Đạo diễn, diễn viên sân khấu trẻ: Sẵn sàng "leo lưng cọp"!

28/10/2006 15:10 GMT+7

Sân khấu TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung những ngày này đang khá sôi động, khi Liên hoan sân khấu xã hội hóa toàn quốc 2006 mở ra nhiều cơ hội và những luồng sinh khí mới. Hơn lúc nào hết, liên hoan năm nay cũng ghi dấu những tín hiệu lạc quan từ nhân tố trẻ khi tạo ra "đất dụng võ" để những người trẻ thể hiện mình.

Trẻ từ nhiều phương diện

Chủ tịch Hội Sân khấu TP.HCM Lê Duy Hạnh cho biết chưa khi nào lực lượng trẻ lại chiếm đông đảo, đến gần 3/4 lực lượng như trong kỳ liên hoan năm nay. Và nhân tố trẻ không chỉ dừng ở số lượng mà thể hiện trên nhiều phương diện - trẻ ở đội ngũ sáng tác, đạo diễn, diễn viên cũng như trẻ ở cách tiếp cận, đặt vấn đề và giải quyết vấn đề trong từng vở diễn. Có thể điểm qua những tên tuổi viết kịch bản còn khá trẻ bên cạnh những "cây đa cây đề" trong liên hoan năm nay như: Thu Phương, Lam Tuyền, Vương Huyền Cơ... Bên cạnh đó là những gương mặt đạo diễn trẻ nhưng khá chắc tay như: Đức Thịnh (Cánh đồng gió), Vũ Minh (Trái tim nhảy múa), Lê Quý Dương (Chợ đời)..., thậm chí có cả đạo diễn trẻ vừa mới tốt nghiệp trong năm nay như Phước Hòa (Khi quá khứ trở về) và có người như Đức Thịnh, Thu Phương đảm nhiệm cả vai trò tác giả - đạo diễn hay đạo diễn kiêm diễn viên.

Đội ngũ diễn viên tham gia hầu hết cũng rất trẻ, có cả những sinh viên chưa tốt nghiệp đã có cơ hội đứng cạnh những thế hệ đàn anh, đàn chị đi trước. Đó là Thanh Thúy vào vai bé Bì trong trẻo bên cạnh Bảo Quốc, Hồng Vân trong vở Cánh đồng gió hay một Phi Nga đứng cạnh danh hài Hoài Linh trong Người nhà quê; là Cát Tường, Huỳnh Đông khá tròn vai trong Khi người ta yêu; là những sinh viên Trường CĐ Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM sát cánh cùng NSƯT Hoàng Yến trong Ngọn lửa Đặng Thùy Trâm hay những nghệ sĩ trẻ của CLB Kịch hình thể trong Tiếng vọng hành tinh... Cũng chính lực lượng trẻ này đã giúp chuyển tải những vấn đề xã hội ở ngày hôm nay bằng ngôn ngữ sân khấu sống động khi đi vào những ngóc ngách, khía cạnh của đời thường, mang đến những vở diễn đầy cảm xúc.

Mặt khác, nhân tố trẻ còn nằm ở những đơn vị xuất hiện chưa đầy năm hay chỉ xuất hiện mới toanh nhân dịp liên hoan như: SK Kịch Tao Đàn, Công ty TNHH Nụ Cười Mới, Kịch D&D (Công ty D&D phối hợp với Nhà hát Thế giới trẻ), SK Kịch Lê Quý Dương, Trung tâm SK thử nghiệm phía Nam, Đoàn kịch Lan Hương - Nhà hát Tuổi trẻ... với sự tìm tòi phương thức xã hội hóa để khẳng định thương hiệu cũng như tạo thêm đất "dựng võ" cho những đạo diễn, diễn viên trẻ.

