Quyền lực giống cái trong thế giới động vật

17/07/2013 03:00 GMT+7

Giống cái của các loài động vật có vú có thể chọn được giới tính cho hậu duệ bằng cách kiểm soát dòng chảy tinh trùng của con đực để tăng cơ hội có thêm nhiều cháu chắt.

Kết quả nghiên cứu mới của Đại học Stanford (Mỹ) cho rằng giống cái ở loài có vú có thể quyết định được giới tính của hậu duệ bằng cách tác động đến tinh trùng “giới tính đực” và “giới tính cái”, vốn khác nhau về hình dạng, khi chúng di chuyển qua cơ quan sinh sản của con cái trong quá trình “xáp lá cà”. Ví dụ, cha mẹ trong điều kiện tốt sẽ đầu tư thời gian vào việc sinh nhiều con đực hơn, kẻ sẽ thừa hưởng sức mạnh và thân hình to lớn, cho phép chúng nắm được cơ hội lớn hơn để tạo ra nhiều hậu duệ hơn nữa. Ngược lại, con cái trong điều kiện chẳng mấy thuận lợi sẽ chọn cách an toàn hơn, tức chọn giới tính cái cho con, với khả năng sinh sản bị giới hạn bởi mặt sinh lý học.

 
Khi sói cái sinh ra hầu như toàn con đực, những đứa con này sẽ có con nhiều gấp 2,7 lần so với sói cái có lượng con đực - cái bằng nhau - Ảnh: kootation

Theo báo cáo trên chuyên san PLOS ONE, các nhà nghiên cứu đã phân tích dữ liệu phối giống trong suốt 90 năm về 40.000 động vật có vú, từ linh trưởng đến tê giác, tại Sở thú San Diego (Mỹ) để xác nhận giả thuyết lâu nay rằng các loài động vật tác động được giới tính của hậu duệ để phản ứng trước những điều kiện môi trường và các yếu tố khác. “Đây là một trong những “chén thánh” của sinh học tiến hóa hiện đại, chứng tỏ khi giống cái chọn giới tính cho hậu duệ, chúng hành động một cách chiến lược theo hướng sản sinh nhiều cháu chắt hơn”, theo tiến sĩ Joseph Garner, tác giả cuộc nghiên cứu.

Các nhà khoa học đã tập hợp 3 thế hệ của hơn 2.300 động vật và phát hiện thế hệ ông/bà có khả năng lựa chọn sẽ sinh nhiều con đực, nếu những con đực này có chất lượng tốt và lần lượt đẻ thêm nhiều cháu chắt hơn. “Bạn có thể mường tượng điều này như là quyền lực của con cái trong thế giới động vật”, theo tiến sĩ Garner. Trước nay, con người thường nghĩ rằng quá trình sinh sản chỉ toàn về việc con đực đua tranh với con cái, rằng con cái có bổn phận chọn ra kẻ thắng cuộc để kết duyên. Nhưng trong thực tế con cái đầu tư mạnh tay hơn con đực, và chúng đưa ra các quyết định mang tầm chiến lược về quá trình sinh sản dựa trên môi trường, điều kiện của bản thân và chất lượng của bạn tình.

Đáng ngạc nhiên hơn, con cái bằng cách nào đó lại chọn tinh trùng tạo ra hậu duệ tốt nhất cho lợi ích của nó. Nói cách khác, tinh trùng chẳng khác nào con tốt trong các ván cờ được chuyền tay qua các thế hệ. Cuộc nghiên cứu được triển khai dựa trên một lý thuyết vào năm 1973 của các nhà khoa học Robert Trivers và Dan Willard. Họ thách thức cả rừng quan niệm vốn tuyên bố rằng giới tính của động vật có vú là sự lựa chọn ngẫu nhiên. Tuy nhiên, Trivers và Willard cho rằng các loài động vật có vú rất ích kỷ, và chúng thao túng giới tính của hậu duệ để tối đa hóa sự thành công của quá trình sinh sản của chính mình. Các giả thuyết khác cũng đưa ra dự đoán tương tự, rằng con cái chọn bạn tình với gien đặc biệt tốt, chẳng hạn như có sức hấp dẫn cao, để sinh những con đực có bề ngoài gợi tình và bắt mắt hơn.

Tiến sĩ Garner đi xa hơn khi cho rằng con người cũng có một vài điểm tương tự, sau khi các nghiên cứu cho thấy chúng ta có thể điều chỉnh tỷ lệ giới tính dựa trên các dấu hiệu xã hội. Chẳng hạn, trong các xã hội đa thê, bà vợ cả nhiều khả năng sinh con trai hơn bà vợ thứ, vì trong trường hợp này đứa con trai nắm giữ khả năng kinh tế của gia đình. Một cuộc nghiên cứu 400 tỉ phú Mỹ, được công bố vào năm 2013, cho thấy họ có nhiều con trai hơn con gái, từ đó các chuyên gia đưa ra giả thuyết rằng có thể là do con trai sẽ giữ được sự giàu có cho dòng tộc.

Phi Yến

>> Quà “độc” trong thế giới động vật
>> Phát hiện loài khủng long chỉ to bằng chó sói
>> Chó sói vồ chết nữ nhân viên vườn thú

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.