Cần trở lại "sân nhà"

26/11/2008 11:26 GMT+7

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong nước tháng 11 đã giảm thêm 0,76%; kim ngạch XK của tháng 11 đạt 4,8 tỉ USD, giảm 0,6 tỉ USD so với tháng trước. Sức mua của các thị trường lớn trên thế giới đã giảm sút bởi ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính... Đó là những tín hiệu không vui cho các DNVN.

Để có đầu ra cho hàng hóa, các nhà sản xuất và kinh doanh bên cạnh việc kích thích đầu tư và tiêu dùng, còn phải không được để "rơi" thị trường nội địa.

Trong vòng 1 tháng qua, cùng với việc giảm sâu giá nguyên vật liệu trên thế giới và suy giảm mãi lực trên thị trường, hàng loạt sản phẩm đã giảm giá. Đặc biệt, những ngày cuối năm này, không ít người tiêu dùng đang dần chuyển sang xu hướng chuộng hàng sản xuất trong nước, giá rẻ, đảm bảo an toàn. Đó là thách thức nhưng cũng là cơ hội tăng thị phần của các nhà sản xuất trong nước.

TPHCM: Hàng thực phẩm, gia dụng "hạ nhiệt"

Mặc dù đã có các đợt giảm giá từ tháng 9-10 nhưng bước sang tháng 11, nhiều nhà sản xuất - kinh doanh tiếp tục công bố giảm giá bán các sản phẩm. Giảm giá đáng kể nhất là các mặt hàng gia dụng và thực phẩm. Theo các siêu thị, nhiều mặt hàng gia dụng được làm từ nhựa, nhôm, inox đang giảm giá 15 - 30%.

Một số nhà sản xuất đã công bố giảm giá 3-4 lần trong tháng qua, trong khi không ít trung tâm điện máy - gia dụng liên tục tung ra các chương trình khuyến mãi, giảm giá bán để đẩy ra lượng hàng tồn kho đã mua với giá cao.

Ông Võ Văn Đức Bảy -Phó Giám đốc Cty nhựa Chợ Lớn - cho biết: "Việc một số mặt hàng giảm giá mạnh vừa qua ngoài lý do giá nguyên liệu trên thế giới giảm mạnh còn do mãi lực hiện nay đang rất thấp. Tuy đã giảm giá bán sản phẩm 15-20% nhưng hàng hoá sản xuất ra vẫn khó tiêu thụ. Điều này khiến cho các nhà sản xuất tiếp tục hạ giá đến ngưỡng cuối cùng có thể đồng thời giảm công suất sản xuất".

Bên cạnh đó, nhóm hàng lương thực - thực phẩm, ngoại trừ mặt hàng rau xanh, đều đang có chiều hướng giảm giá. Ông Văn Đức Mười - Phó Tổng Giám đốc Cty Vissan - cho biết: "Dù đã giảm giá nhiều đợt trong tháng 8 - 9 - 10, nhưng tháng 11 Cty Vissan tiếp tục khuyến mãi, giảm giá nhiều mặt hàng tươi sống, đóng hộp. Thịt heo tươi sống giá bán lẻ hiện chỉ còn 65.000-74.000 đồng/kg". Tương tự, giá gia cầm cũng giảm mạnh.

Ông Phạm Văn Minh - Giám đốc Cty chế biến thực phẩm Phú An Sinh - cho rằng: "Giá gà công nghiệp đang đạt mức thấp nhất trong vòng hơn 2 năm qua khi giá bán lẻ chỉ còn 31.000 - 32.000 đồng/kg". Gà công nghiệp trong nước còn đang phải cạnh tranh với thịt gà nhập khẩu đang tồn kho khá nhiều, giá chỉ 0,8USD/kg đùi gà và 1,7USD/kg cánh gà.

Các loại tôm, thuỷ sản cũng đứng giá, hoặc giảm 1.000 - 3.000 đồng/kg, tôm bán lẻ tại các chợ nhiều lúc chỉ 50.000 đồng/kg. Các loại dầu ăn như Neptune, Simply, Tường An... hiện cũng đã giảm giá 10-15%.

