Ở ký túc xá mà… run

04/11/2010 03:08 GMT+7

Quá cũ kỹ Nhiều ký túc xá (KTX) tại TP.HCM hiện nay bị xuống cấp trầm trọng, sinh viên (SV) phải ở trong những điều kiện cơ sở vật chất rất kém và ẩn chứa nhiều nguy hiểm.

Ngày cũng như đêm

KTX ĐH Ngân hàng TP.HCM (Q.Thủ Đức) hiện có 16 khu, 306 phòng với 2.500 SV đang lưu trú nhưng chỉ một khu K1 với 40 phòng, sức chứa 320 SV là đạt chuẩn. Ông Nguyễn Quốc Hùng - Trưởng ban quản lý KTX - thừa nhận: “Chỉ có khoảng 17% sinh viên tại KTX này được ở trong điều kiện phòng ốc đạt chuẩn (đây là khu dịch vụ, SV vào đây phải đóng 300 ngàn đồng/người/tháng - PV). 83% SV còn lại phải ở trong những căn nhà cấp 3, cấp 4 với tình trạng phòng rất kém. Vì vậy, nhà trường đang tập trung đầu tư nâng cấp những khu này”.

Tại khu B, KTX ĐH Y Dược TP.HCM tường bị nứt loang lổ - ảnh: Lê Thanh

Theo ghi nhận của chúng tôi, khu 1 và khu 3 hiện có khoảng 160 SV nữ ở trong những căn phòng tệ hại. Tất cả phòng tại 2 khu này đều không có quạt trần nên lúc nào cũng nóng hầm hập. Gạch lót nền quá cũ, ẩm thấp và dơ bẩn. Phía trên là trần la-phông làm bằng cót ép đã nhiều năm trông thảm hại. Không gian trong phòng thì ảm đạm và tối om. Ngọc (SV năm 3, ngụ khu 1) cho biết: “Ở đây phòng ốc bít bùng, ngột ngạt và tối tăm. Phòng không có một chỗ trống để ánh sáng lọt vào. Vì vậy, ngày cũng như đêm lúc nào tụi em cũng phải bật đèn”.

Sinh viên bức xúc

Tại KTX ĐH Sư phạm TP.HCM (trên đường Lạc Long Quân, Q.11), nhiều SV ở khu A và khu B than phiền hệ thống thoát nước nhà vệ sinh thường xuyên bị nghẹt nên rất dơ bẩn, hôi hám. Gạch lót nền nhà tắm nhiều phòng bị hư hỏng, bong tróc nhiều năm nay nhưng vẫn không được lát lại. Dương Văn Thọ (SV năm 4, ngụ tại phòng A8) bức xúc: “Quạt hư, tường thì thấm, gạch nhà tắm bị tróc, cống thoát nước nhà vệ sinh thường xuyên bị nghẹt nên hôi thối không chịu nổi. Tụi em báo với Ban quản lý KTX đã lâu mà vẫn không được sửa chữa”.

Còn Nguyễn Thị Tuyết Nhung (SV năm 2) thì lo lắng: “Do trần làm bằng la-phông cót ép đã lâu nên bị mục, bụi bặm rớt xuống mỗi ngày. Nếu cứ ở mãi trong tình trạng này, chắc có ngày tụi em bị viêm mũi hết”. Tại khu M1 và M2 có khoảng 240 SV ở trong các dãy nhà cấp 4, chật chội và trần nhà quá thấp nên luôn chịu cảnh nóng bức kinh hoàng. Theo ông Hùng, Ban quản lý sẽ tìm cách khắc phục bằng cách lắp đặt quạt thông gió trên mái tôn và lắp quạt cho các em.

Dán giấy che chỗ hỏng

KTX ĐH Nông lâm TP.HCM (Q.Thủ Đức) cũng bị xuống cấp trầm trọng, nhiều phòng bị thấm nước. Do tường quá cũ, hệ thống đèn lại chập chờn nên lối đi giữa 2 dãy phòng trong khu KTX tối mù. Những tiện nghi sinh hoạt thì rất tệ, SV phải sử dụng khu nhà vệ sinh chung nhưng cũng đã xuống cấp nghiêm trọng. Ngoại trừ khu E mới xây cách nay mấy năm thì SV có chỗ phơi đồ, những khu còn lại như A, B, C, D thì SV phải tận dụng chỗ phơi đồ bên ngoài cửa sổ nên vô cùng bất tiện và trông nhếch nhác. Danh Hưởng (SV năm nhất, khoa Công nghệ sinh học) than: “Muốn SV học tốt thì nhà trường phải tạo điều kiện về chỗ ở. Chứ anh thấy đó, phòng ốc thì cũ kỹ, tối tăm; hệ thống giường tầng bằng gỗ đã quá cũ nên rất nguy hiểm. Điều đáng nói là ở đây không có chỗ phơi áo quần. SV phải phơi đồ ngoài cửa sổ khiến nhiều bữa dở khóc dở cười, vì đồ phơi khô chưa kịp lấy vô thì các bạn ở tầng trên mang đồ ra phơi làm nước nhiễu xuống ướt hết đồ ở phòng bên dưới”.

