Cảnh báo tình trạng "ăn cắp" xăng tại các cây xăng tại Hà Nội

03/12/2007 19:06 GMT+7

Người tiêu dùng không những phải chi trả nhiều tiền hơn khi giá xăng dầu tăng, mà còn canh cánh nỗi lo bị "móc túi" tại các cây xăng.

Trong tuần qua đội Chi Cục Quản lý thị trường (QLTT) thành phố đã tiến hành kiểm tra đột xuất tại một số cây xăng tại Hà Nội. Kết quả bước đầu, phát hiện cửa hàng xăng dầu 438 Trần Khát Chân đã sử dụng phương tiện đo nhiên liệu xăng A92 sai, không đạt yêu cầu về đo lường hàng hoá. Các số đo sai lệch vượt mức cho phép.

Đây không phải trường hợp đầu tiên bị phát hiện sai số về đồng hồ đo xăng vượt mức cho phép. Trước đó, Chi Cục QLTT Hà Nội đã phát hiện và xử lý một cây xăng gắn chíp vào đồng hồ đo làm sai lệch kết quả.

Bên cạnh các kết quả chính thức được Chi Cục QLTT công bố, nhiều bạn đọc báo Thanh Niên cũng phản ánh, không chỉ có cây xăng ở Trần Khát Chân, hàng loạt các cây xăng khác ngang nhiên "móc túi" người tiêu dùng nhiều năm nay mà vẫn chưa bị xử lý.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, các cột bơm xăng ở Hà Nội mỗi năm chỉ kiểm định 1 lần. Nghĩa là, nếu một cây xăng nào đó gặp trục trặc, tất yếu người tiêu dùng sẽ phải gánh chịu thiệt hại trong một thời gian dài.

 Ông Trần Vũ Linh, Đội trưởng đội QLTT số 14 cho hay: "Nhiều cây xăng các cột bơm quá cũ. Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cơ quan kiểm định đo lường nên kiểm tra các cột bơm xăng 6 tháng/lần, như vậy mới hạn chế những sai sót".

Tuy nhiên, việc "móc túi" người tiêu dùng bởi máy móc chỉ là một nguyên nhân, trong nhiều trường hợp khác thủ phạm chính là nhân viên bán hàng. Anh Duy Thắng, ở Lĩnh Nam kể: "Có lần tôi mua 30.000 đồng tại cây xăng ở đường Tam Chinh nhưng nhân viên bán hàng chỉ bấm đồng hồ đến 20.000 đồng thì dừng lại. Thấy tôi thắc mắc, lúc đó họ mới vội vàng bơm thêm 10.000 đồng. Nếu mình không cảnh giác cao độ đã bị mất tiền oan".

Anh Ngọc Minh ở Khâm Thiên bức xúc: "Tôi đã từng bị móc túi 200.000 nghìn đồng tại cây xăng Nam Đồng. Mua 400.000 đồng chỉ được phân nửa bình xăng ô tô 65 lít. Thủ đoạn của của họ là bơm nối xăng từ xe trước, sang xe mình. Chỉ một phút sơ ý, mình phải trả tiền gấp đôi. Sau bận ấy, tôi cạch đến già không quay lại cửa hàng đó nữa".

Ngoài những hành vi gian lận về đo lường, tại một số cây xăng còn xuất hiện hành vi gian lận về chất lượng. Ông Nguyễn Mạnh Ẩm, Giám đốc Trung tâm kĩ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 1 (Tổng cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng) cho biết: "Có đến 30% mẫu gửi đến trung tâm thời gian gần đây không đạt về chất lượng. Trong đó, phần lớn không đạt là chỉ tiêu Ốc-tan trong xăng thấp hơn mức cho phép. Chỉ tiêu này càng cao thì càng an toàn cho động cơ, máy chạy càng êm, tính kinh tế cao. Có thể các cửa hàng kinh doanh xăng dầu đã pha trộn loại xăng cấp thấp với loại xăng cấp cao bán cho người tiêu dùng. Thậm chí có những mẫu xăng pha lẫn dầu hoả".

Trả lời câu hỏi vì sao nhiều mẫu về chất lượng xăng không đạt chuẩn như vậy nhưng Chi Cục QLTT không xử lý, ông Trần Vũ Linh cho hay: "Chưa có người tiêu dùng nào phản ánh trực tiếp với QLTT nên không có bằng chứng nào cụ thể. Cái khó của chúng tôi: số tiền phải trả cho mỗi mẫu giám định là 2 triệu đồng. Trong khi Hà Nội có đến hàng trăm cột bơm xăng. Nếu doanh nghiệp vi phạm, họ phải trả. Còn nếu họ không vi phạm, Chi cục QLTT phải tự trả kinh phí".

Ông Linh cũng đưa ra lời khuyên, khi mua xăng người tiêu dùng cần tập trung quan sát vào đồng hồ đo và lượng xăng được bơm vào xe. Nếu phát hiện ra những dấu hiệu bất thường tại các cây xăng, người tiêu dùng có thể phản ánh ngay qua đường dây nóng theo số điện thoại của lãnh đạo Chi Cục QLTT: 0913202949. Hoặc đội trưởng đội QLTT số 14: 0903268569.

Sau nhiều lần bị "móc túi", anh Ngọc Minh rút ra bài học kinh nghiệm: "Người tiêu dùng phải tự bảo vệ mình trước khi nhờ cậy đến các cơ quan chức năng. Cách tốt nhất là đổ xăng đầy bình, nhân viên bán hàng rất khó bề gian lận"

Hải Bình

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.