Nhọc nhằn cho trẻ đi học mầm non

21/12/2013 10:50 GMT+7

Vụ bạo hành trẻ tại Cơ sở mầm non tư thục Phương Anh một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng bạo hành trẻ em ở nước ta.

bạo hành trẻ em;bạo hành;hành hạ trẻ;đánh trẻ;Trường Yên

 

Thiếu trường mầm non công lập, không ít bậc cha mẹ phải gửi con vào các nhóm, lớp mầm non tư thục không phép

Những nhóm nguyên nhân chính để xảy ra những vụ việc bạo hành trẻ em vừa qua, có thể kể đến sự quá tải của hệ thống trường công lập, sự gia tăng dân số quá nhanh và sự buông lỏng quản lý của các cơ quan chức năng.

Đối với các gia đình có con nhỏ, việc đăng ký một suất vào các cơ sở mầm non công lập, có đầy đủ điều kiện vật chất dạy học và có đội ngũ giáo viên đạt chuẩn chuyên môn đang là một nỗi lo lắng của các bậc phụ huynh trước mỗi mùa khai giảng.

 
Người đứng đầu một cơ quan quản lý nhà nước cao nhất về giáo dục mầm non còn không nắm được số liệu này, thì lấy gì để có thể xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển hệ thống trường mầm non công lập? Và người dân đến bao giờ mới hết nhọc nhằn trong việc tìm một nơi an toàn và với mức chi phí phù hợp để gửi con cái của họ?

Ở khu vực nông thôn và miền núi, mô hình gia đình người Việt thường là 3 thế hệ. Vì thế việc chăm sóc trẻ em trong thời gian bố mẹ đi làm được nhờ cậy ông bà. Điều này làm giảm áp lực cho các cơ sở trông dạy trẻ. Đồng thời số lượng trẻ em ở các khu vực này ít, và các trường mầm non công lập tại địa phương đáp ứng được nhu cầu trông dạy trẻ cho người dân.

Nhưng tại các đô thị lớn, các khu vực có khu công nghiệp tập trung thì hoàn toàn khác. Dân số tập trung về các đô thị, KCN quá đông dẫn đến số lượng trẻ em vượt quá khả năng tiếp nhận của các cơ sở mầm non công lập lẫn tư thục có phép.

Đối với lao động nữ hưởng lương thường xuyên, sau khi sinh chỉ được nghỉ có 6 tháng. Và nếu họ không có sự hỗ trợ của ông bà, hay thuê được người giúp việc, thì việc phải gửi trẻ vào các cơ sở trông giữ là bắt buộc, nếu không thể nghỉ việc để chăm sóc con của họ.

Theo số liệu của Sở GD&ĐT TP.HCM, thành phố hiện có 870 trường mầm non (gồm 419 trường công lập, 451 trường ngoài công lập) và 1.379 nhóm, lớp mầm non tư thục có phép. Tổng số trẻ đang học mầm non là 309.279 em. Trong đó có 161.072 em học tại các trường công lập, 148.207 em học tại các trường, nhóm, lớp mầm non tư thục.

Dựa vào số liệu dân số công bố trên trang web của Tổng cục thống kê. Tính theo tỷ lệ tăng tự nhiên dân số thì số trẻ trong độ tuổi đi học mầm non ở TP.HCM trên 400.000 cháu. Như vậy, sẽ có khoảng 90.000 cháu phải ở nhà hoặc gửi tại các trường mầm non, các cơ sở trông giữ trẻ không phép.

Trên địa bàn một phường ở quận 2 nơi người viết đang ở, có 2 trường mầm non công lập. Tuy nhiên, vẫn không đáp ứng được nhu cầu trông dạy trẻ trên địa bàn. Chỉ tính từ nhà người viết đến trường mầm non công lập gần nhất với khoảng cách 500m, đã có thêm 5 cơ sở mầm non tư thục dọc hai bên đường phố.

Các cơ sở mầm non tư thục ra đời đã đáp ứng được nhu cầu của các gia đình không đủ điều kiện cho con vào học các trường công lập. Điều này cần được khuyến khích với mục tiêu xã hội hóa giáo dục. Tuy nhiên, việc cho trẻ vào học những cơ sở mầm non tư thục đang bị vướng rào cản tài chính.