 Khu B và khu C KTX ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM (Q.Thủ Đức) cũng trong tình trạng thê thảm. Nhiều mảng tường bị nứt, loang lổ nên SV phải dán giấy khắp vách tường để che những chỗ hỏng. Được biết, khu B và C xây dựng đã rất lâu, nhưng theo giải thích từ phía Ban quản lý KTX thì cũng phải “cầm cự” cho các em ở đỡ chứ không còn chỗ nào khác cả.

Bê tông trên trần rớt xuống

Trần nhà tại khu 1, KTX ĐH Ngân hàng hư hỏng nặng - ảnh: Lê Thanh

KTX ĐH Y Dược (Q.5) có hơn 300 phòng với sức chứa hơn 2.000 SV. KTX có 5 khu thì khu A và B xây dựng cách đây hơn 40 năm nên tình trạng rất tồi tệ. Tại khu B, hệ thống nhà vệ sinh và nhiều phòng ở bị thấm nước nghiêm trọng, tường hoen ố và bị nứt nhiều chỗ rất nguy hiểm. Mai Ngọc Yến (SV năm 2, ngụ khu B) cho biết: “Phòng của em bị hư hỏng rất nặng, do trần thấm nước nên vào mùa mưa bị dột thường xuyên khiến nước chảy lênh láng trong phòng. Cách đây mấy hôm, tụi em đang ở trong phòng bỗng một mảng bê tông trên trần rớt xuống, rất may không trúng ai. Hiện vẫn còn một mảng bê tông cũng đang bị lở chưa biết sẽ rớt lúc nào”. 
 

Cách đây mấy hôm, tụi em đang ở trong phòng bỗng một mảng bê tông trên trần rớt xuống, rất may không trúng ai. Hiện còn một mảng bê tông cũng đang bị lở chưa biết sẽ rớt lúc nào.

MAI NGỌC YẾN (SV năm 2,
ngụ khu B, KTX ĐH Y Dược, Q.5)

Không riêng gì khu A và khu B bị xuống cấp mà những khu vừa mới xây cũng đã bị hư hỏng nặng. Nguyễn Hưng Thịnh (SV năm 3, khu D) bức xúc: “Cách đây mấy tháng, phòng em bị thấm nước nhưng nhiều lần báo với Ban quản lý KTX vẫn không thấy sửa. Phải đợi đến khi nước chảy tràn xuống nền nhà và tụi em la lên thì Ban quản lý KTX mới chịu khắc phục. Hiện nhà tắm bị thấm nước nghiêm trọng, cửa chính và cửa nhà tắm trong phòng cũng bị hư hỏng đã lâu nhưng chưa được sửa lại”.

Không chỉ thế, SV ở đây còn phải sử dụng nước sinh hoạt bị nhiễm phèn nặng. Đinh Ngọc Linh (khu A) cho biết: “Quần áo mới mua nhưng chỉ giặt qua một hai lần là bị vàng ố. Nếu không muốn quần áo nhanh cũ thì chỉ còn cách mang đồ ra tiệm giặt nhưng SV tụi em làm gì có tiền cho những khoản đó nên hầu hết các bạn đành phải dùng nước bị nhiễm phèn”.

L.T

Hư đâu sửa đó

Để đối phó tình trạng KTX xuống cấp hiện nay, hầu hết các trường chỉ sửa chữa tạm thời, tức hư chỗ nào sửa chỗ đó và ráng “cầm cự” chờ xây mới.

Ông Trần Văn Huy - Phó trưởng Ban quản lý KTX ĐH Khoa học tự nhiên (135B Trần Hưng Đạo, Q.1) nhìn nhận: “KTX này xây dựng cách đây vài chục năm nên không thể tránh khỏi tình trạng xuống cấp. Năm nào nhà trường cũng trích một khoản kinh phí để sửa chữa, bảo dưỡng KTX nhưng cũng chỉ là sửa chữa nhỏ. Nói chung là khắc phục theo kiểu tạm thời, tức SV báo hư chỗ nào thì chúng tôi khắc phục chỗ đó, chứ không thể sửa chữa lớn được. Nếu muốn sửa chữa lớn và đồng loạt thì phải cho SV ra ngoài ở hết. Hơn nữa, phải cần một khoản kinh phí rất lớn từ phía ĐH Quốc gia TP.HCM cấp xuống thì mới làm được việc này”.

Tương tự, ông Nguyễn Ngọc Dĩnh - Trưởng KTX Đại học Y Dược TP.HCM cho biết: “Nhà trường cũng thường xuyên sửa chữa nhưng chỉ sửa chữa lại hệ thống điện, nước hư hỏng nhằm phục vụ nhu cầu thiết yếu của SV. Còn nếu muốn sửa chữa lớn và đại trà như chống thấm, sơn mới lại toàn bộ KTX thì phải xin kinh phí của Bộ. Hơn nữa, nhà trường cũng đã có dự án xây dựng KTX mới nên SV ở những khu vực này cũng chỉ mang tính tạm thời”.

L.T

Lê Thanh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.