Chuộng hàng giá rẻ

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Giám đốc siêu thị Maximark Cộng Hoà - nhận xét: "Giá nhiều nguyên liệu trên thế giới giảm nên gần đây hầu như các nhà sản xuất, phân phối đều điều chỉnh giảm giá ở mức hợp lý hơn. Bên cạnh đó, việc cạnh tranh quyết liệt về giá giữa các nhà sản xuất, nhà cung cấp đã khiến giá cả các mặt hàng được kìm lại.

Đây cũng chính là xu hướng tiêu dùng của đại đa số khách mua hàng hiện nay. Sản phẩm nào có mức giá cạnh tranh hơn, vẫn đảm bảo các tiêu chuẩn về an toàn chất lượng, sẽ trở thành sản phẩm được nhiều NTD chọn mua hơn".

Chị Nguyễn Minh Châu, ngụ tại đường D2, quận Bình Thạnh, TPHCM cho rằng: "Với tình hình kinh tế khó khăn, cần tiết kiệm chi tiêu như hiện nay, tâm lý "sính ngoại" đang giảm bớt, thay vào đó là lựa chọn những hàng sản xuất trong nước có giá rẻ hơn nhưng chất lượng không thua kém".

 
Nhiều loại thực phẩm chế biến đang giảm giá tại các siêu thị.

Không ít DN cho rằng đây sẽ là cơ hội cho các DN trong nước. Ông Hoàng Thọ Vĩnh - Tổng Giám đốc Cty thực phẩm dinh dưỡng Miền Nam - cho biết: "Với tình hình khủng hoảng kinh tế toàn cầu, thu nhập của NTD cũng như sức mua giảm kèm theo ảnh hưởng từ sự cố sữa nhiễm melamine, kẹo làm từ bột đá, rượu nhiễm chất độc... khiến NTD cân nhắc hơn khi chọn lựa sản phẩm đã trở thành thách thức đối với các DN trong việc tiêu thụ sản phẩm, tăng sản lượng.

Thế nhưng, mặt khác đây cũng chính là cơ hội để các DN có sản phẩm chất lượng cao, giá hợp lý tăng thị phần. Việc một số sản phẩm bánh kẹo của các nước nhiễm melamine sẽ là cơ hội để các nhà sản xuất trong nước giới thiệu sản phẩm chất lượng cao, ngon,  Wednesday, November 26, 2008giá hợp lý đến NTD trong dịp Tết này".

* Ông Nguyễn Đức Thanh - TGĐ Cty TNHH chế biến nông sản - thực phẩm xuất khẩu Tân An (Long An): Hãy dãn nợ cho DN xuất khẩu.

Thời gian gần đây, do khủng hoảng tài chính, tính thanh khoản của khách hàng nước ngoài với các DN xuất khẩu VN không còn thuận lợi nữa; trái lại, họ liên tục chậm trễ, phải 2 - 3 tháng mới thanh toán tiền hàng. Để giúp các DN vượt qua khó khăn, ngân hàng nên giảm lãi suất cho vay, ngang mức cho vay thời điểm tháng 3.2008. Với các DN có phương án xuất khẩu tốt, có thể dãn nợ cho tới giữa năm 2009...

* Ông Phi Tấn Dũng - Phó Giám đốc Cty TNHH Du Dũng (TPHCM): Cố gắng lắm mới... cầm cự được.

Chưa lúc nào, các DN như chúng tôi gặp nhiều khó khăn như lúc này. Lãi vay ngân hàng cao, DNVVN khó có cơ hội chạm được những đồng vốn của ngân hàng. Để tồn tại, hiện chúng tôi đang chuyển hướng kinh doanh vật tư, vật liệu xây dựng và thắt lưng buộc bụng để tồn tại; nhưng không biết trụ được tới lúc nào. Chính phủ và các cơ quan thẩm quyền cần tạo điều kiện thông thoáng hơn nữa về tài chính, làm sao cho các DNVVN được tiếp cận những nguồn vốn vay ưu đãi, lãi suất vừa phải.

C.H

 M.Thoa - Báo Lao Động 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.