Rào cản

05/12/2010 01:56 GMT+7

Quyết định mới đây của UBND TP Đà Nẵng về việc không nhận sinh viên tốt nghiệp hệ tại chức vào làm việc tại các cơ quan, đơn vị thuộc bộ máy nhà nước gây ra nhiều vấn đề cần tranh luận.

Mục đích của chương trình giáo dục thường xuyên thông qua những hình thức như hệ tại chức (nay là hệ vừa làm vừa học) là tốt đẹp. Theo quy định cùa Chính phủ về cơ cấu khung của hệ thống giáo dục quốc dân, hệ thống văn bằng, chứng chỉ về giáo dục-đào tạo thì những hình thức đào tạo như tại chức là “nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho mọi công dân ở mọi trình độ có thể học tập thường xuyên, phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của từng người, đáp ứng những nhu yêu cầu phát triển kinh tế và xã hội, khoa học và công nghệ, văn học và nghệ thuật”. Điều này thể hiện đúng xu thế hiện nay là học tập suốt đời và cũng bộc lộ tính nhân văn ở chỗ tạo mọi cơ hội học tập cho mọi người ở bất cứ thời điểm nào trong cuộc đời.

Thực tế hiện nay hình thức đào tạo này còn nhiều bất cập dẫn đến những kết quả không như mong muốn. Tuy nhiên, đây là một vấn đề khác, chúng tôi sẽ bàn vào dịp khác.

Người học khi kết thúc quá trình học tập, cho dù dưới bất kỳ hình thức đào tạo nào, hễ nhận được bằng cấp trong hệ thống văn bằng quốc gia đều có giá trị ngang nhau. Do đó, việc công khai không nhận người có bằng tại chức vào làm việc như quyết định của UBND TP Đà Nẵng rõ ràng là không hợp lý. Đó là chưa kể điều này còn tạo một tiền lệ xấu vì biết đâu sau này sẽ có những đơn vị quy định không nhận bằng cấp hệ liên thông, văn bằng 2, đào tạo từ xa... Ngoài ra, quy định này còn thể hiện tư duy nặng về bằng cấp mà dư luận hiện đang cho rằng nó chính là một trong những rào cản để chúng ta nhận ra người có năng lực thật sự. Tư duy nặng về bằng cấp cũng khiến nhiều người lao vào cuộc chạy đua tìm bằng với mọi giá thế nên mới có bằng giả, bằng dỏm...

Quy định này cũng đi ngược lại với chủ trương của Nhà nước là tạo nhiều con đường khác nhau để thanh niên học tập. Để hạn chế lượng học sinh chưa đủ năng lực nhưng cứ chọn con đường vào ĐH, Bộ GD-ĐT đã có chương trình liên thông từ trung cấp chuyên nghiệp lên ĐH. Mới đây, Liên bộ GD-ĐT và Bộ LĐ-TB-XH cũng đã chính thức cho phép học sinh trung cấp nghề được liên thông lên ĐH-CĐ. Như vậy, học sinh, thanh niên đã có thêm nhiều con đường để vào ĐH. Thế nhưng nếu địa phương nào, cơ quan nào cũng thực hiện như Đà Nẵng thì liệu học sinh có mạnh dạn chọn con đường này vốn gian nan hơn, đòi hỏi lòng kiên nhẫn và quyết tâm cao hơn nhưng nguy cơ không được nhìn nhận cũng cao hơn?

Ở khía cạnh tình cảm, quyết định này vô tình lại gây nỗi buồn cho những người muốn học hỏi nhưng lại không có thời gian tham gia các chương trình đào tạo chính quy. Giả sử một người đã có trình độ cao ngành thuộc lĩnh vực kỹ thuật hay công nghệ nhưng nay muốn học thêm về kinh tế hoặc luật. Không có thời gian để theo các khóa chính quy, họ tranh thủ buổi tối đến với các lớp tại chức. Cũng học hết mình, cũng nghiên cứu tận tâm nhưng chẳng lẽ bằng tại chức mà họ có được lại không được thừa nhận? Đó là chưa kể còn vô số những hoàn cảnh khác nhau đưa đẩy một ai đó phải học hệ tại chức dù họ thật sự là người có năng lực.

Chất lượng yếu kém của hệ tại chức là điều chúng ta cần phải đấu tranh để thay đổi. Tuy nhiên, không thể vì vậy mà tạo rào cản trên con đường lập nghiệp của những người khác.  

Thùy Ngân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.