Vietnam Collection Grand Prix: Ai cũng trở thành nhà thiết kế thời trang?

27/09/2007 00:47 GMT+7

Nhiều cuộc thi thiết kế thời trang được tổ chức rầm rộ trong thời gian qua. Loại trừ những cuộc thi do các nhãn hiệu tiêu dùng tổ chức để PR thương hiệu, còn lại tính đến nay chỉ duy nhất cuộc thi thiết kế thời trang mang tên Vietnam Collection Grand Prix (VCGP) do Tập đoàn Dệt May Việt Nam và Viện mẫu thời trang tổ chức là có sức thu hút nhất.

Được tổ chức đầu tiên vào năm 1999, đến nay không thể phủ nhận cuộc thi VCGP đã phát hiện và làm nên tên tuổi cho nhiều nhà thiết kế trẻ trong cả nước như: Thanh Phương, Công Trí, Quốc Bình, Trọng Nguyên, Nhật Minh, Anh Vũ... Qua 8 năm, dù ngày càng được tổ chức hoành tráng trên sân khấu quy mô hơn, mời nhiều vị giám khảo nước ngoài về chấm giải nhưng những gì mà 25 thí sinh đã thể hiện trong đêm chung kết VCGP 2007 tại Sân vận động Quần Ngựa, Hà Nội đêm 23.9 đã làm nhiều người thất vọng.

Khác với những năm đầu đầy háo hức và sáng tạo, lúc đó các thí sinh tham dự đã làm nên những bộ sưu tập thời trang khá lạ mắt và mang tính tiên phong, tuy vẫn còn hơi rườm rà chi tiết. Trong khi đó, những gì các thí sinh thể hiện trên sân khấu hôm nay vẫn không mới về mặt sáng tạo mà thậm chí còn rườm rà, thô kệch và lạc hướng hơn trước. Mang bất cứ chủ đề gì (năm nay là Không gian) thì đa số thí sinh đều làm theo cảm tính và cố gắng "rà" đúng ý ban giám khảo để có giải thưởng.

100 mẫu của 25 thí sinh vào chung kết VCGP 2007 cũng không khác biệt gì những mẫu của thí sinh dự thi cách đây nhiều năm. Vẫn là những kiểu dáng na ná nhau, màu sắc không có gì nổi bật, phong cách lung tung. Bộ thì theo u, bộ theo Á, có bộ theo cả phong cách trang phục của khu vực Trung Đông! Một số mẫu thì quá kỳ dị và hầu hết đều không thể ứng dụng vào đời sống. Đây là điểm mấu chốt do thí sinh quen gu của ban giám khảo chỉ chọn những bộ mang tính sân khấu, biểu diễn với những chi tiết nặng tính rườm rà trang trí. Chính vì không có bất cứ một tiêu chí nào để chấm giải nên thí sinh không biết tại sao mình bị rớt! Và thế là năm sau dự thi cố gắng làm bộ sưu tập cho gần giống với phong cách thiết kế của những người đoạt giải. Kiên trì ắt sẽ thành công. Và thực tế nhiều thí sinh từng làm như vậy, thi nhiều lần thế nào cũng lấy giải thưởng.

Bộ sưu tập của thí sinh Nguyễn Duy Ngự - ảnh: C.T.V

Một nhà thiết kế trẻ từng thành danh từ VCGP cách đây nhiều năm cho biết: "Cuộc thi VCGP chỉ là một sân chơi đúng nghĩa chứ chưa thể nói là nơi phát hiện tài năng thật sự cho ngành thiết kế thời trang. Tương tự nhiều cuộc thi ca nhạc như Vietnam Idol, Ngôi sao tiếng hát truyền hình, Sao Mai điểm hẹn… VCGP cũng biến một người vô danh thành "nhà thiết kế" tài năng, được các công ty dệt may mời chào dù trước đó họ chỉ là học sinh phổ thông hay sinh viên các trường nghệ thuật, chưa từng hoặc chẳng biết gì về kỹ thuật cắt may. Ngày trước, khi tham dự VCGP chúng tôi đã biết - dù chưa phải am tường - thế nào là thiết kế trang phục, kỹ thuật cắt ráp như thế nào. Bây giờ đa số thí sinh chỉ ngồi vẽ cho thỏa sức còn chuyện cắt may thì thuê người khác làm hộ".

Vấn đề đặt ra ở đây là tổ chức VCGP để làm gì? Bổ sung đội ngũ cho thị trường dệt may cả nước bằng những thí sinh thiếu hụt về kỹ năng thiết kế, kỹ thuật may mặc rồi cho tham dự những khóa học ngắn hạn, chắp vá rồi hẳn nhiên trở thành nhà thiết kế tài năng? Viện mẫu thời trang Việt Nam nên là nơi đào tạo hoặc ít ra là lên dự án đào tạo chuyên sâu hoặc kết hợp với các trường thời trang thế giới để đào tạo những nhà thiết kế chuyên nghiệp hơn, giỏi nghề hơn bằng những lớp học chính quy, dài hạn. Nhiều vị giám khảo cuộc thi VCGP những năm trước như bà Francine Pairon (Giám đốc sáng tạo và đào tạo Viện mẫu thời trang Pháp), Karen Guthrie (Giáo sư Khoa Thời trang Đại học Commonwealth, Mỹ) đều nhận xét các mẫu thiết kế của thí sinh trong VCGP nặng về hình thức, còn nhiều chi tiết thừa và kỹ thuật cắt may chưa hoàn chỉnh nên rất khó khăn cho người mặc. Các vị giám khảo này đề nghị nên chọn tiêu chí chấm giải khác đi, đưa những bộ sưu tập vừa có phong cách riêng nhưng phải tuân thủ nghiêm ngặt chuyện ứng dụng vào đời sống thực tế hơn nữa để thí sinh tham dự VCGP ý thức rằng thời trang phải đậm đặc tính ứng dụng. Nhưng đến nay, qua 8 năm tổ chức VCGP vẫn thế! Nhàm và nhạt dần.

Đ.T

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.