay đau bệnh chứ tuyệt nhiên không biết gì.

Bác sĩ khuyên cô đưa Huy lên Hà Nội xét nghiệm. Lúc có kết quả cũng là lúc Thanh nhận ra mình và chồng nhiễm HIV từ lâu rồi mà không hề hay biết. Cô gái nhà buôn bán quen bươn chải lần đầu tiên phải chống chọi với chính sự sụp đổ trong tâm hồn mình mỗi khi nhìn con khóc ngặt đau đớn.

Đức Huy bị tiêu chảy nặng và yếu đến mức bác sĩ nản lòng. Thanh kể lại: “Cháu bị nấm họng cả năm không ăn được. Nấm trong thực quản làm cháu đau không nuốt được. Cháu cứ phải cầm cái ca để nhổ nước bọt vào. Đã 3-4 tuổi mà chỉ nặng có 6kg. Đút cho cháu một thìa cháo thì mẹ và con cùng khóc”.

Những ngày ở bệnh viện, ban ngày Thanh chăm sóc cho con. Buổi trưa Thanh cầm hết những tờ tài liệu người ta phát ở phòng khám cho bệnh nhân HIV, đi hết từ nhóm tự lực này tới tổ chức khác. Cô đi tìm vì tin rằng phải có một cách nào đó chữa trị cho con trai mình. Cho đến một ngày Thanh được nghe một buổi nói chuyện về điều trị và sống với HIV ở mạng lưới các bạn tự lực “Vì ngày mai tươi sáng” (VNMTS), cô quyết định tìm hiểu để giúp con mình sống lâu hơn.

Có người bảo Thanh “bỏ đi!” để lo cho con gái lớn khỏe mạnh ở nhà. Nhưng Thanh nhìn con khóc lại đau uất trong lòng, quyết không thể bỏ con chết trong bệnh tật như thế. Thanh nhớ lại: “Mình đến với nhóm VNMTS như một người chết đuối”. Những ngày đó bác sĩ từ chối không tiếp tục điều trị cho Huy vì cháu như không còn hi vọng gì nữa.

“Tôi xác định là mất con rồi. Tôi khóc với các anh chị ở nhóm và nói với họ như thế”. Vợ chồng anh Ong Văn Tùng, trưởng nhóm VNMTS, lúc ấy có tìm hiểu và đã đưa tên thuốc trị nấm họng của người lớn và bảo Thanh thử mua cho cháu uống như một cuộc liều vớt vát cuối cùng. Tuyết Thanh về nhà thuốc bệnh viện mua một viên giá 12.000đ, chia viên thuốc thành bốn liều trẻ em và cho Huy uống trong hai ngày.

Như một ơn huệ của đời, uống hết ba viên thuốc, Đức Huy bỗng dần dần ăn được, nấm họng khỏi dần, bệnh tiêu chảy cũng cầm hẳn.

Mẹ trả ơn sự sống cho đời

“Có lẽ ông trời thương mình. Trời đã cho con quay lại với mình” - Tuyết Thanh tổng kết lại mấy năm đầy nước mắt như vậy. Cô đã được những anh chị trong mạng lưới VNMTS Hà Nội hướng dẫn, chỉ dạy cách chăm sóc con cái và bản thân khi phải sống chung với HIV. Anh Ong Văn Tùng ngỏ lời đề nghị Tuyết Thanh khơi mở nhómbạn tự lực đầu tiên cho người nhiễm HIV tại thành phố Nam Định.

Ngày 30-4-2006, ngay tại gia đình mình, Thanh cùng hai người bạn ban đầu từ nhóm đồng đẳng thành lập nhóm VNMTS Nam Định. Tổng số thành viên chỉ có ba người. Thanh nói nhẹ bẫng: “Ngay khi nhận lời với anh Tùng, mình về nhà thanh lý cửa hàng quần áo để bắt đầu công việc mới”.

