Đối tác và đối trọng chiến lược

14/11/2007 00:08 GMT+7

Chuyến thăm Nga của Thủ tướng Ấn Độ M. Singh có tác động quan trọng đối với Ấn Độ như đối với Nga, giống như tác động của chuyến thăm Ấn Độ của Tổng thống Nga V.Putin hồi đầu năm đối với cả hai nước, đơn giản vì cả hai có cùng lợi ích trong những lĩnh vực hợp tác, cả hai đều là đối tác chiến lược của nhau và đều có thế sử dụng nhau làm đối trọng chiến lược.

Ấn Độ và Nga có quan hệ hợp tác truyền thống từ nhiều thập kỷ nay, nhưng để được coi là đối tác chiến lược của nhau thì lại khá mới. Nga cần có mối quan hệ đặc biệt này vì Mỹ đã tạo dựng được nó với Ấn Độ. Đồng thời, Nga cũng không thể đứng yên khi Trung Quốc và Ấn Độ cũng hợp tác với nhau ngày càng chặt chẽ hơn. Hiện đang có cuộc cạnh tranh giữa ba nước này trong quan hệ với Ấn Độ. Trong khi đó, Ấn Độ vừa có thể sử dụng nước này trong ba nước ấy làm đối trọng cho quan hệ hợp tác với hai nước còn lại nhưng cũng lại phải luôn chú ý đảm bảo có sự "cân bằng chiến lược" giữa họ. Mỹ và Trung Quốc có sự hợp tác với Ấn Độ về năng lượng, quân sự và hạt nhân thì Nga cũng tạo dựng sự hợp tác trên những lĩnh vực đó với Ấn Độ, coi hợp tác về năng lượng - trong đó có hợp tác hạt nhân và năng lượng hạt nhân - và quân sự là hai trụ cột chính của mối quan hệ đối tác chiến lược này.

Điều đó thể hiện rất rõ ở kết quả của chuyến thăm Nga của Thủ tướng M.Singh: ký kết thỏa thuận về hợp tác chế tạo máy bay vận tải quân sự và cùng bay lên mặt trăng, tiếp tục chuẩn bị thỏa thuận về việc Nga xây dựng 4 lò phản ứng hạt nhân ở Ấn Độ ngoài một nhà máy điện hạt nhân, thỏa thuận về việc Nga bán vũ khí cho Ấn Độ. Cơ chế tổ chức gặp gỡ cấp cao hằng năm cũng được tiếp tục. Sự hợp tác có thực chất như vậy thì mới có thể giúp hai bên đối phó hiệu quả với sự cạnh tranh và thách thức từ phía Trung Quốc và Mỹ.

Thảo Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.