Chất "lửa" từ liên hoan

"Tôi cảm thấy không khí liên hoan năm nay cũng sôi động tương tự như giai đoạn 1989-1990 khi mới tập hợp lực lượng trẻ ở 5B với lứa của Việt Anh, Hồng Vân, Thanh Hoàng, Khánh Hoàng... Có thể nói kỳ liên hoan này đã mở ra những tín hiệu lạc quan khi dự báo sự trưởng thành của lực lượng trẻ và không sợ tình trạng "tre già mà măng chưa mọc". Tuy nhiên ở những người trẻ vẫn còn thiếu bề dày về kinh nghiệm biểu diễn - do đó nếu ở sân khấu có những gương mặt kỳ cựu "cầm trịch" và tự trẻ hóa hỗ trợ thì các nhân tố trẻ đó sẽ phát triển vững chắc hơn", Chủ tịch Hội Sân khấu TP.HCM - Lê Duy Hạnh

Không đặt nặng chuyện đoạt huy chương hay đoạt giải nên hầu hết những người trẻ mang đến liên hoan chất "lửa" cùng lòng nhiệt tâm sáng tạo nghệ thuật cũng như tìm ra hướng đi để tồn tại trong xu hướng xã hội hóa sắp tới. Từ liên hoan mới có dịp nhìn thấy những câu chuyện bên lề khá xúc động. Đó là một giám đốc công ty quảng cáo mê nghệ thuật bỏ tiền đầu tư và liên kết với Trường CĐ Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM để dựng hai vở diễn hơi "khó nuốt" về đề tài chiến tranh, sẵn sàng tài trợ cả ê-kíp thực hiện vở Ngọn lửa Đặng Thùy Trâm thực hiện chuyến đi thực tế đến tận Quảng Ngãi - nơi chị Trâm hy sinh để lấy chất liệu từ đời sống trước khi dựng vở.

Đó là chuyện của nhóm 10 người bạn trẻ trước đây không có đất diễn phải góp vốn lại lập ra nhóm tấu hài, sau này là Công ty TNHH Nụ Cười Mới với ao ước "lấy tấu hài để nuôi kịch nói". Và họ đã mang đến liên hoan 2 vở diễn hút khán giả với tiếng cười ý nhị, trong đó Ra giêng anh cưới em từng đạt doanh thu cao (hơn 500 triệu đồng). Nghệ sĩ Hữu Lộc - Giám đốc Nụ Cười Mới cho biết: "Nhiều người vẫn nhìn tấu hài bằng con mắt thiếu thiện cảm nhưng về mặt nào đó, nó vẫn có giá trị trong đời sống giải trí nếu biết làm đúng cách, không quá đà. Đến liên hoan, chúng tôi chỉ muốn bày tỏ rằng Nụ Cười Mới không chỉ biết có tấu hài mà luôn mong có cơ hội diễn những vở kịch dài, hài hước nhưng đọng lại điều gì đó ý nghĩa".

Đó còn là chuyện 3 người bạn cùng tốt nghiệp lớp Đạo diễn K4 Trường CĐ Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM góp vốn để lập ra Sân khấu Kịch Tao Đàn tại Cung văn hóa Lao động TP.HCM dù biết đã từng có đạo diễn kỳ cựu bỏ vốn đầu tư tại đây nhưng thất bại. "Biết là "đang leo lưng cọp" nhưng với sức trẻ của mình, chúng tôi hy vọng sẽ duy trì sân khấu sống được và làm "bệ phóng" cho những bạn trẻ khác. Vấn đề còn lại chỉ là thời gian. Và cho dù thất bại thì chúng tôi cũng đã mang hết sức vào cuộc chơi", nhóm bạn thổ lộ. Cũng chính sức trẻ nên họ đã biết cách tiếp thị thương hiệu khá mới lạ: in và phát những tập san nhỏ giới thiệu về sân khấu, diễn viên cùng nội dung các vở kịch cho khán giả ngay trong đêm diễn.