Ngôi nhà của Tuyết Thanh bây giờ ngoài tiếng ríu rít của hai chị em Huy và Mai mỗi ngày đi học về, còn có cả những buổi sinh hoạt nhóm VNMTS của những người nhiễm HIV trong thành phố Nam Định. Bà Trần Thị Bích, mẹ Thanh, luôn là người nấu ăn cho cả nhóm. Bà cũng như một người mẹ của những bạn trẻ cùng cảnh với con gái mình. Các bạn tâm sự với ông bà tự nhiên, kể chuyện nhà chuyện bệnh cũng tự nhiên. Từ hai người già lo sợ chẳng biết bệnh AIDS là gì, cha mẹ Tuyết Thanh đã trở thành những người cùng con gái siết chặt sự bền vững của nhóm bạn tự lực mới thành hình này.

Thanh cay đắng nói: “Từ con mình mình biết, khi người ta đưa cháu xuống khoa lây, nhìn phòng bệnh không có cửa, hoang tàn, chuột chạy qua chạy lại. Mình bế con mà cảm thấy như xuống địa ngục”. Cảm giác ấy đeo đẳng Thanh đến mức cô sẵn sàng bất kể ngày đêm đến ngay nhà săn sóc khi bệnh nhân nào gặp cơn trái gió trở trời mà bị đau đớn.

Thanh cũng là người nổi tiếng trong cả nhóm VNMTS phía Bắc vì số lượng bệnh nhân hằng tháng cô dẫn đến tư vấn chữa trị, khám, xét nghiệm miễn phí ở Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội. Với người nghèo, cô giới thiệu để bác sĩ chỉ cách duy trì sức khỏe ít tốn tiền. Với người khá, cô giới thiệu bệnh viện để bác sĩ chỉ dẫn điều trị cụ thể.

Giữa những cuộc khám bệnh, Thanh nhận ra người bệnh cảm động và mạnh mẽ sống nhiều hơn khi có bạn cùng cảnh nâng đỡ, khi vào phòng khám bác sĩ nắm tay khám bệnh mà không cần đeo găng tay. Trong hàng trăm bệnh nhân Thanh đã giúp đỡ, cô nhớ hết từng chi tiết kinh nghiệm để có thể cùng bạn bè giúp đỡ người bệnh đến sau tốt hơn. Thanh hạnh phúc nói: “Mình đi giúp lại những người khác để những đứa trẻ giống con mình hoặc những bạn có hoàn cảnh như mình không phải đau khổ quá lâu và mù mịt không biết gì như mình trước kia nữa”.

Cuối năm 2007, Tuyết Thanh đoạt giải sáng tạo phòng chống AIDS trong Ngày sáng tạo phòng chống AIDS Việt Nam với dự án “Cho bạn cho tôi”, đưa các buổi chia sẻ và tuyên tuyền về HIV/AIDS đến các phường xã và những đối tượng thiếu thông tin.

Mỗi lần nhắc đến dự án, Tuyết Thanh lại run lên vì hạnh phúc khi thấy những bà mẹ ngồi nghe câu chuyện ngắn ngủi trong các buổi chia sẻ của mình chạy lên ôm cô và mấy bạn, không còn sợ hay kỳ thị gì nữa. Nhiều cuộc điện thoại kết nối đến với nhóm ngay sau những đêm diễn kịch, buổi nói chuyện. Những câu chuyện đau thương được bóc vỏ, những hi vọng được dịp sống còn và nhiều đứa trẻ, người mẹ được tiếp cận sớm với điều trị HIV, ngay cả khi họ ở những xã rất xa thành phố.

Con trai Đức Huy của Thanh bây giờ nặng đến 30kg. Cháu học lớp 2, đẹp trai và cao gần bằng chị gái của mình.

Tuyết Thanh nói cô chưa bao giờ ngừng yêu cuộc sống này một phút nào cả...

Theo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.