Nam Phi: Toàn bộ hơn 3.200 thợ mỏ đã được giải cứu

05/10/2007 15:27 GMT+7

(TNO) Tính đến sáng sớm hôm nay 5.10, toàn bộ hơn 3.200 công nhân bị mắc kẹt ở độ sâu 2,2km của một khu mỏ vàng ở Nam Phi đều đã được đưa lên mặt đất an toàn. Tin này làm cho người dân trên khắp Nam Phi thở phào nhẹ nhõm nhưng còn đó vẫn là mối quan ngại sâu sắc về điều kiện an toàn tại hàng loạt khu mỏ ở đất nước Phi châu xinh đẹp này.

Không có ai bị thương nặng, mặc dù toán công nhân cuối cùng được giải cứu đã ở dưới lòng đất suốt 40 giờ liền.

Richman Maneli, một công nhân được đưa lên mặt đất khá muộn màng, mừng rỡ cho biết: “Tôi đã chịu đựng ở đó cả 30 giờ đồng hồ. Chúng tôi không có thức ăn, không có nước uống và đã kiệt sức”.

Sự cố đã xảy ra từ lúc 10 giờ sáng hôm 3.10, khi một ống dẫn lớn bị rơi, va vào hệ thống kỹ thuật của thang máy, gây mất điện và làm nó ngưng hoạt động. Mãi đến tối, mọi việc mới được phát hiện. Các thợ mỏ được chuyển lên mặt đất bằng hệ thống thang nâng, vốn dùng để chuyên chở máy móc, thiết bị. Vì số lượng công nhân quá đông, thang nâng chật chội và không thể di chuyển với tốc độ cao (để đảm bảo an toàn) nên phải đến sáng nay, công việc cứu hộ mới hoàn tất.

“Thật là khủng khiếp. Ở trong đó không có đủ không khí”, một thợ mỏ thốt lên. Ông cho biết lúc còn bị kẹt ở độ sâu 2,2 km, nhiều người hoảng loạn, kêu la không kiềm chế được vì sợ rằng mình sẽ bỏ mạng ở đây. Được biết nhiệt độ trong khu vực các công nhân bị mắc kẹt lên đến 30- 40 độ C.

Trước đó, đại diện công ty khai thác khu mỏ gặp sự cố là Harmony từng phát biểu rằng bên trong có đủ không khí cũng như có nước uống cho thợ mỏ.

Nhưng dù sao, may mắn là không có ai bị thương, ngoại trừ một số trường hợp bị mất nước và bị vọp bẻ.
 
Bộ trưởng Năng lượng và Khoáng sản Nam Phi, bà B. Sonjica cho biết đã ra lệnh đóng cửa khu mỏ kể trên trong 6 tuần để kiểm tra lại các điều kiện an ninh.

Việc khai thác các mỏ vàng đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong nền kinh tế Nam Phi. Tuy nhiên, từ lâu, Hiệp hội thợ mỏ quốc gia của Nam Phi đã nhiều lần than phiền về điều kiện làm việc đầy rủi ro của các thợ mỏ. Trong trường hợp sự cố kể trên, thang máy ngưng hoạt động từ sáng nhưng đến tối, khi các công nhân làm ca ngày định trở về nhà, mọi chuyện mới được phát hiện. Điều này cho thấy công tác bảo dưỡng hệ thống thang  máy ở một nơi nhạy cảm như hầm mỏ rất bị xem thường.

Trong vòng 2 năm qua, mỗi năm đã có khoảng 200 công nhân mỏ thiệt mạng ở Nam Phi.

Đoan Nhật (Theo BBC)

 

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.