Chất "lửa" còn nằm ở sự tìm tòi, thể nghiệm của một đạo diễn Việt kiều trẻ từ nước ngoài trở về khi tự bỏ tiền túi dựng vở Chợ đời để tham dự liên hoan. Vở diễn dành đất cho rất nhiều viên trẻ, thậm chí có người chưa từng đứng trên sân khấu bao giờ. Đạo diễn Lê Quý Dương bộc bạch: "Biết là đi theo hướng sân khấu thể nghiệm sẽ tạo ra nhiều ý kiến khen, chê khác nhau, nhưng dù sao tôi vẫn sẽ tiếp tục áp dụng những gì mình đã học và làm được ở nước ngoài để dựng những vở kịch mang tính mới mẻ, tìm tòi theo cách của tôi và tạo cơ hội cho những người trẻ khác đứng trên sân khấu". Nhận xét về chất "lửa" trong liên hoan, NSƯT - đạo diễn Trần Minh Ngọc cho biết: "Mỗi đơn vị tham gia liên hoan đều là một mô hình xã hội hóa sân khấu tuy hiệu quả vở diễn có thể khác nhau vì nhiều lý do. Và dù cho có những khó khăn, trở ngại nhưng tất cả đều mang tinh thần dấn thân và tham gia trong không khí thân mật, cởi mở".

Vở Khi người ta yêu

Để duy trì “chất lửa”...

Bên cạnh những tín hiệu lạc quan, đâu đó vẫn còn những băn khoăn không tránh khỏi. Đó là băn khoăn về bề dày diễn xuất của các diễn viên và tay nghề của đạo diễn trẻ khi thực tế cho thấy những sân khấu tham gia liên hoan có dàn diễn viên trẻ hầu hết diễn chưa tới hay đạo diễn trẻ chưa chuyển tải tốt ngôn ngữ kịch bản sang ngôn ngữ sân khấu, dù họ đã có đất "dụng võ". Chưa kể nếu so với sân khấu phía Nam thì sân khấu phía Bắc vẫn chưa thực sự tin vào thế hệ trẻ và tạo điều kiện để họ thể hiện năng lực, như vậy lấy đâu ra nhiều cơ hội "cọ xát" để phát triển. Đạo diễn Trần Minh Ngọc nhận xét: "Dĩ nhiên lúc này không thể đòi hỏi các bạn phải chuyên nghiệp và rút ngắn khoảng cách so với thế hệ trước ngay được mà cần phải có tâm lý chờ đợi. Nhưng tôi tin với đường đi của sân khấu xã hội hóa cùng không khí cạnh tranh lành mạnh thì chắc chắn các bạn phải tự nỗ lực để vươn lên tầm chuyên nghiệp. Và quá trình đó sớm hay muộn còn tùy vào sự hỗ trợ của những người đi trước, các cấp quản lý...".

Một băn khoăn khác không chỉ những sân khấu trẻ mà cả những sân khấu đã tạo dựng được thương hiệu cũng quan tâm, đó là có được điểm diễn cố định thường xuyên. Vở Chợ đời của đạo diễn Lê Quý Dương sau liên hoan vẫn chưa tìm được điểm diễn thích hợp, trong khi anh đang chuẩn bị dựng tiếp vở Chùa Đàn. Người nhà quê của Nụ Cười Mới cũng phải thuê để diễn "ké" ở Sân khấu Kịch Sài Gòn trong liên hoan và sau đó Kịch Sài Gòn đang tiến hành mua lại để diễn vào dịp Tết. Ê-kíp thực hiện Ngọn lửa Đặng Thùy Trâm cũng đang tìm cách đưa vở đến công chúng sau liên hoan nhưng vẫn chưa công bố kế hoạch cụ thể, ngoài lời mời từ một số trường đại học TP.HCM hay từ Quảng Ngãi, Quảng Bình. Ngay cả thương hiệu kịch Idecaf cũng đang lo lắng khi 2 năm nữa hợp đồng thuê địa điểm tại Sân khấu Idecaf kết thúc.

"Đồng ý là các đơn vị sân khấu xã hội hóa phải tự thân vận động để tìm điểm diễn. Nhưng nên chăng, trước mắt Nhà nước có thể cải tạo những tụ điểm sân khấu hay mặt bằng hoạt động không hiệu quả, đang bỏ trống hiện nay rồi cho các đơn vị biểu diễn thuê với giá ưu đãi - như thế cũng là cách làm ăn theo kiểu xã hội hóa!", một đạo diễn đề xuất. Một tác giả khác không giấu cảm xúc: "Hy vọng sau khi trao đổi, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau từ liên hoan này, các đơn vị sân khấu xã hội hóa, nhất là những đơn vị còn non trẻ sẽ tìm ra hướng đi và phát triển thích hợp".

Vở Chợ đời

Vân Anh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.