Đối với trường công lập ở thành phố, hằng tháng mỗi cháu nộp khoảng 700.000 đồng. Bao gồm tiền học phí, ăn trưa, phục vụ, nước uống, vệ sinh,... Các chi phí học năng khiếu, ăn sáng, ăn chiều nếu gia đình có nhu cầu thì đăng ký thêm với nhà trường. Và nếu tính cả các khoản này, trung bình mỗi cháu nộp khoảng 1,5 triệu đồng/tháng.

Còn đối với các trường tư thục, mức nộp thường gấp từ 2 đến 5 lần trường công lập, tùy thuộc vào mức độ đầu tư và quy mô của cơ sở.

Mức thu nhập của người dân ở TP.HCM hiện cao nhất nước. Nhưng năm 2012, mức thu nhập bình quân đầu người mới đạt 1.500 USD/năm. Đối với người lao động hưởng lương thường xuyên cũng mới chỉ đạt trung bình 4,5 triệu đồng/tháng.

Với một gia đình trẻ có 2 con trong độ tuổi mầm non, nếu được học ở trường công lập thì khoản nộp hằng tháng đã chiếm 30% thu nhập của một gia đình mà cả bố và mẹ được hưởng lương thường xuyên.

Có một điều nghịch lý, những gia đình có điều kiện kinh tế ổn định, những gia đình cán bộ, viên chức thì con cái của họ thường “được” vào học trường công lập.

Dĩ nhiên, các gia đình có mức thu nhập thấp sẽ không đủ điều kiện cho con họ vào học những trường tư thục ở mức trung bình và khá nếu không được học ở những trường công lập. Vì thế, buộc họ phải gửi con ở các trường, nhóm, lớp mầm non tư thục không phép với mức chi phí thấp.

Những cơ sở này chắc chắn không đảm bảo điều kiện vật chất phục vụ dạy học, không có đủ (thậm chí không có) các giáo viên được đào tạo nghề nghiệp phù hợp.

Và phần lớn, các vụ bạo hành, gây thương tích, gây tử vong cho trẻ xảy ra ở các cơ sở này.

Khoản 1 điều 16 của Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em nêu rõ: “Trẻ em có quyền được học tập”. Khoản 3 điều 28 cũng nêu: “Cơ sở giáo dục mầm non phải có điều kiện cần thiết về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học để bảo đảm chất lượng giáo dục”.

Với sự thiếu hụt các trường mầm non công lập và rào cản về tài chính. Sẽ có bao nhiêu trẻ em trong độ tuổi mầm non được học tập và tiếp cận môi trường học tập đầy đủ như luật đã quy định?

Trả lời báo Tiền Phong ngày 19.12 về câu hỏi: "Số trẻ mầm non được học trong các trường công lập là khoảng bao nhiêu phần trăm?". Ông Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ giáo dục mầm non - Bộ GD&ĐT cho biết: “Con số này hiện chúng tôi chưa thống kê được cụ thể”.

Người đứng đầu một cơ quan quản lý nhà nước cao nhất về giáo dục mầm non còn không nắm được số liệu này, thì lấy gì để có thể xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển hệ thống trường mầm non công lập? Và người dân đến bao giờ mới hết nhọc nhằn trong việc tìm một nơi an toàn và với mức chi phí phù hợp để gửi con cái của họ?

Trẻ em là tương lai của đất nước. Việc chăm sóc, dạy dỗ trẻ em lứa tuổi mầm non vô cùng quan trọng. Đảm bảo sự phát triển toàn diện về thể chất và tâm sinh lý của trẻ. Nhưng tại sao chúng ta vẫn còn thiếu những cơ sở giáo dục mầm non đảm bảo chất lượng, nơi các em có thể phát triển một cách bình thường?

Câu trả lời dành cho những người có trách nhiệm với nền giáo dục nước nhà.

Trường Yên*

* Bài viết thể hiện góc nhìn và văn phong của tác giả, là một giảng viên đại học, blogger sống và làm việc tại TP.HCM

>> Hậu bạo hành trẻ mầm non: 'Hiệu ứng' sợ đến trường
>> Vụ bạo hành trẻ mầm non ở Thủ Đức: Nguyên nhân sâu xa là thiếu chỗ cho người dân gửi trẻ
>> Bạo hành trẻ mầm non: Khó quản lý nhóm trẻ gia đình tự phát
>> Bạo hành trẻ mầm non: Hậu quả khôn lường, di chứng kéo dài
>> Đóng cửa nhóm lớp mầm non bạo hành trẻ em
>> Kiểm điểm địa phương để xảy ra bạo hành trẻ em
>> “Bảo mẫu” bạo hành trẻ em lãnh 18 tháng tù

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.